Từ lâu, trong quan niệm của nhiều người, sừng tê giác được coi như một “thần dược” - có khả năng giải độc, chữa bách bệnh. Xuất phát từ niềm tin hoang đường đó, loài vật quý hiếm này đang đối mặt với mối đe dọa bị săn bắn, buôn bán, tiêu thụ trái phép,đứng trước nguy cơ bị diệt vong.
Chỉ cần một thời gian ngắn tìm kiếm, có thể kết nối được các đối tượng rao bán sừng tê giác trên các trang mạng xã hội. Hành vi buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác và các loại dược liệu được cho liên quan đến sừng tê giác vẫn diễn ra phức tạp trên thị trường.
Từ năm 2017 đến năm 2021, Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm giáo dục thiên nhiên - ENV đã ghi nhận 342 vụ vi phạm (với tổng số 394 hành vi vi phạm cụ thể) liên quan đến hoạt động quảng cáo, rao bán, tàng trữ, và vận chuyển trái phép sừng tê giác tại Việt Nam.
Tại hội thảo “Y học cổ truyền và bảo tồn động vật hoang dã - Hướng đi từ dược liệu thay thế “ diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, tại thành phố Huế,các đại biểu xác định nhiều loại dịch bệnh xuất hiện thời gian gần đây có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Đằng sau mỗi chiếc sừng tê giác là một câu chuyện buồn về sự hủy diệt đối với loài thú quý hiếm này. Một khi ý thức sử dụng của người tiêu dùng vẫn chưa được thức tỉnh thì mạng sống của loài tê giác tiếp tục bị đoe dọa ở nhiều quốc gia trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!