Gần đây Nhà hát đã có nhiều vở diễn tạo hiệu ứng mạnh mẽ, đặc biệt là vở xiếc Vùng đất kỳ bí. Phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn NSƯT Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam về hành trình không ít gian nan này.
Thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Ông có thể chia sẻ thêm về hành trình này?
Đúng như bạn nói, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam trong thời gian qua luôn chú trọng là bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Chúng tôi không chỉ giữ gìn những bộ môn nghệ thuật truyền thống như xiếc, múa rối, đặc biệt là rối nước, mà còn làm mới chúng để có thể tiếp cận với khán giả hiện đại. Chúng tôi tin rằng, để bảo tồn được nghệ thuật truyền thống, cần phải kết hợp giữa giữ gìn cái cốt lõi và sáng tạo để nó trở nên gần gũi, hấp dẫn với công chúng.
Vùng đất kỳ bí vở kịch xiếc gần đây của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã tạo ra cơn sốt hiếm có, liên tục cháy vé thậm chí sập cả web ngay khi vừa mở bán. Bí quyết để xây dựng một vở diễn có sức hấp dẫn với khán giả ở đủ mọi lứa tuổi là gì?
Vở Vùng đất kỳ bí đã thu hút nhiều đối tượng khán giả, không chỉ trẻ em mà còn cả các bạn tuổi teen, đó là điều tôi khá bất ngờ. Để làm được điều này, chúng tôi phải xây dựng vở diễn một cách chuyên nghiệp, từ kịch bản, dàn dựng, đến diễn xuất... Một yếu tố quan trọng là chúng tôi luôn cố gắng tạo ra những câu chuyện hấp dẫn và dễ tiếp cận với khán giả ở mọi lứa tuổi. Trẻ em luôn được xem là những khán giả dễ tính vì không bỏ về, cũng không phê bình, nhưng để thu hút được đối tượng này cần phải có những vở diễn chất lượng, đầu tư chuyên nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc quan sát phản ứng của khán giả sau mỗi buổi diễn để có thể điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp hơn. Hiệu ứng truyền thông mạng xã hội cũng cần phải tính đến nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có một sản phẩm tốt.
Một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống mà Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã phát triển thành công là múa rối. Ông có thể chia sẻ đôi điều?
Múa rối, đặc biệt rối nước, là bộ môn nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Hiện nay Nhà hát đã có một đội ngũ diễn viên tài năng, đầy nhiệt huyết. Chính nhờ thế ngoài những trò cổ rối nước cổ truyền chúng tôi đã thực hiện được nhiều vở diễn rối nước đương đại gây tiếng vang như Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Trước ngọn sóng, Huyền sử Yết Kiêu và Nàng tiên cá... Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn mà còn sáng tạo, làm mới các vở diễn sao cho phù hợp với xu hướng và thị hiếu của khán giả hiện đại. Mỗi vở diễn phải có câu chuyện hấp dẫn, có yếu tố hiện đại nhưng vẫn giữ được cái hồn cốt của nghệ thuật truyền thống.
Trong quá trình sáng tạo, làm mới nghệ thuật truyền thống, ông có gặp khó khăn nào trong việc giữ gìn giá trị cốt lõi nhưng vẫn phải thu hút được khán giả?
Thực ra, điều này không hề đơn giản, vì chúng tôi cần phải cân bằng giữa việc bảo tồn nét đẹp truyền thống và việc làm mới cho phù hợp với nhu cầu của công chúng hiện đại. Ví dụ như trong múa rối nước, một đoạn của trò diễn chú cáo bắt vịt leo lên cây cau là hình ảnh rất đẹp và có tính biểu tượng, nhưng nếu thay đổi nó một cách quá mức, sẽ mất đi sự chân thực và giá trị nguyên bản của nó. Điều chúng tôi có thể làm là thay đổi cách kể chuyện sao cho hấp dẫn, để khán giả vừa cảm thấy mới mẻ nhưng vẫn thấy được sự tinh tế của nghệ thuật truyền thống.
Theo ông, ứng dụng công nghệ hiện đại đóng vai trò như thế nào trong việc làm mới nghệ thuật truyền thống?
Khán giả ngày nay mong muốn được trải nghiệm những điều mới lạ và công nghệ có thể giúp chúng tôi tạo ra những hiệu ứng ấn tượng, làm cho các vở diễn trở nên sinh động hơn. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là với những đơn vị công lập như chúng tôi, ngân sách có hạn. Do đó, các nghệ sĩ phải rất sáng tạo để mang lại những điều bất ngờ cho người xem. Mặc dù đôi khi không thể hoàn hảo về mặt kỹ thuật, nhưng khán giả vẫn thích thú với những hiệu ứng sáng tạo mang lại.
Vùng đất kỳ bí sử dụng những kĩ xảo công nghệ hiện đại mang lại những trải nghiệm thú vị cho khán giả
Ông có bất ngờ khi vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực lọt vào danh sách bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam?
Theo tôi đây là sự quan tâm của lãnh đạo nhằm khích lệ tinh thần tìm tòi sáng tạo của ekip. Vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực thể hiện sự tiếp nối, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật cổ truyền. Sự quan tâm khích lệ này khiến chúng tôi rất xúc động và nếu được công chúng yêu thương bình chọn nữa thì sẽ càng hạnh phúc hơn.
Với vai trò là người đứng đầu Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, ông làm thế nào để khuyến khích các nghệ sĩ trẻ phát triển nghề nghiệp và giữ vững tinh thần sáng tạo?
Tôi luôn quan niệm rằng, để giữ chân nghệ sĩ và khuyến khích họ sáng tạo, thì cần phải uyển chuyển, tuân thủ nguyên tắc nhưng dựa trên sự thấu hiểu, chia sẻ. Các nghệ sĩ xiếc hay diễn viên rối nước có nhiều khó khăn trong công việc nhưng họ luôn giữ được niềm đam mê. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tạo ra môi trường làm việc thân thiện, nơi các nghệ sĩ có thể phát triển tài năng và sáng tạo.
Các khán giả nhí thích thú tương tác với các nhân vật rối nước trong vở Nàng tiên cá
TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, theo ông, cần làm gì để bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống?
Để làm được điều này cần sự chung tay của rất nhiều người. Chẳng hạn như với Hát bội thì cần phải nghiên cứu một cách bài bản đồng thời nhà nước cũng phải có những chính sách hỗ trợ. Bảo tồn sân khấu cũng khác với các loại hình khác, phải có khán giả, vì nó là sự tương tác, sự tiếp nối là hơi thở của cuộc sống. Những người làm nghệ thuật truyền thống cần mạnh dạn tương tác ở bất cứ trong không gian nào miễn là có thể tiếp cận được với khán giả. Xuống đường phố, trường học, … thậm chí cả quán bar. Đưa nghệ thuật truyền thống ra các môi trường khác nhau như thế nào, có giữ được nét đẹp vốn có của nó hay không là phụ thuộc vào bản lĩnh của những người làm nghề.
Bên cạnh đó có thể tạo ra các tour du lịch văn hóa kết hợp với biểu diễn nghệ thuật truyền thống hay đưa nghệ thuật truyền thống vào chương trình học ở trường học để nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc.
Trong thời đại hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, làm sao để các nghệ sĩ trẻ có thể đi đúng hướng không bị ảnh hưởng hay bị hòa tan?
Cái quan trọng nhất là các bạn cần phải trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng vì thời gian của các bạn còn rất nhiều. Đừng theo những cái lợi trước mắt mà bỏ qua việc học tập. Điều đáng sợ là đi sai đường mà không nhận thức được, khi có một nền tảng kiến thức vững chắc các bạn sẽ tránh được điều đó.
Xin cám ơn ông !
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!