Thông tin Kim Sae Ron qua đời ở tuổi 25 vào ngày 16/2 đã khiến khán giả vô cùng bàng hoàng và tiếc nuối. Điều này một lần nữa làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về những hành vi quấy rối của cộng đồng mạng cũng việc đưa tin vô trách nhiệm của các phương tiện truyền thông đối với người nổi tiếng.
Kể từ vụ lái xe khi say rượu vào tháng 5/2022, Kim Sae Ron đã bị tấn công liên tiếp bởi những bình luận ác ý và tàn nhẫn trên mạng xã hội. Mặc dù đã tránh xa cuộc sống của một người nổi tiếng, cố nữ diễn viên vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự chỉ trích mỗi khi đăng tải bài viết mới. Chưa dừng lại ở đó, cộng đồng mạng còn xem xét kỹ lưỡng công việc bán thời gian tại quán cà phê của cô, kèm theo sở thích và các buổi tụ tập bạn bè để phán xét cô.
Phương tiện truyền thông cũng khuếch đại sự tiêu cực khi đăng tin về những bài viết của cô trên mạng xã hội nhằm thu hút người xem. Những tiêu đề giật gân được thiết kế để tạo ra nhiều cú nhấp chuột hơn, điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn với những nội dung kích động được lan truyền, thúc đẩy thêm nhiều bình luận ác ý.
Lịch sử lặp lại
Cái chết của Kim Sae Ron không phải trường hợp đáng tiếc duy nhất. Vào năm 2019, Sulli và Goo Hara đều tự tử sau khi phải chịu đựng sự quấy rối và bắt nạt trực tuyến trong nhiều năm. Sau cái chết của họ, các nhà lập pháp đã đề xuất "Đạo luật Sulli" nhằm mục đích đưa ra xác minh tên thật cho những người bình luận trực tuyến. Tuy nhiên, dự luật đã bị Quốc hội bác bỏ. Một đề xuất tương tự cũng được đưa ra nhằm hạn chế sự lan truyền của những bình luận ác ý nhưng cuối cùng bị gác lại.
Nằm 2023, khán giả yêu điện ảnh Hàn Quốc một lần nữa tiếc nuối khi nam tài tử Lee Sun Kyun tự tử sau khi bị điều tra vì cáo buộc sử dụng ma tuý. Cái chết của cố diễn viên làm nổi bật vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy sự chỉ trích của công chúng đối với người nổi tiếng. Thậm chí, KBS - đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc - đã phát sóng bản ghi chép các cuộc trò chuyện riêng tư của nam diễn viên dù thông tin này không liên quan đến cuộc điều tra.
"Nếu phạm vi đưa tin mang tính xâm phạm như vậy chỉ xuất hiện ở báo lá cải thì có lẽ đã ít gây tổn hại hơn. Thế nhưng, ngay cả đài truyền hình lớn của theo đuổi các lượt click chuột thì hậu quả sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng", Giáo sư báo chí Shim Seok Tae nhận xét.
Trở thành người nổi tiếng không đồng nghĩa phải chịu đựng sự tàn nhẫn của khán giả
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng thái độ của xã hội cần phải thay đổi để phá vỡ vòng luẩn quẩn quấy rối người nổi tiếng. Ngày nay, khán giả vẫn tin rằng người nổi tiếng cần bị làm nhục công khai như thể đó là một phần của cái giá khi nổi tiếng. Thế nhưng, đây thực chất là bi kịch.
"Khi Kim Sae Ron gây ra vụ tai nạn vì lái xe khi say rượu, phương tiện truyền thông như thể kẻ săn mồi. Khi các diễn viên nam phạm tội tương tự, họ thường không bị giám sát chặt chẽ như thế", nhà phê bình văn hoá Hwang Jin Mi cho rằng vấn đề giới tính cũng ảnh hưởng tới sự phán xét của khán giả.
Trong khi đó, nhà phê bình Kim Seong Su cho rằng xã hội không cung cấp đầy đủ sự hỗ trợ về sức khoẻ tinh thần cho các ngôi sao và đây là một phần lý do khiến họ suy sụp.
"Để ngăn chặn các thảm kịch tương tự trong tương lai, chúng ta cần cân nhắc các biện pháp mới để bảo vệ những người nổi tiếng khỏi những bình luận ác ý và sự đưa tin tàn nhẫn của giới truyền thông", nhà phê bình kết luận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!