Tin giả - Mồi lửa đẩy cộng đồng vào vòng xoáy nghi kỵ

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 25/02/2025 14:50 GMT+7

bangdatally.xyz - Tin giả không đơn thuần là thông tin sai mà còn là mồi lửa đốt cháy niềm tin, gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức, làm bất ổn chính trị xã hội, phá hoại giá trị đạo đức.

Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những tin giả, sai sự thật lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Nhiều cá nhân, hội nhóm khi thấy những thông tin này đã chia sẻ lên mạng xã hội, không chỉ nhằm mục đích cảnh giác cho người khác mà còn nhằm câu like, tăng lượt xem. Việc chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng một cách tràn lan gây hoang mang trong dư luận.

Vào đầu tháng 2, mạng xã hội lan truyền đoạn video người phụ nữ ôm đứa trẻ gào khóc, cầu cứu trong khuôn viên Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, với nội dung bị móc túi mất số tiền 9,5 triệu đồng để kêu gọi mọi người giúp đỡ. Cơ quan công an cho biết đây là thông tin không có thật. Người này sau đó thừa nhận không có chuyện mình bị dàn cảnh móc túi. Vào ngày 18/2, nhiều trang mạng xã hội có lượng lớn người theo dõi ở Cà Mau đã lan truyền thông tin hai cô gái ở huyện Cái Nước bị bắt cóc bán qua Campuchia. Chính quyền địa phương sau đó khẳng định đây là thông tin sai sự thật.

Một điều đáng lo ngại là những tin tức sai sự thật lại có tốc độ nào để chóng mặt. Như vụ việc hai cô gái nghi bị bắt cóc thì chỉ với một trang Facebook đưa tin đã thu hút hàng triệu lượt xem. Vì sao tin giả lại có sức lan truyền chóng mặt như vậy? Tác động tiêu cực của những tin tức sai sự thật này là gì?

Chia sẻ, tương tác, tìm kiếm từ khóa liên quan đến vụ việc… đó là thói quen của nhiều người trước một thông tin nóng, gây sự chú ý. Thuật toán của nền tảng sẽ nhận biết đây là một thông tin đáng quan tâm nên càng đẩy những tin tức liên quan lên đầu bản tin. Đó là cơ chế lan truyền của tin giả. Quan trọng hơn, tin giả, tin sai sự thật, tin xuyên tạc lại đánh vào sự tò mò, quan tâm của người dùng nên mức độ lan truyền chóng mặt. Thời gian qua, công nghệ AI bị khai thác để tạo ra hình ảnh, video và nội dung giả mạo tinh vi khiến người dân khó phân biệt thật, giả. Điều này khiến tin giả nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Vào tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã có báo cáo trước Quốc hội trả lời những chất vấn liên quan đến tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội. Bộ trưởng nhận định hậu quả của tin giả sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế xã hội, thậm chí là đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu, tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự. Một điều đáng chú ý là nhiều vụ việc xảy ra dù sau đó cơ quan chức năng đã đính chính nhưng vẫn không theo kịp tốc độ lan truyền của tin giả.

Hiện nay, các đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật theo quy định có thể bị xử lý hành chính, xử lý hình sự. Theo quy định, mức xử phạt hành chính từ 5- 10 triệu đồng. Thực tế, thời gian qua các cơ quan chức năng thường xử lý ở mức 7,5 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe. Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tin giả cần đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chế tài răn đe, cụ thể hóa quy định pháp luật và nâng cao ý thức cộng đồng. Điều quan trọng nhất, mỗi người dân hãy là lá chắn kiểm chứng trước khi chia sẻ thông tin, một hành động nhỏ nhưng có tác động lớn, góp phần bảo vệ môi trường thông tin lành mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước