Những trang phục Việt cổ từ những chiếc áo ngũ thân, áo Nhật Bình…, cổ phục Việt hay nói rộng ra là cổ phong, những nét đẹp tinh hoa thời xưa đang ngày càng trở nên thu hút với người trẻ và trở thành một trào lưu mạnh mẽ nhất là vào dịp Tết cổ truyền này. Từ một xu hướng, một trào lưu, cổ phục Việt giờ đã dần hình thành những yếu tố để phát triển công nghiệp văn hóa từ bản sắc trang phục Việt Nam.
Hàng trăm người khoác lên mình những bộ cổ phục Việt, diễu hành qua những con phố tấp nập của Hà Nội, Bách hoa bộ hành là hoạt động mở đầu cho chương trình Tết Việt - Tết phố, sự kiện văn hóa thường niên diễn ra trong lòng của phố cổ. Đoàn được tổ chức như một đám rước, đi đầu vào đội múa nghê, tiếp theo là đội múa xin tiền, hát Xoan và hơn 400 người mặc trang phục cổ từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đi của các thành phố như một dòng chảy văn hóa tiếp nối.
Năm qua, không thể không nhắc đến sự thành công của các chương trình giải trí, các đại nhạc hội âm nhạc mà ở đó chất liệu văn hóa truyền thống được khai thác một cách sáng tạo. Các trang phục truyền thống, những bộ cổ phục Việt cũng xuất hiện và tỏa sáng thu hút khán giả. Cổ phục Việt còn xuất hiện trong các sự kiện giải trí, các lễ trao giải hay là các buổi họp báo, góp phần lan tỏa tình yêu với những trang phục truyền thống đến công chúng.
Nhìn sang các quốc gia láng giềng mà tiêu biểu là Trung Quốc, việc các bạn trẻ mặc trang phục truyền thống cũng rất phát triển. Các nhà văn hóa gọi đây là quốc trào, tức là trào lưu tiêu dùng sản phẩm trong nước, lấy mỹ học truyền thống làm nền tảng. Năm 2021, ngành Hán phục, tức trang phục truyền thống của Trung Quốc đã đạt quy mô thị trường 10.1 tỷ NDT, tương đương với 35.000 tỷ đồng. Xu hướng người trẻ Việt tìm về với cổ phục cổ phong cũng cho thấy tiềm năng để xây dựng công nghiệp văn hóa từ các giá trị truyền thống.
Từ những nhóm nhỏ xuất phát từ đam mê đến nay cổ phục đã dần hình thành một cộng đồng, trong đó có sự tham gia của các đơn vị kinh doanh. Khi nhu cầu của xã hội đã hình thành, việc xây dựng một hệ sinh thái cho cổ phục là điều hoàn toàn có thể thực hiện. Cổ phục đã đi một chặng đường dài từ im lìm trong bảo tàng hay các trang sách để trở nên sống rộng trong cuộc sống hiện đại, dù sẽ còn là cả một chặng đường dài để có thể biến di sản này thành tài sản.
Với nhiều cách làm khác nhau nhưng điểm chạm cuối cùng mà các đơn vị sản xuất hướng đến là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vai trò của các nhà quản lý hoạch định chiến lược lúc này là tiếp sức, tạo ra các liên kết đa lĩnh vực để tạo sức bền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!