Trong năm 2024, toàn quốc ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 5.000 người mắc và 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 10 vụ, số ca mắc tăng gần 3.000 người. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, hàng loạt vụ ngộ thực phẩm đã xảy ra trên toàn quốc khiến hàng trăm người phải nhập viện.
Tại Nghệ An, sáng 8/4, nhóm học sinh trường Tiểu học thị trấn Đô Lương mua cơm nắm tại quán cạnh cổng sau của trường. Hơn một giờ đồng hồ sau, các em bắt đầu có triệu chứng đau bụng. Nhà trường lập tức thông báo cho phụ huynh và đưa các em đến Trạm Y tế thị trấn Đô Lương kiểm tra. Y bác sĩ tại đây nghi 12 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, song ở mức độ nhẹ. Sau khi truyền dịch và theo dõi trong nhiều tiếng, tối cùng ngày, sức khỏe của 12 học sinh đã hồi phục, được bố mẹ đưa về nhà chăm sóc.
Trong năm 2024, trên địa bàn Nghệ An có 3 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 161 người nhập viện. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, Nghệ An có 1 vụ ngộ độc khiến 12 người nhập viện.
Còn tại Hà Tĩnh, từ đầu năm 2025 lại nay, toàn tỉnh đã thành lập 252 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm, qua đó kiểm tra 3.324 cơ sở, phát hiện và xử phạt hành chính 86 cơ sở với số tiền gần 112 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn Lạc Tiến, xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) với 4 người mắc, không có trường hợp tử vong,
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ học sinh bị ngộ độc sau khi ăn thực phẩm mua trước cổng trường. Tháng 4/2024, 28 học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa bị nôn ói, đau bụng sau khi ăn cơm cuộn, cơm nắm trước trường. Cùng thời gian này, 28 nữ học sinh THCS ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng phải nhập viện sau khi ăn kẹo mua trước cổng trường.
Các loại thực phẩm chiên rán, chế biến tại chỗ hay đồ khô đóng gói sẵn có giá thành chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng. Giá rẻ là một trong những lý do đồ ăn vặt cổng trường có sức hút học sinh dù không ai đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vụ việc 12 em học sinh ở huyện Đô Lương bị ngộ độc thực phẩm khi ăn cơm nắm mua trước cồng trường vừa qua là hồi chuông báo động về mất an toàn vệ sinh thực phẩm trường học hiện nay.
Việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc và bảo quản không đúng cách tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy. Về lâu dài, các thức ăn không đảm bảo vệ sinh còn có thể gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm như tim mạch, gan, thận.
An toàn thực phẩm trong trường học là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, nhà trường và địa phương. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, siết chặt quản lý nguồn cung cấp thực phẩm, loại bỏ ngay những điểm bán hàng không đảm bảo vệ sinh quanh trường để nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Trước thực trạng đáng lo ngại về ngộ độc thực phẩm, việc tìm ra các giải pháp hiệu quả, đồng bộ là yêu cầu cấp thiết. Không chỉ dừng lại ở việc xử lý sau khi sự cố xảy ra, công tác phòng ngừa cần được đặt lên hàng đầu. Từ siết chặt khâu kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nâng cao ý thức của người sản xuất - kinh doanh, đến tăng cường tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng tất cả đều là những mắt xích quan trọng trong chuỗi hành động vì một môi trường thực phẩm an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!