13.000 ha rừng ở Kon Tum không thể giao khoán cho cộng đồng bảo vệ

Duy Hòa - Huy Hoàng-Thứ tư, ngày 02/04/2025 07:09 GMT+7

bangdatally.xyz - Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum cho biết không thể tiếp tục thực hiện giao khoán rừng cho các cộng đồng quản lý, bảo vệ.

Do vướng quy định tại Thông tư 22, ngày 11/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên sau 4 năm giao khoán 13.000 ha rừng đặc dụng cho 16 cộng đồng bảo vệ, bước sang năm 2025, Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum không thể tiếp tục thực hiện giao khoán rừng cho các cộng đồng quản lý, bảo vệ. Điều này gây rất nhiều khó khăn đến công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương.

Những năm trước đây, 30 hộ làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được giao nhận khoán quản lý, bảo vệ 875 ha rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Để giữ rừng, hàng ngày các hộ dân trong làng chia ra làm 7 tổ, mỗi ngày 1 tổ thay nhau đi tuần tra, quản lý bảo vệ rừng cùng với các cán bộ vườn quốc gia Chư Mom Ray, tuy nhiên, từ tháng 1/2025 đến nay các hộ dân trong làng không còn tham gia tuần tra bảo vệ rừng nữa.

13.000 ha rừng ở Kon Tum không thể giao khoán cho cộng đồng bảo vệ - Ảnh 1.

Ông A Hrer (áo đỏ ở giữa), làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy chia sẻ về mong muốn được tiếp tục việc nhận giao khoán bảo vệ rừng.

Ông A Hrer, làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy chia sẻ: "Những năm trước khi được giao khoán thì hàng tuần tôi đều tham gia cùng với tổ cộng đồng thôn và lực lượng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray đi tuần tra bảo vệ rừng, một năm thì được hơn 11 triệu. Từ tháng 1/2025 đến nay chúng tôi không còn được nhận khoán nữa, tôi không còn tham gia đi tuần tra, bảo vệ. Bởi chúng tôi đi tuần tra, bảo vệ rừng rất vất vả và nguy hiểm nhưng không có chế độ hỗ trợ thì thiệt cho chúng tôi".

Theo tìm hiểu, những năm trước đây, 13.000 ha rừng đặc dụng được giao khoán cho 16 cộng đồng quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, từ năm 2025 thì diện tích rừng này không được giao khoán cho các cộng đồng do vướng quy định tại Khoản 2, Điều 19, Thông tư số 22, ngày 11/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hướng dẫn chi tiết về thực hiện các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia thì đối tượng rừng giao khoán là: Diện tích rừng được Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ; rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên được Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho Tổ chức kinh tế quản lý.

13.000 ha rừng ở Kon Tum không thể giao khoán cho cộng đồng bảo vệ - Ảnh 2.

Lực lượng bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray đi tuần tra.

Ông Đào Xuân Thuỷ, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết: "Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3, thuộc Chương trình MTQG 1719, 4 năm qua, đơn vị đã giao khoán bảo vệ rừng cho 16 cộng đồng với diện tích 13.000 ha rừng đặc dụng. Tuy nhiên, từ năm 2025 đơn vị không thể tiếp tục giao khoán diện tích rừng này do vướng quy định tại Khoản 2, Điều 19, Thông tư 22, ngày 11/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Vì theo Thông tư số 22 thì rừng đặc dụng lại bị điều chỉnh không phải là đối tượng rừng giao khoán theo Chương trình MTQG 1719. Với 13.000 ha rừng được giao khoán, với đơn giá 400 nghìn đồng/ha/năm thì kinh phí 5,2 tỷ đồng trong 1 năm. Tuy nhiên, do vướng Thông tư số 22 nên việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng không thể tiếp tục thực hiện trong năm 2025".

13.000 ha rừng ở Kon Tum không thể giao khoán cho cộng đồng bảo vệ - Ảnh 3.

Lực lượng bảo vệ rừng tổ chức dọn thực bì phòng chống cháy đối với diện tích rừng mới trồng.

13.000 ha rừng không được giao khoán cho cộng đồng quản lý bảo vệ, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác giữ rừng rất mỏng nên Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, Kon Tum đang vào mùa khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Anh Nguyễn Đức Duy – Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Krei, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray chia sẻ: "Hiện nay Trạm đang quản lý 3.000 ha rừng, trước kia có cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ thì anh em đỡ vất vả. Hiện nay không còn cộng đồng tham gia quản lý thì anh em chúng tôi gặp nhiều khó khăn, diện tích lớn như vậy nhưng quân số chỉ có 4 người, mới đây đã tăng cường thêm 5 người. Hiện nay, Kon Tum đang là mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rất cao, anh em phải trực 24/24, nếu xảy ra cháy thì với lực lượng như hiện nay thì không thể xử lý kịp thời".

Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích hơn 56.000 ha. Với hệ thực vật khá phong phú, đa dạng về số loài, trạng thái và được đánh giá là một trong những Vườn Quốc gia lớn nhất của Việt Nam. Việc 13.000 ha rừng không được tiếp tục giao khoán quản lý bảo vệ do vướng Thông tư số 22 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray gặp nhiều khó khăn bởi không còn sự chung tay của cộng đồng sống gần rừng. Hy vọng những khó khăn, vướng mắc này sẽ sớm được các cấp, ngành tháo gỡ để giảm áp lực đối với các cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như những hộ dân sống gần rừng được hưởng lợi ích từ rừng mang lại và có trách nhiệm với rừng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước