Đầu tháng 4 vừa qua, Mỹ đã công bố áp mức thuế đối ứng 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam - nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và là quốc gia cung cấp hàng đầu cà phê Robusta cho Mỹ. Điều này có thể gây bất lợi cho vấn đề tiêu thụ cà phê Việt Nam sang thị trường Mỹ, mặc dù mức thuế mới chưa được áp dụng, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam và cả phía đối tác đều đang rất thận trọng trong hợp tác xuất nhập khẩu mặt hàng này.
Hiện tại Mỹ đang tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, kể từ 10/4/2025, tuy nhiên, chính sách thuế mới của Mỹ được xem là diễn biến bất ngờ đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhà phân tích, nghiên cứu, nhất là khi mức thuế đánh vào sản phẩm cà phê Việt Nam cao hơn các nước khác, gây bất lợi trong vấn đề tiêu thụ cà phê Việt sang Mỹ.
Thêm vào đó, theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá cà phê đang ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử cà phê thế giới. Điều này đòi hỏi các nhà xuất khẩu phải có nguồn vốn gấp nhiều lần so với các năm trước cho đầu tư sản xuất, chế biến. Do vậy, phần lớn doanh nghiệp đang thận trọng, không dám tăng lượng tồn kho để tránh rủi ro và chờ đợi những thông tin an toàn.
Hiện tại chưa có thông tin cà phê nhân xanh và cà phê rang phải chịu thuế, mà chủ yếu những sản phẩm chế biến sâu mới phải chịu thuế. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt bớt lo lắng, bởi hiện tại đa số cà phê xuất khẩu là sản phẩm thô. Nhưng với xu hướng chung của phát triển là phải tăng cường đầu tư chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm thì cách tốt nhất là phải làm sao vừa làm chủ được chất lượng vừa làm chủ được thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào. Nhất là trong bối cảnh, người tiêu dùng thế giới đang có xu hướng sẵn sàng trả giá cao hơn để đổi lấy sản phẩm chất lượng tốt và an toàn hơn.
Không ít doanh nghiệp tại khu vực Tây Nguyên đang liên kết với nông dân để sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản hay cà phê bền vững: Từ giống, độ cao, cách chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến đều nghiêm ngặt, chặt chẽ. Mặc dù chi phí đầu tư có cao hơn sản xuất cà phê truyền thống nhưng giá trị và giá bán sẽ cao hơn. Và khi làm chủ được chất lượng sẽ làm chủ được thị trường.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn cà phê, mặc dù số lượng giảm 30% do biến đổi khí hậu, nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng gần 1,3 tỷ USD so với năm 2023. Và nước ta đang kì vọng có thể đạt 6 tỷ USD vào cuối năm nay nếu làm chủ được chất lượng sản phẩm và đáp ứng được những yêu cầu, quy định khác nhau từ thị trường thế giới.
Cho tới nay, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó EU hay các nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiêu thụ mạnh cà phê Robusta Việt Nam. Hơn nữa, trong bối cảnh giá cà phê tăng cao, nhiều nhà rang xay trước tác động của chi phí nguyên liệu đã tăng tỷ lệ sử dụng Robusta để thay thế Arabica, các sản phẩm cà phê Robusta trở nên ngày càng phổ biến. Điều này đồng nghĩa, ngay cả khi thị phần Mỹ có giảm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận tốt từ những thị trường khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!