Để thích nghi, cần sự đổi mới trong tư duy và hành động của cả đơn vị đào tạo, doanh nghiệp tuyển dụng và chính bản thân sinh viên trong việc trang bị cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng công nghệ. Yếu tố này đang dần trở thành tiêu chí để phân hóa, chọn lọc nhân sự trong thị trường việc làm.
Một buổi workshop về công nghệ AI của sinh viên khoa Marketing ĐH Đông Á Đà Nẵng, nơi các bạn trẻ thực hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chuyên ngành của mình. Nền kinh tế số tác động lên thị trường lao động, khiến việc đưa AI vào chương trình đào tạo trở nên cấp thiết với nhà trường. Còn với sinh viên, nắm công nghệ trong tay, không chỉ hỗ trợ học tập mà còn mở ra nhiều cơ hội để "đi trước một bước".
Thương mại điện tử và kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo đó là nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có khả năng sử dụng công nghệ trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, khoảng cách giữa yêu cầu của doanh nghiệp và năng lực sinh viên vẫn còn khá lớn. Thực tế cho thấy, sự thiếu chủ động, chưa nhạy bén với công nghệ hoặc thiếu tính chọn lọc trong việc lựa chọn đúng loại hình công nghệ để tiếp cận, đang khiến không ít sinh viên gặp khó khăn trong quá trình tìm việc.
Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục thay đổi, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn. Những hoạt động như Ngày hội Việc làm, Ngày hội Thương mại điện tử chính là cầu nối giúp hai bên hiểu và đáp ứng nhu cầu nhau, góp phần tạo nên thế hệ nhân lực vững vàng chuyên môn và thành thạo về AI, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!