Mặc dù khung pháp lý và chủ trương của Nhà nước luôn nhấn mạnh việc bảo vệ sức khỏe, tinh thần và tính mạng trẻ em, tuy nhiên trong thời gian gần đây, các vụ bạo hành trẻ – đặc biệt ở lứa tuổi mầm non – lại có xu hướng gia tăng. Điều đáng buồn là không ít vụ việc lại do chính những người được xã hội ví như "mẹ hiền" – các cô giáo – gây ra.
Những hành vi bạo hành không chỉ gây tổn thương về thể chất, mà còn để lại di chứng tinh thần nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ.
Ám ảnh tâm lý của trẻ sau khi bị bạo hành
Nghi ngờ con mình bị bạo hành, chị Quỳnh đã đề nghị nhà trường trích xuất camera, song ban đầu bị từ chối. Chỉ khi chị gửi đơn kiến nghị lên phường Mai Động (quận Hoàng Mai), nhà trường mới cho phép gia đình tiếp cận hình ảnh.
Chị Dương Ngọc Quỳnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ nỗi lo lắng: "Trước khi đi học, bé là một em bé vui vẻ, hay cười hay nói, không sợ người lạ… Nhưng sau một thời gian, cứ về nhà là con khóc, kêu cô đánh vào mặt."
Sau đó, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn stress cấp tính – một dạng rối loạn tâm lý thường xảy ra khi trẻ trải qua những trải nghiệm gây sợ hãi, căng thẳng kéo dài.
Hơn một tháng sau khi phát hiện sự việc, chị Quỳnh gần như dành toàn bộ thời gian bên cạnh con. Những vết thương trên cơ thể bé đã dần lành theo thời gian, nhưng nỗi đau tinh thần thì vẫn chưa thể xóa nhòa. Chị Quỳnh không biết đến khi nào tâm hồn con mới có thể chữa lành hoàn toàn, khi những ký ức về những gì đã trải qua vẫn còn in sâu trong tâm trí trẻ.
Ranh giới mong manh giữa rèn giũa trẻ tự lập và bạo hành
Gia đình nạn nhân đã cung cấp hơn 40 clip được trích xuất từ camera của Trường mầm non Học viện Anhxtanh từ 10/3 đến 18/3. Điều đáng nói là rất nhiều học sinh trong lớp cũng bị các cô giáo có hành vi không đúng chuẩn mực.
Chị Lê Thị Oanh, Giáo viên lớp Moon Reggio, Trường Mầm non Học viện Anh-xtanh cho biết: ""Trong quá trình các cô rèn luyện cho các cháu, đặc biệt khi chuẩn bị chuyển lên lớp Sunny – nơi yêu cầu các con phải tự lập hơn trong ăn uống, học tập – các cô đã hướng dẫn để các con tự xúc ăn. Ban đầu, con cũng ngoan, phối hợp tốt, nhưng gần đây con hay khóc, bướng bỉnh hơn và không chịu xúc ăn. Khi đó, cô có nhắc nhở, bảo: 'Thôi, Chút xúc ăn đi'. Thật ra trong quá trình ăn uống của con thì không thể tránh khỏi thì cô cũng xin lỗi vì cô có đụng chạm vào những cái ấy của con. Con cũng không biết là lúc đấy là cô nói, cô dạy bảo con hay cô đánh con, thì các cô cũng chỉ ấy như thế thôi".
Đây cũng là lời giải thích được phía nhà trường đưa ra, cho rằng những hành vi của cô giáo trong clip được trích xuất từ camera là "một phần trong quá trình rèn luyện bằng tình yêu thương".
Tại Trường Mầm non Học viện Anh-xtanh, tất cả các lớp học đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên, phụ huynh không được theo dõi trực tuyến mà chỉ có thể đến trực tiếp văn phòng nhà trường để xem lại hình ảnh khi có nhu cầu. Tại buổi làm việc với phụ huynh, đại diện nhà trường cho biết họ không thể theo dõi 100% camera của các lớp.
Tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai (Hà Nội), sau một khoảng thời gian chờ đợi khá lâu, phóng viên mới được đại diện cơ quan này tiếp nhận thông tin. Vị đại diện cho biết, liên quan đến sự việc tại Trường Mầm non Học viện Anh-xtanh, quận đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các bên liên quan và tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở mầm non này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã cử tổ công tác xuống xác minh sự việc là có hành vi không chuẩn mực của giáo viên đối với học sinh. Sau đó phụ huynh có gửi đơn ra phường, chúng tôi cũng phối hợp. Hiện hồ sơ của các cô đã được cơ quan công an thành phố thụ lý".
Bà Hòa cũng cho biết thêm sự việc đã được chuyển lên công an thành phố Hà Nội để xử lý. UBND quận Hoàng Mai cũng đang đợi kết quả của cơ quan điều tra để có hướng xử lý đối với trường mầm non Học viện Anh-xtanh. Hiện các cô giáo có hành vi thiếu chuẩn mực đã bị đình chỉ và buộc thôi việc.
Khó xử lý các vụ bạo hành
Luật trẻ em 2016 quy định "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em."
Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ " Hành vi bạo lực trẻ em có thể được xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của hành vi."
Dù đã có những quy định cụ thể trong các bộ luật nhưng trên thực tế bạo lực về thể chất có thể dễ dàng phát hiện do hậu quả có thể nhìn thấy ngay trên thân thể thì bạo lực về tinh thần lại khó xử lý hơn rất nhiều.
Để xử lý những vụ việc bạo hành, theo quy định của luật tố tụng hình sự và Luật giám định tư pháp thì cơ quan điều tra cần phải thực hiện giám định về sức khỏe tâm thần và tỉ lệ tổn thương cơ thể mà do những cái hành vi trái pháp luật nếu có gây ra. Từ đó, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mới có thể tiến hành xem xét. Tuy nhiên trên thực tế, đối với trẻ việc giám định tổn thương về mặt tinh thần gặp rất nhiều khó khăn.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông cho biết: "Thực tế thì chúng tôi tham gia các cái vụ án liên quan đến xâm phạm về sức khỏe hoặc là tinh thần ấy thì cái việc giám định đối với người lớn thì nó sẽ dễ dàng hơn đối với trẻ em. Bởi vì là thứ nhất là các cháu còn rất là bé, khi mà vào giám định thì các bác sĩ hoặc các giám định viên người ta sẽ hỏi cái diễn biến sự việc".
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ xem xét những đoạn clip trích xuất từ camera. Song những hình ảnh này rất khó để xác định chính xác.
"Tôi thấy là bằng mắt thường trực quan của chúng ta quan sát thì rất khó để xác định được hành vi đấy là hành vi có bạo ngược hay không, có dùng hành vi vũ lực đối với các cháu hay không…đánh giá hậu quả và phải chứng minh được rằng mối quan hệ giữa hậu quả và hành vi vi phạm pháp luật trước đó nếu có của những cô giáo như này thì dẫn đến là cháu bị tổn thương để xử lý theo quy định của pháp luật. Còn trường hợp nếu mà không chứng minh được mối quan hệ nhân quả thì trong trường hợp này cũng sẽ rất khó để xem xét xử lý" - Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông cho biết.
Các chuyên gia về trẻ em cho biết hiện quá trình điều tra, xử lý pháp lý những vụ án này thường kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nạn nhân.
Bác sĩ Lại Thị Thanh, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Khi mà đứa trẻ một tuổi lớn rồi khi mà gặp vấn đề như vậy và kèm theo thời gian chờ đợi thủ tục pháp lý thì làm cho cái tâm lý của trẻ càng thấy bất an, lo lắng, căng thẳng hơn. Những cái trường hợp như vậy chúng tôi cũng phải làm tâm lý cho trẻ tư vấn tâm lý cả trong giai đoạn đến khi mà trẻ có thể tự vượt qua được, hoặc là khi cái vụ án khép lại thì cũng làm việc là khép lại thì trẻ không có những cái cái tâm lý tốt hơn".
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của người lớn. Trước hết là trách nhiệm của cha mẹ, người thân trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, những người hàng xóm xung quanh trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì không có khả năng tố cáo, lên tiếng, không có khả năng phản kháng, thoát khỏi những sự chà đạp, những bạo lực, đặc biệt trong môi trường thân quen. Những vụ bạo hành trẻ em không chỉ khiến cho các bé bị đau đớn về thể chất, mà còn để lại di chứng nặng nề về tinh thần. Điều đáng nói là những vết sẹo tâm hồn này không dễ chữa lành và có thể theo trẻ suốt cuộc đời.
Việc quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với con mình để nhận biết nhanh nhất những bất thường từ lâm lý cho đến thân thể của trẻ là điều các bậc phụ huynh cần lưu tâm. Dạy trẻ những kĩ năng lên tiếng khi có ai đó đánh con, đụng trạm thân thể, hay xúc phạm bằng lời nói cũng là điều không nên bỏ qua, Thương xuyên răn dạy, nhắc nhở con về những điều này, hình thành phản xạ khi có dấu hiệu bạo hành sẽ giúp chúng ta phát hiện và xử lý kịp thời, hạn chế những vết sẹo tinh thần từ bạo hành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!