Một trong những công trình năm 50 năm nổi bật chính là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Năm 2025, đánh dấu 50 năm TP Hồ Chí Minh đồng hành cùng đất nước trên hành trình thống nhất và phát triển. Nửa thế kỷ qua, thành phố từng bước định hình bản sắc kiến trúc riêng biệt, nơi di sản quá khứ hòa quyện cùng nhịp thở hiện đại. Từ những công trình lịch sử đến các biểu tượng đương đại, không gian đô thị TP Hồ Chí Minh đã được kiến tạo thành một thành phố vừa mang chiều sâu truyền thống, vừa hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Thành phố đang vươn mình
Nửa thế kỷ trước, TP Hồ Chí Minh chỉ là một khu vực với những tòa nhà thấp tầng, những khu vực dân cư chật chội và hạ tầng đô thị chưa phát triển. Tuy nhiên, qua mỗi giai đoạn lịch sử, từ những khó khăn đầu những năm 1980 đến sự chuyển mình mạnh mẽ của thời kỳ đổi mới sau 1986, TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc.
Hệ thống giao thông hiện đại với các đại lộ rộng lớn, hệ thống cầu vượt và Metro số 1 đã đi vào vận hành đã thay đổi diện mạo đô thị thành phố.
Tại hội thảo "Kiến trúc Việt Nam - 50 năm đất nước thống nhất", do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam phối hợp với Hội KTS TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự ra đời của những công trình tiêu biểu như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, đại lộ Võ Văn Kiệt, hay những cây cầu hiện đại bắc qua sông Sài Gòn. Mỗi công trình không chỉ thay đổi diện mạo thành phố mà còn làm thay đổi đời sống người dân. Những tòa nhà cao tầng, những khu đô thị xanh, hiện đại đã tạo ra một không gian sống mới, tiện nghi và bền vững.
Một trong những công trình nổi bật chính là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Từ khi ra đời vào những năm 1990, Phú Mỹ Hưng không chỉ là biểu tượng của sự phát triển kiến trúc mà còn là minh chứng cho sự hội nhập giữa yếu tố hiện đại và bản sắc văn hóa địa phương. Khu đô thị này không chỉ gây ấn tượng bởi các tòa nhà cao tầng hiện đại mà còn bởi thiết kế xanh, thân thiện với môi trường. Đây là mô hình đô thị lý tưởng mà TP Hồ Chí Minh hướng tới: một thành phố phát triển bền vững, thân thiện với con người.
Bên cạnh Phú Mỹ Hưng, Trung tâm đô thị Thủ Thiêm cũng là một trong những công trình mang tính chất biểu tượng của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện đại. Nằm bên bờ sông Sài Gòn, Thủ Thiêm được quy hoạch để trở thành một trung tâm tài chính, thương mại và văn hóa của TP Hồ Chí Minh trong tương lai. Hệ thống giao thông hiện đại với các đại lộ rộng lớn, hệ thống cầu vượt và Metro số 1 đã đi vào vận hành, đưa Thủ Thiêm trở thành một điểm sáng của đô thị hóa TP Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị gì cho kỷ nguyên mới
TP Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với vấn đề tăng trưởng dân số nhanh chóng, cùng với sự bùng nổ của các khu công nghiệp và các khu vực dân cư mới. Việc quản lý sự phát triển này là một thử thách không nhỏ đối với các nhà quy hoạch, khi mà nhu cầu nhà ở, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng đều cần được đáp ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong những năm tới TP Hồ Chí Minh cần khuyến khích phát triển đô thị mang tính chiến lược, kết nối giữa các ngành nghề và đặc biệt là đặt con người – cộng đồng vào vị trí trung tâm. Ông dự báo rằng trong vòng 50 năm tới, kiến trúc Việt Nam sẽ phát triển theo hướng số hóa, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng cường hợp tác đa ngành trong thiết kế và đào tạo. Tầm quan trọng của tư duy quy hoạch bền vững, trong đó lợi ích cộng đồng và nhà đầu tư được gắn kết chặt chẽ. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương là yếu tố then chốt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Kiến trúc không chỉ cần đẹp mắt, mà phải mang tính nhân văn, thân thiện với môi trường và mang đậm chiều sâu văn hóa – xã hội.
Kiến trúc xanh sẽ là xu hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh trong tương lai.
Các chuyên gia cũng dự báo, trong tương lai sự phát triển của kiến trúc TP Hồ Chí Minh là xu hướng kiến trúc xanh. Theo KTS Nguyễn Song Hoàn Nguyên, giảng viên tại Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, kiến trúc xanh đang trở thành định hướng chính trong thiết kế công trình dân dụng và công cộng. TP Hồ Chí Minh hiện đang dẫn đầu cả nước với hơn 100 công trình xanh, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Một ví dụ tiêu biểu về kiến trúc xanh là Công viên Phú Lâm, nơi kết hợp giữa không gian xanh và các công trình công cộng hiện đại. Không chỉ là nơi thư giãn, công viên này còn là minh chứng cho một thành phố bền vững và thân thiện với thiên nhiên. Các khu vực như Thảo Cầm Viên và các công viên dọc các khu vực trung tâm cũng đang được cải tạo, không chỉ giúp làm đẹp thành phố mà còn là nơi duy trì môi trường sống trong lành cho người dân.
Nhìn lại 50 năm qua, có thể thấy rằng TP Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều thử thách và khó khăn để xây dựng nên diện mạo đô thị hiện đại, năng động như hôm nay. Tuy nhiên, với tư duy quy hoạch bền vững và khả năng thích ứng với thay đổi, thành phố đang trên đường trở thành một "siêu đô thị", nơi kết nối văn hóa, kinh tế và công nghệ với cộng đồng.
Những thách thức về giao thông, môi trường và phát triển đồng bộ vẫn sẽ còn, nhưng với những chiến lược dài hạn và tầm nhìn xa, TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành một trung tâm đô thị bền vững, hiện đại và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Các công trình kiến trúc quan trọng của TP Hồ Chí Minh sau 50 năm
Thành phố Phú Mỹ Hưng, với diện tích lên đến 2.600 ha, đã trở thành một điểm sáng trong phát triển đô thị, kết nối chặt chẽ với các tuyến giao thông huyết mạch như đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, rộng 120m (1996 - 2007), đại lộ Võ Văn Kiệt và hầm Thủ Thiêm (1997 - 2009), cùng Xa lộ Hà Nội (2018) và cầu Sài Gòn 2 (2013). Các tuyến đường như đường Nguyễn Hữu Cảnh (2002) và đô thị Thủ Thiêm (từ 2012 đến nay) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực trung tâm hiện hữu với các khu vực mở rộng qua cầu và hầm qua sông Sài Gòn.
Giai đoạn từ 2020 đến 2025 là thời kỳ mà TP Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu trở thành một thành phố toàn cầu, bền vững và có khả năng thích ứng cao. Những công trình án tiêu biểu như Metro số 1; hàng loạt dự án chiến lược được khởi công, bao gồm dự án Vành đai 3, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, và dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Bên cạnh đó, TP còn triển khai các dự án trọng điểm khác như cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, sân bay Tân Sơn Nhất, Nhà ga T3, và cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!