Bên trong các quần thể danh thắng, không chỉ có các nét văn hóa, thói quen, tập quán sinh kế lâu đời của người dân mà còn có những nếp nhà truyền thống, hay còn gọi là nhà cổ. Làm thế nào để hài hòa các mâu thuẫn giữa giữ gìn kiến trúc làng quê truyền thống, cảnh quan khu di sản với việc khai thác, phát triển du lịch là công việc không dễ dàng. Điển hình như câu chuyện tại làng cổ Đường Lâm, nơi được cấp là khu di tích cấp quốc gia từ năm 2005 nhưng người dân lại gặp nhiều khó khăn khi sing hoạt trong chính nếp nhà xưa của gia đình.
Với những công trình nhà cổ, nhà truyền thống, nếu không nhanh chóng có kế hoạch để bảo tồn đúng và trúng, kệ người dân tự loay hoay thì rất có thể, những kết cấu giá trị có thể bị thay đổi, sửa chữa trở nên kệch cỡm với chính không gian nhà cổ. Tuy nhiên, nếu hạn chế việc sửa chữa thì lại gây khó cho đời sống của người dân. Khi nhà xuống cấp, dân số tăng, người dân không còn muốn sống trong những ngôi nhà cổ thiếu tiện nghi sẽ dẫn đến việc phá dỡ tự phát. Yêu cầu đặt ra là phải sớm có bộ tiêu chí nhận diện và đánh giá tiềm năng khai thác của từng loại di sản nhà truyền thống để bảo tồn và phát triển bền vững. Nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế mới đây đã cùng thảo luận về các tiêu chí này trong Hội thảo khoa học quốc tế "Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới".
Một yếu tố quan trọng trong bảo tồn nhà ở truyền thống là làm cho người dân đang sinh sống trong các khu nhà cổ hiểu giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn. Tại Ninh Bình, nhiều người dân trước khi có sự hỗ trợ của chính quyền đã tự tìm tới các chuyên gia tư vấn để cải tạo mà vẫn giữ được kiến trúc của ngôi nhà. Điều đáng mừng là gần đây chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm phương án hỗ trợ người dân, kết hợp với doanh nghiệp để phát triển du lịch, tạo tiền đề cho việc bảo tồn và phát triển bền vững.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang chưa đựng tiềm năng lớn. Mô hình làng di sản du lịch dựa trên một hệ thống tổng thể các giá trị di sản từ vật thể đến phi vật thể của các làng truyền thống được đánh giá là mô hình phát triển bền vững, có thể trở thành kinh tế chủ lực của các làng xã. Trong đó, việc bảo tồn kiến trúc truyền thống phải luôn gắn với phát triển và phục vụ cho phát triển, không chỉ nhằm vào mục tiêu phát triển kinh tế mà còn phải hướng tới sự phát triển của chính cộng đồng cư dân địa phương.
Triển lãm kiến trúc truyền thống Việt Nam 2014 Hướng đến ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, sáng nay (21/4), tại Hà Nội đã khai mạc triển lãm kiến trúc truyền thống, trưng bày hàng trăm mô hình thu nhỏ những tinh túy của kiến trúc truyền thống Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!