Chương trình Gặp nhau cuối năm táo quân 2025 do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, sở hữu bản quyền vừa bị một đơn vị truyền thông khác tự ý đăng tải lên nền tảng số mà không xin phép, thậm chí đơn vị này còn đưa video trên vào danh mục do mình sở hữu bản quyền, dẫn đến việc kênh chính thức của VTV bị Facebook đánh bản quyền riêng. Trong năm 2024, Đài Truyền hình Việt Nam đã ngăn chặn và xử lý hơn 43.000 trường hợp vi phạm bản quyền, yêu cầu gỡ bỏ và hạn chế nhiều kênh vi phạm lớn, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài.
Những chương trình của VTV thu hút sự quan tâm của khán giả ngang nhiên bị cắt ghép đăng tải trái phép trên các tài khoản mạng xã hội, thậm chí nhiều kênh còn chỉnh sửa nội dung, chèn thêm hình ảnh nhằm câu kéo lượng lớn người xem, tăng lượt tương tác. Để trốn tránh việc phát hiện tự động của các nền tảng, các chủ tài khoản có thể thay đổi khung hình, chèn thêm nhạc, thêm chữ để tránh bị hệ thống phát hiện.
“Khi những nội dung vi phạm mà không có chế tài mạnh thì sẽ dẫn tới việc các đơn vị sản xuất không dám đầu tư cho nội dung của mình. Khi không có các nội dung được đầu tư nghiêm túc, công phu thì không thể xây dựng được một nền công nghiệp văn hóa trong đó đa phần là sáng tạo nội dung. Lớn hơn nữa, khi xuất khẩu các sản phẩm nội dung của mình thì chúng ta không thể cạnh tranh với nước ngoài”, ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN chia sẻ.
Tại Hội nghị Quốc tế thực thi bản quyền trên môi trường số diễn ra giữa năm 2025 ở Hà Nội, những số liệu vi phạm bản quyền được công bố khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ. Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba trong khu vực châu Á Thái Bình Dương về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với khoảng 15,5 triệu lượt người thường xuyên truy cập vào các trang web chứa nội dung lậu. Việc vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan mặc dù luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả quyền liên quan và các nghị định hướng dẫn luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, quy trình gỡ bỏ, cũng như dùng cách truy cập vào nội dung số mà bị cáo buộc xâm phạm.
Bên cạnh đó, biểu mẫu khiếu nại bản quyền của một số nền tảng số phổ biến hiện nay có nhiều bước, rất dài, rất khó điền. Mặc dù là một cách để bảo vệ quyền tác giả, nhưng chính quy trình phức tạp này lại khiến các nhà sáng tạo nội dung chưa chắc có đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng sự việc. Bên cạnh việc chủ động bảo vệ tài sản trên nền tảng số của mình, các nhà sáng tạo nội dung rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng và cả người dùng, mặc dù thách thức là không ít.
Bảo vệ quyền tác giả chính là bảo vệ giá trị công sức của việc sáng tạo tri thức. Quan trọng hơn nữa, việc bảo vệ quyền các sản phẩm trên môi trường số là bước đi quan trọng để xây dựng một xã hội mà mọi thành viên đều tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, không tiếp tay cho những hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm có tổ chức. Bên cạnh đó, cần phải có sự vào cuộc thật sự nghiêm túc và quyết liệt của các cơ quan chức năng, các nền tảng mạng xã hội và các nhà mạng để chặn đúng thực trạng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!