Lần đầu tiên tôi được nghe bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao, đâu đó, vào những năm 1990. Lúc đó, tôi gần 20 tuổi. Giai điệu du dương, êm ả và những hình ảnh vô cùng đẹp với những cánh én dặt dìu bay về, với những khói bay trên sông, tiếng gà gáy trưa … khiến tôi mê mẩn, ôm cát-sét, lầm bầm hát theo mãi.
Tuy nhiên, có mấy cụm từ khiến tôi thắc mắc rất nhiều. Tại sao lại là "mùa bình thường" ? Tại sao "mùa bình thường" lại là "mùa vui", là "mùa xuân mơ ước" ?
Mười bẩy, mười tám tuổi – thế hệ đầu tiên sau chiến tranh, không trực tiếp chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh, lúc nghe ca khúc này lần đầu tiên, tôi đã không hiểu được, không thấu được cái quý giá của sự bình thường mà tác giả đề cập.
Càng sau, khi nhiều tuổi hơn, biết hơn hơn về lịch sử, biết hơn về cuộc sống, tôi càng thấm hơn cụm từ "mùa bình thường" trong ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao. Với tôi, cụm từ đó là cụm từ đắt giá nhất trong cả ca khúc này.
Ca khúc Mùa xuân đầu tiên được Văn Cao sáng tác dịp tết nguyên đán năm 1976 , tức là một năm sau Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Xuân Bính Thìn (1976) là tết đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong hòa bình, thống nhất, sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Đó là cái Tết đầu tiên, mọi thứ bắt đầu trở lại "bình thường" với đúng nghĩa của nó.
Nhạc sỹ Văn Cao sinh năm 1923. Đến năm 1976, khi sáng tác bài hát "Mùa Xuân Đầu Tiên", ông đã sống trọn qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống phát xít Nhật và chống đế quốc Mỹ. Gần như cả đời ông, tới thời điểm đó, chứng kiến chiến tranh.
Chiến tranh, dù kéo dài tới vài chục năm, dù con người đã thích nghi với tất cả sự xáo trộn, đổ nát, chết chóc, ly tán …cũng không bao giờ trở thành bình thường được. Bình thường – đơn giản thôi, là con người phải thường xuyên được trở về nhà của mình, quê hương của mình, con cái, cha mẹ phải có nhau, phải có tình yêu lứa đôi, tình yêu vợ chồng êm ấm…
Chiến tranh càng kéo dài thì cuộc sống bình thường càng trở thành niềm khát khao cháy bỏng. Chỉ có điều, hiếm ai gọi được tên của niềm khát khao cháy bỏng đó một cách chân thực, căn cơ như Văn Cao, là niềm khát khao về một "mùa bình thường".
Vì thế, càng nghe, càng nghĩ về ca từ của bài hát Mùa xuân đầu tiên, càng cảm nhận được sự điềm tĩnh, sâu sắc, nhân văn trong tâm khảm của nhạc sỹ Văn Cao.
Tết Bính Thìn (1976), người dân cả nước vẫn đang hừng hực khí thế của niềm vui chiến thắng. Đó thực sự là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất của Tổ quốc. Vì mục tiêu cao cả, thiêng liêng này, hàng triệu con người Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh thanh xuân, xương máu. Giành chiến thắng, niềm vui dâng trào là hiển nhiên, chính đáng và chiến thắng đó sẽ mãi mãi còn là mốc son chói lọi, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Cảm hứng ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao cũng đến từ niềm vui chung đó của dân tộc. Tuy nhiên, người nghệ sỹ đầy mẫn cảm như ông có góc nhìn khác, không phải chuyện thắng thua. Đó là việc hòa bình, thống nhất mở ra cơ hội để mọi người dân cả nước được sống một cuộc sống bình thường trong tình người, tình yêu lứa đôi, tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương, bản quán.
Với Văn Cao, một cuộc sống đầy yêu thương như thế mới là bình thường ở Việt Nam. Bình thường như tự nhiên phải thế. Như mùa xuân, phương nam có chim én bay về. Như ngày Tết, thời tiết phương bắc còn rét, sông hồ sương phủ, mặt trời lên muộn nên gà gáy trưa...
Trong ca khúc, Văn Cao không nói gì đến chiến thắng, chiến bại. Phải chăng ông muốn nói đây là mùa xuân bình thường đầu tiên của cả dân tộc, không phải của riêng bên nào. Chiến tranh kết thúc, người lính, dù ở chiến tuyến nào, cũng chở về với gia đình. Tử khí của chiến trường còn ám lạnh trên bất cứ người lính nào đều sẽ tan biến đi, và được sưởi ấm bằng những giọt nước mắt chờ đón bao lâu nay của người mẹ. Với cụm từ "đàn con nay đã về", có vẻ như, Văn Cao không định đề cập giọt nước mắt "long lanh", "hạnh phúc" của bất cứ người mẹ cụ thể nào. Hình như, ông muốn nói về giọt nước mắt "long lanh", "hạnh phúc" của người mẹ lớn hơn - Mẹ Tổ quốc. Chỉ khi tất cả đều cùng về trong vòng tay của Mẹ Tổ quốc thì mới thực sự có mùa vui, có cuộc đời êm ấm.
Xem lại ca từ của nhạc sỹ Văn Cao, từ bài Tiến quân ca, sáng tác năm 1944, nay được sử dụng làm quốc ca Việt Nam, đến bài Mùa xuân đầu tiên, sáng tác đầu năm 1976, từ "đường vinh quang xây xác quân thù, thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu" đến "Người mẹ nhìn đàn con nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên"… có thể thấy rõ ràng rằng Văn Cao không chỉ khao khát kết cục chiến thắng của dân tộc mà còn nhận thức được chân giá trị của chiến thắng ấy. Chiến thắng chỉ có giá trị khi mang lại cho tất cả người dân cuộc sống bình thường với đầy đủ tình yêu con người, tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình, tình yêu tổ quốc. Phải có sự bình thường đó mới có sự êm ấm, mới có sự phát triển.
Giờ đây, soi vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bình thường hóa, làm bạn, làm đối tác tin cậy ngay cả với các nước đối địch trước đây và hòa hợp, hòa giải, đoàn kết toàn dân tộc, cả ở trong và ngoài nước, lại càng thấy chữ "Mùa bình thường" của Văn Cao vô cùng đắt, vô cùng ý nghĩa. Rồi nhìn sang các điểm nóng trên thế giới đang đỏ lửa chiến tranh, như Trung Đông, như Ucraina lại càng thấy "mùa bình thường" thực sự đáng "mơ ước" đến thế nào.
Những năm gần đây, ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" của Văn Cao thường được các gia đình Việt Nam bật nghe dịp Tết nguyên đán, trong không khí xuân. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại thường bật nghe lại ca khúc vào tháng Tư – tháng có kỷ niệm Đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước.
Năm nay là tròn 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, cũng là 50 năm nguồn cảm hứng của ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao. Ca khúc đó không chỉ ngợi ca mùa xuân của đất trời mà còn ngợi ca mùa xuân hiện hữu vô cùng yên ả mà cả dân tộc đang được hưởng. Đến cuối ca khúc, tác giả vẫn còn nhắc :… "Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu"... Mỗi lần bài hát được bật lên, mỗi năm được nghe lại, dù đã cả nửa thế kỷ rồi, câu hát đó vẫn như một lời nhắn nhủ đau đáu phải biết trân quý, gìn giữ mãi mùa xuân mơ ước đó – mùa bình thường, mùa vui.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!