Những ngày qua, hàng loạt việc ồn ào liên quan đến người nổi tiếng livestream bán hàng đã thu hút sự quan tâm dư luận. Có hay không sai phạm trong các vụ việc này và mức độ sai phạm đến đâu thì còn phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Vấn đề được phân tích trong chương trình Góc nhìn văn hóa số mới nhất là phân tích cơ chế tâm lý tác động tới người mua khi tham gia các phiên livestream của người nổi tiếng, từ đó nhìn nhận những giải pháp hướng đến một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, văn hóa.
Kể từ khi các hình thức livestream bán hàng trực tuyến xuất hiện, người mua biết thêm khái niệm “chiến thần livestream”, bán đến đâu hết hàng đến đó. Trong livestream, yếu tố cảm xúc đóng vai trò quan trọng quyết định mua sắm. Khác với mua hàng truyền thống, nơi người mua cân nhắc kỹ về giá cả và chất lượng rồi mới trả tiền, khi xem livestream khán giả thường bị cuốn theo không khí sôi động, những câu chuyện thú vị và sự tương tác trực tiếp. Việc mua hàng trong trường hợp này không chỉ để sở hữu sản phẩm mà còn là cách để ủng hộ, bày tỏ tình cảm với thần tượng của mình. Thế nên, các nhãn hàng luôn săn đón những người nổi tiếng, các nghệ sĩ có lượng fan lớn cho các phiên livestream. Sức mạnh của họ chính là ở niềm tin của khách hàng. Họ thuyết phục khách hàng mua hàng bằng uy tín của mình. Hiệu ứng đám đông và niềm tin cộng đồng góp phần lớn và bởi xây trên nền móng là niềm tin nên khi niềm tin mất đi thì những ngôi sao chốt đơn cũng mất đi sức hút của mình.
Tình trạng người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng quảng cáo các sản phẩm không đúng với sự thật đã nhiều lần được nhắc đến. Đáng nói là nhiều vụ việc còn quảng cáo các loại thực phẩm chức năng, thậm chí là thực phẩm dành cho trẻ em không đúng nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Thương mại điện tử giờ đã là một phần không thể thiếu của đời sống kinh tế xã hội và khi đã là một phần không thể thiếu, nó cần phải được quản lý bằng luật pháp, bằng các quy định chặt chẽ, chứ không chỉ còn là câu chuyện được chi phối bởi cảm xúc hay niềm tin.
Hiện các quốc gia phát triển mạnh thương mại điện tử như Trung Quốc đều có những quy định chặt chẽ liên quan đến người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo và tiếp thị sản phẩm. Quốc gia này từng xử lý mạnh tay những người có sức ảnh hưởng khi họ vi phạm các quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy Việt Nam cần sớm có những chế tài mạnh để xử lý người nổi tiếng có hành vi gian lận hoặc bán hàng kém chất lượng.
Đầu năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Các ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là người có ảnh hưởng. Hiện theo quy định của pháp luật, hành vi quảng cáo sai sự thật bị xử phạt hành chính với mức phạt tối đa là 80 triệu đồng với cá nhân và 160 triệu đồng với tổ chức. Thế nhưng mức thù lao cho một người nổi tiếng khi tham gia bán hàng trên livestream có thể lên tới vài 100 triệu đồng.
Liên quan đến những người nổi tiếng đang dính lùm xùm về quảng cáo sai sự thật, họ đã lên tiếng xin lỗi. Một số người còn khóa tài khoản mạng xã hội hoặc là hạn chế bình luận. Cảm xúc thường dễ thay đổi, càng được cộng đồng mạng tung hô dựa trên cảm xúc thì người bán hàng càng dễ sụp đổ khi bị đám đông quay lưng. Chỉ có những cá nhân bán hàng nghiêm túc, có trách nhiệm, giữ uy tín, tuân thủ các quy định của pháp luật và hành xử văn minh thì mới nhận được sự ủng hộ lâu dài của công chúng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!