Quảng Nam hiện có hơn nửa triệu héc ta rừng tự nhiên, phần lớn rừng đã giao cho 11 ban quản lý rừng quản lý. Theo UBND tỉnh, đến cuối năm 2024, tỉnh này đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý gần 500 ngàn héc ta, trong đó rừng phòng hộ hơn 220 ngàn héc ta, rừng đặc dụng gần 138 ngàn và rừng sản xuất hơn 139 ngàn héc ta. Diện tích rừng giao cho cộng đồng dân cư thôn và hộ gia đình, cá nhân là 114 ngàn héc ta; phân theo xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được phân định với gần 8.775 chủ rừng. Trung bình mỗi năm, Quảng Nam thu được gần 200 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này, tỉnh Quảng Nam tái đầu tư công tác bảo vệ rừng, chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Trong năm 2024, tỉnh Quảng Nam đã chi cho các chủ rừng nhận giao khoán bảo vệ rừng hơn 130 tỷ đồng.
Tại các vùng núi cao như Nam Giang, Nam Trà My, bà con đồng bào nhận khoán bảo vệ rừng rất có trách nhiệm. Bởi bà con giữ rừng có thêm thu nhập, giữ rừng là giữ nguồn nước, giữ hệ sinh thái để trồng dược liệu. Tuy nhiên, với cộng đồng các huyện miền núi thấp như Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức hay Quế Sơn, phần lớn diện tích rừng thuộc xã quản lý, giao cho cộng đồng bảo vệ liên tục bị xâm hại. Đã đến lúc cần đánh giá nghiêm túc mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng để có những giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn nạn phá rừng như thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!