Làng nghề Đại Bái, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu nổi tiếng với nghề gò đúc đồng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây là địa phương tập trung hàng trăm hộ gia đình chuyên sản xuất các sản phẩm từ đồng, nhôm, cũng như tái chế phế liệu. Mặc dù đóng góp lớn vào phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống người dân, nhưng làng nghề cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường.
Trước tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các cơ sở sản xuất, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định hành động quyết liệt nhằm xóa bỏ vĩnh viễn các lò đốt, ống khói gây ô nhiễm. Từ hơn một tuần qua, hơn 200 ống khói, lò đốt của 185 hộ dân tại làng nghề Đại Bái và cụm công nghiệp đã phải dừng hoạt động và phá dỡ.
Cuối tháng 3, khu vực cụm công nghiệp Đại Bái không còn không khí của sự xây dựng mà thay vào đó là khung cảnh phá dỡ hàng loạt các cột khói của các lò tái chế phế liệu. Ngoài các cơ sở trong cụm công nghiệp, nhiều lò tái chế phế liệu tự phát còn tồn tại ngay trong khu dân cư, tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường sống của người dân.
Dưới cái mác làng nghề truyền thống, các lò tái chế phế liệu ở Đại Bái đã tự cho mình quyền tồn tại, bất chấp việc gây hủy hoại môi trường suốt nhiều năm qua. Mặc dù có sự khác biệt về vị trí địa lý, nhưng tất cả các cơ sở tái chế kim loại tại đây đều có điểm chung là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật: không có giấy phép hoạt động, không áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường và không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Các lò tái chế phế liệu này, mặc dù mang danh là cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống, nhưng lại hoạt động thiếu kiểm soát và không tuân thủ các quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm không khí và nguồn nước nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường mà còn đe dọa sức khỏe của người dân trong khu vực.
Mặc dù biết rõ hậu quả, nhưng các cơ sở tái chế phế liệu ở Đại Bái vẫn ngang nhiên hoạt động, mỗi cơ sở chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ qua những tác động tiêu cực đối với môi trường. Các loại khí thải độc hại, chất thải rắn và nước thải chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường, khiến không khí, đất đai và nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm trầm trọng.
Ông Vũ Đức Khuông, Bí thư Đảng ủy UBND xã Đại Bái, huyện Gia Bình, Bắc Ninh: "Anh em chúng tôi vẫn nói rằng bây giờ bà con sống cũng phải để cho nhân dân cùng sống. Hiện tại, làng nghề có rất nhiều người bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, trong đó có cả bệnh ung thư. Số tiền lợi nhuận từ hoạt động sản xuất ô nhiễm môi trường này không bù đắp được với thiệt hại rất lớn về sức khỏe và môi trường".
Sau làng nghề giấy Phong Khê, Cụm Công nghiệp Phú Lâm và Làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá, thì làng nghề Đại Bái là "điểm nóng" thứ 4 mà UBND tỉnh Bắc Ninh quyết tâm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm trong đợt này.
Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: "Tôi xin nhắc lại rằng đối với tỉnh Bắc Ninh, quan điểm là không để nỗi đau về ô nhiễm môi trường kéo dài và không chấp nhận bất kỳ điểm nóng hay vi phạm nào về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được phép tồn tại. Đó là quan điểm nhất quán. Tôi xin nêu lại báo cáo các đồng chí rằng khi triển khai một, ba năm của Bộ Công an, Bộ Công an đã triển khai và đặt kỳ vọng rất cao vào việc tổng rà soát và xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn quốc. Trong đó, báo cáo các đồng chí rằng theo tinh thần báo cáo lại của các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Công an sẽ lấy Bắc Ninh làm điểm nhấn điển hình về xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian vừa qua".
Chỉ sau 2 ngày đầu thực hiện, đã có hơn 100 lò cô đúc nhôm, đồng được xử lý. Tiến độ tháo dỡ được thực hiện khá nhanh. Theo kế hoạch, đến ngày 15/4, địa phương phải hoàn tất việc xử lý toàn bộ các vi phạm đang phát sinh ở trong làng nghề và cụm công nghiệp Đại Bái.
Làm rõ trách nhiệm của cán bộ trong công tác quản lý về môi trường
Việc phá bỏ các lò tái chế phế liệu tại Đại Bái là một bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của tỉnh Bắc Ninh trong việc cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Đây là một vấn đề lâu dài và phức tạp, không chỉ của Đại Bái mà còn là thách thức chung của nhiều địa phương khác trong cả nước. Để giải quyết triệt để vấn đề này, tỉnh Bắc Ninh đã có những động thái quyết liệt.
Ngày 21/3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành một kế hoạch riêng nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các làng nghề và cụm công nghiệp. Theo kế hoạch, đến ngày 30/4/2025, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các cơ sở vi phạm tại các "điểm nóng" về môi trường. Đặc biệt, sẽ làm rõ trách nhiệm của các cán bộ địa phương, nếu phát hiện hành vi buông lỏng quản lý, làm ngơ hoặc tiếp tay cho các vi phạm môi trường.
Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: "Tôi đề nghị trong quá trình kiểm tra khi triển khai kế hoạch 171 cũng như kế hoạch 132 của Công an tỉnh, tôi đề nghị rà soát thêm đội ngũ cán bộ để phát hiện tình trạng cán bộ tiếp tay cho vi phạm. Chúng ta cần xử lý rất quyết liệt. Việc này không thể nương tay với cán bộ trong hệ thống của chúng ta. Nếu còn bình thường, mình nói về mặt quan điểm. Nếu anh em không đủ thẩm quyền để làm việc tích cực, thì công việc đó có thể chấp nhận được, nhưng biểu hiện làm ngơ, đặc biệt là có tiêu cực, thì tôi đề nghị giao cho công an nắm sát việc này. Các đồng chí cần có báo cáo, và nếu cần thiết, chúng ta sẽ làm rất mạnh tay đối với những trường hợp cán bộ này".
Khởi tố vụ chôn lấp chất thải tại cơ sở tái chế kim loại trái phép
Việc làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý và giám sát môi trường là vô cùng cần thiết, vì thực tế, mọi vi phạm chỉ tồn tại khi các cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương không phát hiện kịp thời hoặc biết mà không có biện pháp xử lý. Mới đây, qua công tác trinh sát, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện và xử lý hình sự các vụ chôn lấp chất thải quy mô lớn tại làng nghề Đại Bái. Bước đầu, cơ quan chức năng đã làm rõ thủ đoạn của các đối tượng liên quan đến việc đổ chất thải ra môi trường.
Khu vực bị vi phạm là đất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản, thuộc quản lý của UBND xã Đại Bái, huyện Gia Bình. Tuy nhiên, trong hai năm qua, nhiều cá nhân và tổ chức đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến những khu đất này thành các nhà xưởng phân kim, bóc tách kim loại quý từ phế liệu. Quá trình này phát sinh lượng chất thải khổng lồ, và đáng tiếc, chúng đã bị đổ trực tiếp ra môi trường mà không qua bất kỳ biện pháp xử lý nào.
Chỉ khi Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh vào cuộc, phát hiện và triệt phá các hoạt động vi phạm này, mọi việc mới được dừng lại.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh: "Cơ sở hoạt động rất tinh vi giữa cánh đồng. Người lạ không thể vào được".
Chủ cơ sở tái chế chất thải nguy hại: "Chủ đất cứ bảo đổ chất thải ra khu ao đó. Tôi cũng không biết đây là chất thải nguy hại và cũng chưa hiểu rõ pháp luật Việt Nam"
Theo kết quả giám định, loại chất thải màu đen được cơ quan điều tra xác định là chất thải nguy hại, có thể gây độc hại nghiêm trọng nếu bị san lấp trái phép xuống khu vực ao nước như vậy. Đây là một hiểm họa môi trường rất lớn, bởi chất thải này có thể làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái địa phương.
Với nghiệp vụ tinh nhuệ và quyết tâm cao độ, các cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Ninh đã nhiều ngày mật phục, theo dõi mọi di biến động của các đối tượng vi phạm. Qua công tác điều tra và giám sát, bước đầu, cơ quan công an đã xác định khoảng 700 tấn chất thải đã bị chôn lấp trái phép tại khu vực này.
Đại tá Bùi Duy Hưng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh: "Đây là một trong những vụ việc điển hình về vấn đề vi phạm pháp luật về môi trường, bao gồm vấn đề tái chế các rác thải nguy hại. Có vấn đề xả thải ra nguồn nước và việc chôn lấp các rác thải sinh hoạt. Các hành vi vi phạm này đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự. Do vậy, việc cá thể hóa hành vi sai phạm của các đối tượng là như tôi đã chỉ đạo các anh em, cơ quan điều tra, và tập trung vào các hành vi sai phạm của đối tượng để chúng ta xử lý một cách nghiêm minh và đúng theo quy định của pháp luật".
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh, trong thời gian tới, địa phương này sẽ tiếp tục tăng cường xử lý hình sự các vụ vi phạm pháp luật về môi trường để răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Đặc biệt, sẽ tập trung vào những cơ sở lợi dụng danh nghĩa làng nghề để hoạt động sản xuất nhưng lại gây hủy hoại môi trường. Vụ việc vừa được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Bái, chia sẻ: "Làng nghề này vô cùng phức tạp, người đến người đi. Chính quyền từ trước đến nay cũng có lúc buông lỏng quản lý. Huyện giao trách nhiệm cho xã rồi. Chứ không phải không. Chắc chắn huyện cũng phải chịu trách nhiệm nữa."
Mới đây, thêm một vụ đổ trái phép chất thải khác của một cơ sở tại làng nghề Đại Bái cũng bị các cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện, bắt giữ. Bước đầu, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Gây ô nhiễm môi trường", đồng thời xác định có hơn 120 tấn chất thải xỉ nhôm đã được chôn lấp xuống khu đất nông nghiệp trên địa bàn.
Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề
Theo lý giải của lãnh đạo xã Đại Bái, có rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, bởi làng nghề truyền thống đã tồn tại từ lâu đời, hình thành các tập quán sản xuất và là sinh kế của người dân. Những lý lẽ này không phải không có cơ sở, nhưng từ thực tế những gì đã diễn ra, có thể thấy rõ một tình trạng lợi dụng danh nghĩa, mác làng nghề truyền thống để các cơ sở bỏ qua các quy định pháp luật về môi trường trong quá trình hoạt động.
Việc đổ trực tiếp xỉ thải ra khu đất nông nghiệp, như những gì các chủ lò nấu nhôm đang làm, là cách họ xử lý chất thải sau mỗi ca sản xuất. Xỉ thải, vốn là chất thải nguy hại có khả năng hủy hoại đất đai và gây nhiễm độc môi trường, lẽ ra phải được thu gom và đưa đi xử lý đúng quy trình. Tuy nhiên, nhóm người ở đây vẫn ngang nhiên đổ bừa bãi, ngày này qua ngày khác, không một chút kiêng dè. Những mẻ xỉ nóng đỏ vừa mới ra lò, lại tiếp tục reo rắc sự chết chóc và tàn phá nơi mà nó hiện diện, phá hủy môi trường sống của con người và hệ sinh thái xung quanh.
Ông Vũ Đức Khuông, Bí thư Đảng ủy UBND xã Đại Bái, huyện Gia Bình, Bắc Ninh cho biết: "Đến bây giờ, chính quyền xã đã có phương án gọi tất cả các hộ sử dụng đất nông nghiệp đó để làm việc và làm rõ nguồn gốc, xem ai là người đổ xỉ thải để xử lý theo đúng quy định. Chúng tôi có phát hiện ra đối tượng nào không? Trên địa bàn các xóm, theo báo cáo của các anh trưởng thôn, cũng đã rà soát nhưng chưa bắt được quả tang trường hợp nào".
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế và môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Những chất thải này đổ ra đồng khiến cây không thể phát triển, và các loài tôm cá không thể tồn tại. Môi trường rất độc hại, và đây không phải là vấn đề chỉ xảy ra một lần mà là một mối đe dọa tiềm ẩn, gây hại cho đất nước và môi trường chung trong tương lai".
Theo người dân địa phương, nạn đổ xỉ thải trái phép tại xã Đại Bái diễn ra rầm rộ và gia tăng quy mô trong khoảng 6 tháng gần đây. Khi các lò nấu nhôm trái phép tại điểm nóng Văn Môn, huyện Yên Phong bị yêu cầu dừng hoạt động thì các ông chủ ở đó lại đồng loạt tìm cách di chuyển về đây, biến mảnh đất này thành một làng nghề Mẫn Xá, Văn Môn thứ 2.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Đại Bái cho biết: "Không biết mình không thể biết được vì người ta không nhận là mình, người ta mang về. Đây là ở đây, ví dụ có nhà nhận như nhà tôi, cho người ta làm như vậy, nhận là tôi làm công nhân, nhưng họ lại không ở đây. Đêm ngày xưa, họ làm ban ngày, thì tối họ đi ra chỗ khác. Về sau này, bắt đầu mới làm nhiều, bắt thì họ làm đêm. Mình 10 giờ không có gì, 11 giờ công nhân đến, họ làm đến 4 giờ sáng đã xóa dấu vết đi rồi".
Cũng bởi vì xã không biết, nên chỉ đến khi người dân đồng loạt gửi đơn tố cáo về hoạt động của các lò nấu nhôm mới mọc lên ở đây, thì sự việc mới được ngăn chặn.
Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng trong các làng nghề, nếu tiếp tục để tình trạng "thả gà ra đuổi", sẽ không chỉ không đạt được mục tiêu cuối cùng, mà còn khiến ô nhiễm lan rộng, khó kiểm soát hơn. Từ trên trời... cho đến dưới đất, ô nhiễm không chỉ dừng lại ở khói bụi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đất đai, nguồn nước và sức khỏe cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!