Năm 2025, nhân vật mang tính biểu tượng người sói sẽ trở lại màn ảnh rộng. Lấy cảm hứng từ phim The Wolf Man năm 1941, ekip phiên bản mới là Wolf Man (tên tiếng Việt Người sói) dùng kỹ thuật hóa trang truyền thống, không vẽ hình bằng kỹ xảo CGI như nhiều đoàn phim hiện nay ưa chuộng.
Công đoạn hóa trang và làm tóc trong được thực hiện một cách tỉ mỉ và phức tạp, với mục tiêu tái hiện quá trình biến đổi từ người thành sói theo cách chân thực nhất. Mỗi chi tiết trên gương mặt và cơ thể người sói đều thể hiện rõ nét sự mất dần nhân tính của nhân vật Blake. Từ đôi mắt được gắn kính sát tròng đặc biệt, bộ răng nanh sắc nhọn, cho đến làn da ngày càng tàn tạ và những vết thương không bao giờ lành, tất cả đều là dấu ấn của quá trình biến đổi đầy đau đớn và được thực hiện bằng kỹ thuật thực tế.
Sau khi cùng vợ và con gái dọn đến sống trong căn nhà thừa hưởng từ gia đình, Blake vô tình bị một sinh vật lạ tấn công. Anh dần dần biến đổi, trở thành một mối đe dọa khủng khiếp với những người yêu thương.
Quá trình hóa trang cho vẻ ngoài của nhân vật người sói được chia thành 7 giai đoạn. Hai giai đoạn đầu tập trung vào trang điểm cơ bản, tạo nền tảng cho sự biến đổi từ người sang thú. Năm giai đoạn tiếp theo lần lượt là quá trình biến đổi của từng bộ phận chủ chốt, thông qua việc gắn thêm bộ phận giả. Mỗi giai đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và chuyên môn cao từ đội ngũ do Arjen Tuiten and Pamela Goldammer dẫn dắt. Cả hai đều từng được đề cử Oscar cho hạng mục Hóa trang xuất sắc, từ đó giúp cho công đoạn này của Wolf Man thêm phần tỉ mỉ, thuyết phục.
Chia sẻ về quyết định dùng kỹ thuật hóa trang truyền thống, đạo diễn phim giải thích rằng những bộ phim kinh dị kinh điển trong quá khứ thành công một phần nhờ vào việc sử dụng các kỹ thuật hóa trang và đạo cụ thực tế, buộc đội ngũ sản xuất phải sáng tạo trong cách quay và dàn dựng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!