Hoạt động âm nhạc cổ điển chất lượng tầm quốc gia và quốc tế đã và đang được tổ chức tại Việt Nam tạo cơ hội để công chúng được thưởng thức những màn trình diễn đẳng cấp, đồng thời tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp của nhạc cổ điển hàn lâm. Âm nhạc cổ điển Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển đầy tiềm năng. Số lượng các buổi hòa nhạc giao hưởng thính phòng tăng lên đáng kể. Việc giới thiệu âm nhạc cổ điển Việt Nam ra thế giới được chú trọng. Những năm gần đây, đặc biệt năm 2024 là một năm đầy dấu ấn của âm nhạc cổ điển khi các buổi hòa nhạc của nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam liên tục diễn ra. Có thể nói, Việt Nam bắt đầu trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ cổ điển quốc tế.
Trong tháng 3/2025, tại khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm, những kiệt tác của chủ nghĩa cổ điển và lãng mạn đã được vang lên với cách thể hiện đầy sáng tạo và tâm huyết của những nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội. Tháng 11/2024 Dàn nhạc thính phòng Vienna cùng nhạc trưởng Harald Krumpöck và nghệ sĩ cello Péter Somodari đã dẫn dắt 800 khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm đi qua những cung bậc cảm xúc thăng hoa trong âm nhạc. Khán giả như bị thôi miên bởi những thanh âm nhẹ nhàng, tinh tế, những niềm vui hứng khởi mà âm nhạc mang lại. Dàn nhạc thính phòng Vienna được thành lập vào năm 1946 là một trong những dàn nhạc thính phòng hàng đầu và hay nhất thế giới…
Âm nhạc cổ điển ngày nay luôn có những cách tiếp cận gần gũi và thân thuộc. Những buổi hòa nhạc chật kín khán giả, trong đó có nhiều người trẻ đang là một tín hiệu tích cực cho thấy nhạc cổ điển gần gũi hơn với công chúng, nhất là công chúng trẻ. Đây cũng là động lực để các nghệ sĩ chọn đi theo con đường âm nhạc cổ điển, góp phần phát triển và lan tỏa bộ môn nghệ thuật này.
Có thể nói, những đêm diễn kín khán giả ở Nhà hát Hồ Gươm, Nhà hát Lớn hay là những buổi hòa nhạc nhỏ nhờ nỗ lực của các nghệ sĩ đã góp phần lan tỏa tình yêu âm nhạc cổ điển trong công chúng. Các chuyên gia, nghệ sĩ đều có chung một nhận định âm nhạc cổ điển đã có những khởi sắc, nhưng vẫn cần sự đầu tư hỗ trợ lớn hơn để các nghệ sĩ có thể phát triển và lan tỏa hơn nữa dòng nhạc này đến công chúng. Những nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ hay là một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đầu tư lớn vào nghệ thuật hàn lâm. Họ có một chiến lược dài hạn cho việc đào tạo nhân lực và khán giả cho nghệ thuật hàn lâm. Đây cũng là bài toán đặt ra cho âm nhạc cổ điển Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!