Chương trình Cineshow trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024 (Ảnh: HIFF)
Nếu được phê duyệt, đây sẽ là thành phố điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Điểm kết nối điện ảnh Việt Nam với quốc tế
TP Hồ Chí Minh là nơi có đời sống văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động giải trí sôi động nhất cả nước. Trong đó, thị trường điện ảnh đã phát triển mạnh mẽ, được thể hiện qua những con số rất ấn tượng như: Điện ảnh là khu vực đang quy tụ 935 doanh nghiệp, với 9.294 lao động, tạo ra doanh thu 500 triệu USD, đóng góp 0,43% GRDP. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo là nơi thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngoài ra, thành phố còn có các không gian văn hóa phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng ở các khu dân cư và các đối tượng…
Cinetour của đoàn phim Nhà gia tiên tại các rạp ở TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những phim vượt mốc 200 tỷ trong những tháng đầu năm 2025 (Ảnh: ĐPCC)
UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030” trên 8 lĩnh vực: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Triển lãm; Quảng cáo; Du lịch văn hóa; Thời trang. Kế hoạch triển khai Đề án được ban hành vào tháng 9/2024. Trở thành thành phố sáng tạo trên lĩnh vực điện ảnh sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao năng lực sáng tạo nghệ thuật để nuôi dưỡng đời sống tinh thần xã hội ngày càng lành mạnh, hài hòa với cộng đồng quốc tế, phát triển kinh tế, xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới. Thành phố cũng tăng cường quảng bá và gắn kết phát triển du lịch, cùng với các ngành công nghiệp văn hóa, được kỳ vọng sẽ đóng góp 7,2% GRDP năm 2030 để tạo thêm nhiều việc làm mới, tạo sinh kế cho cư dân đô thị.
Có thể thấy, TP Hồ Chí Minh đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển, trong đó lĩnh vực điện ảnh sẽ hiện thực hóa tầm nhìn, giúp nâng cao vai trò trung tâm dẫn dắt kết nối Việt Nam với các làn sóng đổi mới của thế giới. Sự phát triển của điện ảnh cũng được thành phố kỳ vọng sẽ tạo ra một định hình mới về văn hóa sáng tạo, cải thiện tầm nhìn toàn cầu và khẳng định TP Hồ Chí Minh là một điểm đến đầy cảm hứng của khu vực.
Xây dựng những thương hiệu điện ảnh đặc trưng
Trong năm 2024, TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức Liên hoan phim ngắn và Liên hoan phim Quốc tế (HIFF), đã thu được những thành quả bước đầu tích cực.
Diễn viên Phương Anh Đào trên thảm đỏ sự kiện Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024 (Ảnh: HIFF)
Với hơn 300 tác phẩm, dự án ở các thể loại từ 29 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 200 khách mời quốc tế và Việt Nam tham gia các hoạt động, HIFF 2024 nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các chuyên gia, nhà làm phim, đội ngũ nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ngoài chương trình chiếu phim, chấm giải, thì hoạt động hội thảo, tọa đàm là một trong những điểm nhấn quan trọng trong khuôn khổ Liên hoan phim. Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm về điện ảnh chủ đề "Vẻ vang 77 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam" và triển lãm Công nghiệp Điện ảnh; hoạt động chiếu phim công cộng kết hợp trình diễn nghệ thuật; giao lưu các đoàn làm phim, các diễn viên, đạo diễn, ca sĩ… nổi tiếng qua các thời kỳ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực Công viên bờ sông Sài Gòn - TP Thủ Đức cũng là những hoạt động nổi bật, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng của HIFF 2024.
Du khách quốc tế hào hứng hòa mình vào không khí chương trình Cineshow trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024 (Ảnh: HIFF)
Điểm nhấn đáng chú ý của HIFF 2024 còn là việc giới thiệu các bộ phim mới ra mắt toàn cầu hoặc tham dự các Liên hoan phim lớn trên thế giới, qua đó góp phần nâng tầm sự kiện.
Ngoài ra, HIFF cũng chứng tỏ được vị thế, sức hút khi có sự tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của những tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới như đạo diễn huyền thoại Kore-eda Hirokazu (Nhật Bản), nhà dựng phim người Mỹ gốc Việt từng đoạt giải Oscar - Tom Cross, cựu Giám đốc nghệ thuật Directors’ Fortnight của LHP Cannes - Olivier Peré, đạo diễn hàng đầu điện ảnh Hàn Quốc - Kim Jee-woon…
Đạo diễn huyền thoại Kore-eda Hirokazu (Nhật Bản) gặp gỡ báo giới và giao lưu với khán giả hâm mộ tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: HIFF)
Tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF) thường niên cũng trở thành một trong những sáng kiến cấp quốc tế nhằm đóng góp thiết thực và hiệu quả trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo về điện ảnh. Qua đó nâng cao chất lượng tổ chức liên hoan phim tiệm cận tiêu chí quốc tế; tạo sân chơi điện ảnh chuyên nghiệp, tôn vinh các tài năng trên lĩnh vực điện ảnh; tìm kiếm tài năng, đầu tư cho các dự án của nhà làm phim trẻ… Từ đây giới thiệu sự đa dạng về văn hóa bản địa, tăng cường kết nối các nhà làm phim Việt Nam và toàn cầu thông qua các diễn đàn như hội thảo, workshop, các chợ dự án...
Những thách thức trước cơ hội mới
Hồ sơ của TP Hồ Chí Minh đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) đã chỉ rõ một số thách thức cho sự phát triển của điện ảnh như: Chất lượng cuộc sống đa dạng dẫn đến thị hiếu thẩm mỹ và khả năng hưởng thụ văn hóa khác nhau, chưa được đáp ứng đầy đủ; Nhu cầu sáng tác rất phong phú, nhưng không gian sáng tạo còn hạn chế; Hợp tác công tư còn hạn chế; các thủ tục tuy cần thiết, nhưng còn rườm rà. Ngoài ra, kinh tế phát triển chưa bền vững, các vấn đề đô thị và thị trường có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân cũng như nhu cầu thưởng thức các sản phẩm văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng.
Những sự kiện điện ảnh tầm cỡ quốc tế như HIFF mà TP Hồ Chí Minh tổ chức với kỳ vọng tạo thành thương hiệu thường niên vẫn còn rất non trẻ, kinh nghiệm tổ chức, sức ảnh hưởng vẫn còn hạn chế. Thành phố cần xây dựng nền móng chắc chắn từ việc thực hiện những một số sáng kiến, chương trình, dự án cấp độ quốc gia như: Kiến tạo điện ảnh trong học đường, dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh”, xây dựng những không gian sáng tạo văn hóa…
Năm 2025 là năm ghi dấu nhiều sự kiện lớn của đất nước và của TP Hồ Chí Minh. Hướng tới ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ thực hiện, giới thiệu 2 phim tài liệu về những thành quả đạt được trong việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và tổ chức Liên hoan phim ngắn lần thứ hai… Liên hoan phim Sinh viên TP Hồ Chí Minh lần thứ 6 cũng đã được khởi động với chủ đề 'Xanh”, nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức bảo vệ môi trường và lan tỏa thông điệp về một lối sống bền vững trong cộng đồng sinh viên cũng như toàn xã hội. Vòng liên hoan và bế mạc dự kiến diễn ra vào ngày 22/3/2025.
Thị trường điện ảnh TP Hồ Chí Minh tiếp tục ghi những cột mốc đáng nhớ nữa về doanh thu với thành công ấn tượng từ nhiều bộ phim trăm tỉ liên tiếp xuất hiện ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2025 như: Bộ tứ báo thủ, Nụ hôn bạc tỷ, Đèn âm hồn, Nhà gia tiên...
Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối sắp ra mắt khán giả (Ảnh: ĐPCC)
Những tháng tiếp theo hứa hẹn sẽ chứng kiến sự bùng nổ của loạt phim Việt với loạt tác phẩm rất đáng chờ đợi như: Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - một bộ phim mang màu sắc chính luận của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, hướng tới ngày Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; phần phim Lật mặt tiếp theo của đạo diễn Lý Hải hay loạt phim kinh dị mới thể hiện những góc nhìn sáng tạo, mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa của các nhà làm phim Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!