Trong sự phát triển đó, các giá trị văn hóa truyền thống, rất được chú trọng, đẩy mạnh qua nhiều hình thức sáng tạo, phong phú, hấp dẫn, mang đến diện mạo vừa hiện đại, hội nhập vừa đậm đà bản sắc.
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - trong bản tham luận gửi tới Hội thảo khoa học về thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển nêu rõ: “Đây là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, từ văn hóa truyền thống Việt Nam đến hiện đại và tinh hoa văn hóa thế giới. Thành phố thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Các liên hoan nghệ thuật quốc tế quy tụ hàng nghìn nghệ sĩ, khán giả trong và ngoài nước, thể hiện sự kết nối của Thành phố với văn hóa toàn cầu như: Liên hoan phim quốc tế Thành phố lần thứ nhất (HIFF), Festival Âm nhạc Quốc tế HOZO, Lễ hội Áo dài… Ngoài ra, các ngày hội văn hóa dân tộc là dịp để mọi người chiêm nghiệm và trân trọng sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng. Những sự kiện này đã tạo nên một bản sắc độc đáo, khẳng định vai trò tiên phong của TP Hồ Chí Minh trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa”.
Liên hoan âm nhạc quốc tế HOZO là điểm hẹn thường niên của những người yêu nhạc tại TP Hồ Chí Minh, quy tụ đông đảo các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế (Ảnh: BTC)
Ban nhạc Bức tường tại HOZO 2024 (Ảnh: BTC)
Nghệ sĩ và khán giả tham gia sự kiện Cineshow Music in Film trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 (Ảnh: HIFF)
Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 với trọng tâm là hoàn thành các thiết chế văn hóa cần thiết sẽ làm nền tảng để ngành công nghiệp văn hóa vận hành; từ đó khơi thông dòng chảy văn hóa từ truyền thống đến hiện đại, giải phóng sức sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật cho người dân Thành phố.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh, các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đối ngoại trong và ngoài nước của thành phố có quy mô xứng tầm, chất lượng nghệ thuật đạt yêu cầu và đảm bảo các yếu tố về nội dung, hình thức, tính sáng tạo, đổi mới trong tư duy nên rất thành công, tạo ấn tượng đẹp. Trong quá trình phát triển, thành phố luôn quan tâm, xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, văn hóa phát triển tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế và được tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa đối với tăng trưởng GRDP ngày càng tăng cao.
Tham luận của PGS. TS. Huỳnh Quốc Thắng cho rằng, nếu địa lý tự nhiên của TP Hồ Chí Minh mang nét chung của Nam Bộ đó là có yếu tố sông nước, kênh/rạch thì về văn hóa xã hội thành phố này mang đặc trưng khác hẳn không chỉ đối với vùng mà còn là với cả nước, đó là: Tính hòa nhập rộng rãi các dòng/nền văn hóa dân tộc (tộc người, vùng, miền) và văn hóa thế giới (Đông, Tây). Điều đó thể hiện rõ qua các cộng đồng người đã gắn bó với TP Hồ Chí Minh trong lịch sử cho tới nay, qua các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể (kiến trúc, ẩm thực, tín ngưỡng…), đặc biệt qua phong cách sống, ứng xử cộng đồng tạo thành những truyền thống chung. Bên cạnh đó, đặc trưng văn hóa nổi bật của TP Hồ Chí Minh vẫn là dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương nhưng với tinh thần luôn mở rộng, không bảo thủ cùng với sự nỗ lực đột phá, tiến công để vươn lên hội nhập với những giá trị mang tầm cao mới, vượt qua hạn chế của chính bản thân mình.
Lễ hội sông nước (Ảnh: Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh)
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ (Ảnh: Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh)
Lễ hội Tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa (Ảnh: Phạm Thế Hiển)
Nhìn từ những lễ hội, sự kiện lớn tại TP Hồ Chí Minh được tổ chức thành công, có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng có thể nhận thấy rõ điểm tựa vững vàng của những gì thuộc về truyền thống, nguồn cội. Chỉ riêng trong tháng 3 năm 2025 đã diễn ra loạt hoạt động quy tụ hàng nghìn người tham gia hưởng ứng để tôn vinh trang phục truyền thống. Lễ hội Áo dài lần thứ 11 thu hút hơn 3.000 người đã trực tiếp tham gia đồng diễn dân vũ với áo dài tại đường đi bộ Nguyễn Huệ bao gồm các đồng chí lãnh đạo, đại diện các sở ban ngành và đoàn thể, các đại sứ của Lễ hội áo dài, các văn nghệ sĩ, diễn viên và người dân. Điểm nhấn đặc biệt là chương trình Diễu hành cổ phục lần đầu tiên tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 1.000 người tham gia, là màn trình diễn ấn tượng nhất và quy mô nhất từ trước đến nay nhằm tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống.
Chương trình Diễu hành cổ phục lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài lần thứ 11 (Ảnh: Trần Nhật Linh)
Tiếp đó, trong ngày 22/3, hơn 5.000 người đã cùng chung tay xác lập Kỷ lục thế giới cho “Sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống Việt Nam đông nhất” tại concert Anh trai vượt ngàn chông gai.
Kỷ lục thế giới về trang phục truyền thống Việt Nam được xác lập tại concert Anh trai vượt ngàn chông gai ngày 22/3/2025 (Ảnh: BTC)
Cũng trong ngày 22/3, hơn 1.000 bạn trẻ và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã mặc Việt phục trình diễn flashmob tự hào vẽ nên “Một vòng Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong đêm đồng diễn Việt phục Tóc xanh vạt áo mùa 5 đồng thời là một phần của chương trình thường niên được công chúng chờ đợi để cùng khám phá những nét đẹp của cổ phục Việt, tham gia talkshow & workshop, giao lưu cùng chuyên gia, nghệ nhân để hiểu hơn về sự phát triển của trang phục truyền thống và các giá trị văn hóa đi kèm…
Những sự kiện, lễ hội khác mang đậm bản sắc riêng có của TP Hồ Chí Minh như Lễ hội sông nước, Lễ hội Tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ… cũng góp phần mang về doanh thu lớn cho du lịch. Ước tính chỉ trong 3 tháng đầu năm đã mang về gần 57.000 tỷ đồng.
Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối nhận được rất nhiều sự quan tâm, chờ đợi
Trong dòng chảy sôi động của điện ảnh, với sự bứt phá mạnh mẽ về doanh thu ngay từ đầu năm 2025 cùng nhiều bộ phim vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng, đã có thêm sự xuất hiện đặc biệt của phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối về những du kích Củ Chi “chân trần chí thép”. Là dự án phim tư nhân đầu tiên về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không chỉ kể câu chuyện về cuộc chiến đấu trong lòng địch cách đây hơn nửa thế kỷ, mà còn cho thấy quy mô khi huy động được nhiều loại vũ khí, khí tài hạng nặng và hàng nghìn diễn viên quần chúng trong nước và quốc tế. Phim nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của công chúng và hứa hẹn sẽ là bom tấn về doanh thu tiếp theo, tiếp tục tạo nên bức tranh khởi sắc cho điện ảnh Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng trong năm 2025 với loạt sự kiện lịch sử quan trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!