Ngày 28-2-2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Kết luận 127 yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã.
Không chỉ có lộ trình cụ thể mà còn chỉ đạo rõ mục tiêu, yêu cầu với các nội dung, tiến độ thực hiện, trong lần sắp xếp này, Bộ chính trị, Ban bí thư yêu cầu việc sáp nhập các đơn vị hành chính tiến hành đồng thời cả cấp tỉnh và cấp xã, giảm cấp chính quyền địa phương xuống còn 2 cấp - không tổ chức cấp huyện. Theo đó, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sẽ không chỉ căn cứ vào các tiêu chí quy mô dân số, diện tích, mà còn phải chú trọng đến quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển gắn với 6 vùng kinh tế - xã hội. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, thậm chí xung đột lợi ích lẫn nhau giữa các tỉnh, thành có điều kiện tự nhiên, kinh tế tương đồng nhau, ví dụ như tại Miền Trung, do có sở hữu bờ biển nên tỉnh, thành nào cũng đầu tư du lịch, cảng nước sâu.
Trên tinh thần sáp nhập để mở rộng không gian, dư địa và hướng tới việc nâng đỡ nhau cùng phát triển, những địa phương liền kề nhau, có văn hóa, phong tục tập quán tương đồng, thay vì cạnh tranh thì sẽ liên kết để phát huy lợi thế.
Tại buổi làm việc với ban thường vụ 2 địa phương TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam mới đây vào ngày 29-3 vừa qua, Tổng bí thư Tô Lâm cho rằng, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có vị trí liền kề nhau, có cùng bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, TP Đà Nẵng có nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số khá tốt, trong khi đó có Quảng Nam có nguồn tài nguyên đất đai, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, là điều kiện thuận lợi để hai địa phương cùng nhau xây dựng quê hương mới bản sắc, có năng lực cạnh tranh cao, phát triển bứt phá trở thành đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Trung bộ - Duyên hải Miền Trung.
Như vậy, việc sáp nhập không chỉ mở rộng không gian phát triển trên các phương diện mà còn trao quyền tự quyết mạnh mẽ cho các địa phương giúp chính quyền địa phương "tự quyết định, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm" trong triển khai các nhiệm vụ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của mình khi bộ máy đã được tinh gọn, đảm bảo sự điều hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!