Đài phát thanh Úc âm thầm dùng AI làm người dẫn chương trình suốt 6 tháng, bị thính giả phát hiện
Một đài phát thanh tại Úc đang bị thính giả lên án vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) làm người dẫn chương trình suốt 6 tháng qua. Tuy không có đạo luật nào cấm hoạt động sử dụng AI vào mục đích sáng tạo, nhưng việc đài CADA không thành thật với người nghe đã khiến cộng đồng bất bình.
Cụ thể, đài CADA thuộc Australian Radio Network, phát sóng tại Sydney và trên ứng dụng iHeartRadio, đã tạo ra một người dẫn chương trình có tên Thy bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo do công ty ElevenLabs phát triển. Doanh nghiệp Mỹ này nổi tiếng với công nghệ nhân bản giọng nói, và đã phát triển nhiều ứng dụng liên quan tới chỉnh sửa và tạo sinh giọng nói bằng AI.
Chương trình Workdays with Thy phát nhạc khoảng 4 tiếng/ngày, từ thứ Hai tới thứ Sáu. Tuy vậy, trên cả trang chủ của đài và các chương trình quảng bá liên quan tới Workdays with Thy đều không nhắc tới việc sử dụng AI để tạo ra nhân vật Thy.
"Người" dẫn chương trình tên Thy - Hình: CADA.
Nhân dạng thực sự của Thy chỉ bị nghi vấn khi nhà văn Stephanie Coombes sống tại Sydney lên tiếng thắc mắc. Trong bài blog của mình, cô đặt câu hỏi: “Họ của Thy là gì? Cô ấy là ai? Cô ấy đến từ đâu? Không có tiểu sử hay thông tin nào khác về người phụ nữ được cho là đang dẫn chương trình này”.
Phân tích các đoạn ghi âm giọng nói cho thấy người dẫn chương trình phát âm từ “old school” giống hệt nhau trong các chương trình khác nhau. Sau này, Fayed Tohme, trưởng dự án của ARN, mới thừa nhận việc sử dụng AI để tạo ra giọng nói của Thy
Trong một bài đăng trên LinkedIn (hiện đã bị xóa), Tohme khẳng định Thy “nghe như thật” và có những người hâm mộ thực sự, mặc dù cô không phải là một người thật.
“Không micro, không phòng thu, chỉ có mã lập trình và cảm hứng”, Fayed Tohme viết trong bài đăng. “Một cuộc thử nghiệm của ARN và ElevenLabs nhằm thúc đẩy giới hạn của khái niệm ‘phát thanh trực tiếp’”.
“Họ lẽ ra nên minh bạch và trung thực tuyệt đối, công bố rằng người dẫn chương trình radio là một AI”, Teresa Lim, phó chủ tịch Hiệp hội Diễn viên Lồng tiếng Úc, nói với Mediaweek. “Mọi người đã bị đánh lừa khi nghĩ đó là một người thật vì không có bất kỳ dấu hiệu nào cho biết đây là AI”.
Hình ảnh quảng bá chương trình Workdays with Thy trên trang web của CADA - Ảnh chụp màn hình.
Hai chữ “minh bạch” đã khiến các thính giả Úc bất bình. Trong bối cảnh AI xuất hiện khắp chốn, thậm chí đã và đang biết đánh lừa con người, tấm lòng thành thật giữa người với người được đề cao hơn bao giờ hết.
Trong làn sóng cải tổ công nghệ toàn cầu, AI đang len lỏi vào nhiều ngành nghề, hoặc dưới dạng tạo sinh nội dung số, hoặc điều khiển robot lao động thay con người. Trên thế giới, nhiều đài phát thanh và truyền hình đã và đang đẩy mạnh ứng dụng AI nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - phát biểu tại lễ phát động phong trào "Ứng dụng AI trong hoạt động truyền hình".
Theo Báo Điện tử Công luận đưa tin, một số phóng viên của Đài PT&TH Bắc Giang đã sử dụng ứng dụng ChatGPT trong việc lấy ý tưởng cho những đề tài mà mình quan tâm.
Nhà báo Nguyễn Hữu Tuấn, biên tập viên Đài PT&TH Bắc Giang cho biết: "Ứng dụng công nghệ AI để chuyển đổi âm thanh thành văn bản giúp biên tập viên dễ dàng chỉnh sửa nội dung. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ dịch thuật giúp tiết kiệm thời gian cho các biên tập viên trong việc xử lý nội dung".
Cũng theo Báo Điện tử Công luận, nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trưởng bộ phận nội dung số, Trung tâm Tin tức, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, cho biết bộ phận Nội dung số của HTV đã AI hóa thành công. Trong bước chuyển mình mới của thời đại kỹ thuật số, AI đang trở thành công cụ tiết kiệm thời gian bậc nhất, bất kể ngành truyền thông nói riêng hay mọi ngành công nghiệp nói chung
“Với phóng sự, phần kịch bản bình thường mất 1 ngày nhưng với sự hỗ trợ của AI thì chỉ mất 2 tiếng”, anh Thịnh khẳng định. Nhưng phóng viên cũng đồng thời nhận định: “Riêng phần quay phim là AI không thay thế được con người”.
Anh tiếp lời: “AI dù có tuyệt vời đến đâu thì cũng chỉ có thể đưa một kịch bản tuyệt vời, nhưng để thành tác phẩm thì luôn cần phóng viên đi quay, người dẫn chương trình đi phỏng vấn. Không có ‘Made by AI’ trong truyền hình”.
Điều này cho thấy, yếu tố con người vẫn đóng vai trò trung tâm trong quá trình sáng tạo nội dung. Mỗi cá nhân và tổ chức báo chí cần chủ động vận động, học hỏi và cập nhật liên tục những tiến bộ mới nhất của AI, để rèn luyện kỹ năng khai thác công nghệ này một cách thông minh và sáng tạo nhất.
Chỉ khi biết cách điều khiển và cộng tác với AI như một trợ lý ảo đắc lực, con người mới thực sự làm chủ được quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!