Gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là hai làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam vừa chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn cầu. Sự kiện hai làng nghề của Hà Nội được công nhận ở tầm quốc tế không chỉ mở ra cơ hội hợp tác với các trung tâm thủ công hàng đầu thế giới mà còn khẳng định chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của thủ đô, trong đó làng nghề là một trong 5 nội dung trụ cột.
Tại Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội, đại diện Hội đồng Thủ công thế giới đã chính thức trao chứng nhận thành viên cho làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc. Với danh hiệu này, Bát Tràng và Vạn Phúc sẽ có cơ hội tiếp cận những thị trường rộng lớn, nơi mà giá trị của sự thủ công tinh tế và truyền thống được trân trọng. Việc gia nhập Mạng lưới còn giúp các làng nghề học hỏi kết nối và hợp tác với những cộng đồng nghề thủ công xuất sắc trên toàn cầu.
Sự kiện này là nguồn cảm hứng để các làng nghề tiếp tục nỗ lực đổi mới và vươn xa. Trong năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu được Hội đồng Thủ công thế giới xem xét, công nhận ít nhất là thêm 2 làng nghề nữa và tổ chức thành công Hội nghị thường niên của Hội đồng Thủ công thế giới tại Hà Nội.
Hội đồng Thủ công thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập từ năm 1964, với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống. Sau 60 năm thành lập, Hội đồng Thủ công thế giới đã công nhận được 68 làng nghề thủ công thế giới của 27 quốc gia trên thế giới, trong đó hai làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc của thành phố Hà Nội là làng nghề thứ 67 và 68 được công nhận. Việt Nam là quốc gia thứ 28 có làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công thế giới. Hội đồng Thủ công thế giới hoạt động theo tôn chỉ trao quyền cho các nghệ nhân tôn vinh sự đa dạng văn hóa, góp phần phát triển bền vững và bảo tồn các nghề thủ công đang suy yếu thông qua nỗ lực hợp tác tác với các nghệ nhân và các bên liên quan trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh các đô thị trên thế giới đang tìm kiếm những bản sắc riêng để tạo dấu ấn, Hà Nội với hơn 1300 làng nghề, càng khẳng định được vai trò là trung tâm sáng tạo, nơi giao thoa giữa di sản và hiện đại. Các làng nghề là động lực để Hà Nội tiếp tục phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng một nền kinh tế dựa trên sáng tạo và bản sắc văn hóa. Danh hiệu quốc tế tạo cơ hội nhưng cũng đặt ra cho Hà Nội những thách thức để phát triển làng nghề thành một trụ cột của công nghiệp văn hóa thủ đô.
Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước ban hành Nghị quyết và xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp văn hóa, coi ngành thủ công mỹ nghệ là nghề truyền thống, là lĩnh vực công nghiệp sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các hiệp hội thì rất cần sự hỗ trợ, quản lý của các ngành, cơ quan chức năng.
“Điều quan trọng là sự vào cuộc của Chính phủ trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề. Cần có các chính sách để bảo tồn di sản này bền vững từ thế hệ này sang thế hệ khác, đưa các làng nghề thủ công mỹ nghệ vào hệ thống giáo dục, cần có những trung tâm thủ công để các nghệ nhân có thể thực hành và trưng bày sản phẩm, đây cũng là những địa điểm hấp dẫn du khách đến với các làng nghề”, ông Saad Al - Qaddumi - Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới chia sẻ.
Đầu 2025, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề giai đoạn 2205 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Từ nay đến 2030, Hà Nội phấn đấu phát triển ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 tuyến du lịch làng nghề trải nghiệm. Đến năm 2050, Hà Nội sẽ phát triển ít nhất 20 làng nghề gắn với du lịch. Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đã đặt ra 10 nhóm giải pháp. Những kế hoạch bài bản với các nhiệm vụ trọng tâm hy vọng sẽ là cú hích để làng nghề Hà Nội phát triển xứng tầm. Đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương khác tham khảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!