Tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa ở TP Hồ Chí Minh - Hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Sáng tạo. (Ảnh: Lưu Phương)
Ngày 12/12, tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐH KHXH - NV) đã diễn ra tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa ở TP Hồ Chí Minh - Hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Sáng tạo với sự tham gia của nhiều diễn giả, đại biểu, các cơ quan thông tấn báo chí, nhà hoạt động văn hoá và sinh viên nhiều trường Đại học. Chương trình do Sở Văn hoá - Thông tin TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng trường ĐH KHXH - NV tổ chức.
Tại tọa đàm, các diễn giả, đại biểu là các chuyên gia về công nghiệp văn hóa, các nhà sản xuất chương trình, người thực hành công nghiệp văn hóa và nhà quản lý đến tham dự và chia sẻ các kinh nghiệm sáng tạo, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Nhiều vấn đề về xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa ở TP Hồ Chí Minh đã được đưa ra thảo luận. Các ý kiến đóng góp xuất phát từ thực tiễn trong quản lý cũng như lao động sáng tạo nghệ thuật như đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa tại TP Hồ Chí Minh, chính sách tăng cường, khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh, sở hữu trí tuệ trong công nghiệp sáng tạo, xây dựng thành phố điện ảnh...
Ngoài ra, nhiều diễn giả còn đưa ra những kiến nghị, giải pháp từ thực tế cũng như học tập ở kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc phát triển những loại hình nghệ thuật truyền thống để phù hợp dòng chảy lịch sử thì các ý tưởng gợi mở xây dựng thành phố sáng tạo từ các đất nước Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng được chia sẻ khá chi tiết và gợi mở nhiều ý tưởng mới cho các đại biểu tham dự.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Lưu Phương)
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng phát triển văn hóa không chỉ là giá trị kinh tế mà còn bảo tồn, phát huy và quảng bá bản sắc văn hóa đặc thù. Với sự phát triển từ năm 2000 về các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, thời trang... TP Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO để phát huy không gian văn hóa của thành phố nói chung và các không gian văn hóa cụ thể. Trong đó, cần đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên triển khai phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 trong bối cảnh hướng đến xây dựng TP Hồ Chí Minh là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực điện ảnh.
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Mặc dù gặp phải một số thách thức nhưng chính quyền thành phố đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ và định hướng rõ ràng trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Điều này hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển công nghiệp văn hóa trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!