Những bộ phim này thường tái hiện những sự kiện lịch sử quan trọng, giúp người xem hiểu rõ hơn về quá khứ, các nhân vật lịch sử nổi tiếng, những tác động mà các sự kiện đó đã để lại cho xã hội và thế giới. Dẫu biết còn nhiều khó khăn nhưng vẫn còn rất nhiều ekip tâm huyết để tái hiện lịch sử, mang đến những câu chuyện nhân văn có giá trị vượt thời gian trên màn ảnh.
Khoảng trống lớn của điện ảnh Việt
Phim lịch sử, chiến tranh, cách mạng lâu nay vẫn được xem là kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, sản xuất vì nhiều lý do: thiếu kinh phí thực hiện các đại cảnh lớn, nội dung khô cứng, minh họa các sự kiện lịch sử, nguồn tư liệu tiếp cận không phong phú… Trong Hội thảo Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học năm 2024 đã thống kê, mỗi năm có khoảng 40 phim Việt sản xuất nhưng các tác phẩm đề tài lịch sử cách mạng gây tiếng vang như: Cánh đồng hoang, Sao tháng 8, Hà Nội mùa Đông năm 46, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong… khá hiếm hoi. Từ lâu nay, phim đề tài lịch sử cách mạng gần như vắng bóng ở rạp chiếu phim thương mại trong khi những trang sử hào hùng của đất nước, của dân tộc luôn cần được nhắc lại cho nhiều thế hệ khán giả trẻ.
"Cánh đồng hoang" ra mắt năm 1979 là phim kinh điển về đề tài lịch sử cách mạng.
Nhiều tác phẩm nhận được kinh phí đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước nhưng thất bại về doanh thu ngay khi ra rạp, hoặc bị nhiều nhà phát hành từ chối. Cách làm phim theo "lối mòn" là một trong những nguyên nhân khiến phim lịch sử cách mạng sản xuất chỉ để xếp kho. Một số phim được quảng bá nhiều nhưng chỉ gây tò mò nhờ hiệu ứng truyền thông nhất định mà không thực sự tốt như kỳ vọng như Đào, Phở và Piano khiến khán giả càng không mặn mà với dòng phim này. Phim lịch sử không phải để minh hoạ lịch sử vì vẫn cần phải tuân theo các nguyên tắc của điện ảnh thứ bảy. Từ một câu chuyện lịch sử, làm thế nào để đưa vào những yếu tố đời thường và cuốn hút cho người xem không bị nhàm chán rất cần sự chắc tay của ekip biên kịch.
NSND Trà Giang trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"
Bên cạnh đó, các phim lịch sử, cách mạng thất bại khi chiếu thương mại thời gian qua cũng đến từ nguyên nhân thiếu những gương mặt điện ảnh quen thuộc với công chúng. Kinh phí sản xuất phim thấp, nhiều cảnh cháy nổ có thể nguy hiểm tính mạng, thời gian đóng phim dài mà hiệu ứng truyền thông không cao nên các phim khó có thể thu hút được những diễn viên nổi tiếng ở lĩnh vực điện ảnh. Họ sẽ ưu tiên dành thời gian đóng phim đề tài xã hội khác, vừa nhẹ nhàng vừa có thu nhập tốt và dễ nổi tiếng.
Dự án đầu tư mạo hiểm
Từ đầu tháng 4 này, phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối chính thức ra rạp, cạnh tranh cùng với những bộ phim có đề tài khác tại rạp chiếu thương mại. Đây là phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng với nhiều bối cảnh lớn, tốn kém mà không sản xuất từ nguồn ngân sách của Nhà nước.
Với số tiền đầu tư được nhà sản xuất công bố là hơn 50 tỷ đồng, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là khúc tráng ca hào hùng và bi tráng về địa đạo Củ Chi anh hùng, địa bàn trọng điểm, căn cứ địa cách mạng kiên trung trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối hội tụ nhiều yếu tố của ekip sản xuất "thiện chiến" từng gây tiếng vang từ nhiều phim thương mại là HK Films, Galaxy Studio, dàn diễn viên ăn khách… Nếu bộ phim đạt được hiệu quả thành công về mặt doanh thu thì sẽ là tiền đề cho mô hình mới khi làm phim đề tài lịch sử cách mạng.
Tái hiện cảnh Hà Nội năm 1946 trong phim "Đào, phở và piano". (Ảnh: ĐPCC)
Các nhà đầu tư coi bộ phim là một dự án đầu tư mạo hiểm chứ không phải là sự tài trợ đơn thuần. Điều này sẽ đặt áp lực cho nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên… phải tập trung toàn bộ tâm huyết để tạo nên tác phẩm ý nghĩa nhưng vẫn phải thu hút giới trẻ. Ông Nguyễn Thành Nam, một trong những nhà đầu tư của phim cho biết, dù việc làm phim lịch sử cách mạng gặp nhiều khó khăn nhưng chiến tranh vệ quốc cần phải được giới trẻ ngày nay và mai sau hiểu thấu đáo để áp dụng những bài học lớn cho công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã gắn bó cùng với Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối trong nhiều năm để có thể tự tin thuyết phục các nhà đầu tư, nhà sản xuất. Đạo diễn đã gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử quan trọng để có được nguồn chất liệu dồi dào làm nên kịch bản phim ấn tượng. Trong đó, những yếu tố đời sống giản dị nhất đã được cài cắm hợp lý trong từng phân cảnh của bộ phim, vừa khắc họa chân thực đời sống người dân trong lòng địa đạo, vừa mang lại nhiều cảm xúc sống động cho người xem.
Khi có được câu chuyện hấp dẫn, những yếu tố kỹ thuật của điện ảnh thứ bảy như bối cảnh quay, công nghệ sản xuất… cũng chiếm vai trò quan trọng để tạo nên những thước phim sống động. Đoạn đường hầm dài 250 mét với nhiều đoạn ghép lại bằng nhiều chất liệu khác nhau để tạo hình ảnh đẹp mắt và phục vụ cơ động cho yêu cầu từng cảnh quay đã được thực hiện chi tiết. Điều này cũng thể hiện sự tâm huyết và khéo léo "liệu cơm gắp mắm" của ekip đạo cụ, bối cảnh, sản xuất.
NSƯT Cao Minh, Thái Hòa, Quang Tuấn… sẵn sàng từ chối các dự án nghệ thuật hấp dẫn khác để tập trung cho phim. Không chỉ có sức ảnh hưởng tốt với công chúng mà sự lăn xả cùng vai diễn của họ đã được ghi nhận qua nhiều tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra, phim còn có sự góp mặt của các diễn viên trẻ như: Hồ Thu Anh, Diễm Hằng, Nhật Ý, Khánh Ly… để thu hút nhiều khán giả trẻ hơn nhờ tiếng nói từ những người cùng thế hệ.
Cảnh nổ bom ở vùng đất thép thành đồng trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". (Ảnh: ĐPCC)
Nhờ sự hỗ trợ từ Nhà nước, Bộ Quốc phòng, chính quyền TP Hồ Chí Minh mà Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối huy động được nhiều vũ khí hạng nặng Mỹ đã dùng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thời đó như xe tăng M-48 Patton, xe bọc thép tấn công M113 ACAV, máy bay trực thăng UH-1 Iroquois, tàu chiến Giang Thuyền Swift Boat (PCF) Patrol Craft Fast, tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 cùng các loại vũ khí khí tài quân sự khác.
Phim trường tái hiện Thành cổ Quảng Trị thời kỳ năm 1972 (Ảnh: ĐPCC)
Từ câu chuyện của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, có thể thấy làm phim lịch sử chiến tranh thực sự là thử thách nhưng cũng có nhiều cơ hội mang lại những tác phẩm nghệ thuật có hấp dẫn và có ý nghĩa. Sắp tới, phim Mưa đỏ dự kiến ra mắt ngày 2/9 tới cũng hứa hẹn mang đến những câu chuyện xúc động của 81 ngày đêm lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên: NSND Trần Lực, Hứa Vĩ Văn… Trong phim, bối cảnh thành cổ được phục dựng mới hoàn toàn. Bộ phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện, huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội, cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ… phục vụ cho các cảnh quay chân thực nhất.
Hứa Vĩ Văn trong vai bác sĩ quân y của phim "Mưa đỏ". (Ảnh: ĐPCC)
Hòa bình luôn là khát vọng muôn đời của nhân loại, là nền tảng để con người, xã hội phát triển bền vững. Được sống những ngày tháng yên bình, chúng ta không thể và không được quên những năm tháng hào hùng của dân tộc. Điện ảnh là một công cụ hữu hiệu để nhắc nhớ khán giả về hành trình đấu tranh giành độc lập nhiều mất mát, đau thương nhưng lại vô cùng anh dũng, vẻ vang của dân tộc ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!