Kể từ khi ra mắt trên Netflix vào ngày 13/3, Adolescence - bộ phim tội phạm của Anh - đã gây bão trên thế giới phát trực tuyến, trở thành chương trình được xem nhiều nhất trên nền tảng này ở hàng chục quốc gia sau khi ra mắt. Không chỉ gây ấn tượng với khán giả, bộ phim còn trở thành đề tài nóng trên nghị trường của một số quốc gia như một dẫn chứng để các nhà lập pháp cân nhắc đưa ra những điều luật liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội của trẻ vị thành niên.
Những yếu tố làm nên một hiện tượng truyền hình
Với dàn diễn viên xuất sắc, cốt truyện ám ảnh và khả năng tiếp cận phổ biến trên Netflix, Adolescence đã nhanh chóng trở thành một bộ phim hot được bàn tán trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Do Stephen Graham và Jack Thorne sáng tạo, loạt phim gồm bốn phần này đề cập đến những chủ đề nặng nề như: nam tính độc hại, ảnh hưởng của mạng xã hội và sự mong manh của cuộc sống gia đình.
Phim kể về một cậu bé 13 tuổi ở Yorkshire bị bắt vì tình nghi giết người. Nạn nhân là một cô bạn học ở trường của cậu, bị đâm chết vào đêm hôm trước. Bộ phim không diễn ra như một phim kinh dị về tội phạm, cũng không phải là phim về thủ tục cảnh sát, mặc dù tập đầu tiên đi sâu, chi tiết về những gì xảy ra khi một trẻ vị thành niên bị bắt vì tội nghiêm trọng. Thay vào đó, nó là một cuộc khám phá về áp lực đối với các bé trai ngày nay, bao gồm cả ảnh hưởng xấu của mạng xã hội và một số quan niệm méo mó về ý nghĩa của việc trở thành một người đàn ông.
Cảnh trong phim Adolescence
Bộ phim dẫn dắt người xem đi qua đủ cung bậc cảm xúc, bước vào câu chuyện của các nhân vật và sống cùng với họ. Cha Jamie từng bị đánh đập bởi cha mình và ông nỗ lực không lặp lại với con. Dù tức giận, dù công việc vất vả phải làm cả đêm, về nhà vào rạng sáng, thì ông cũng không bao giờ ngược đãi con mình và luôn cố gắng bảo vệ con. Nhưng những đứa trẻ lớn lên mỗi ngày, với vô vàn sự kiện xảy ra, các bậc cha mẹ không thể lường trước hết những nguy cơ và sự ảnh hưởng tới con mình. Vì không có thời gian quan tâm sâu sát nên bố mẹ của Jamie đã không nhận ra đứa con trai 13 tuổi của mình không còn bé bỏng, nó muốn có bạn gái, muốn được là 1 trong 20% đàn ông thu hút 80% phụ nữ.
Phim không né tránh những câu hỏi khó, thay vào đó đi sâu vào áp lực xã hội và những khiếm khuyết cá nhân có thể khiến một đứa trẻ hành động như vậy. Bộ phim khám phá cách phương tiện truyền thông xã hội khuếch đại sự tàn ác của bạn bè và khiến những tâm trí dễ bị tổn thương trở nên cực đoan.
Điểm mạnh của Adolescence nằm ở dàn diễn viên, sự kết hợp giữa các diễn viên kỳ cựu và tài năng mới, những người mang đến cảm xúc thô sơ và tính chân thực cho màn ảnh. Mỗi diễn viên đều góp phần tạo nên bầu không khí nhập vai của loạt phim, biến Adolescence trở thành nơi trưng bày những tài năng đặc biệt.
Thông điệp dành cho những người làm cha mẹ
Mặc dù Adolescence không dựa trên một câu chuyện có thật nào, nhưng những người sáng tạo ra nó đã lấy cảm hứng từ những vụ việc bạo lực ở thanh thiếu niên ngoài đời thực và ảnh hưởng ngày càng tăng của các cộng đồng "manosphere" (các trang web và nhóm thảo luận trên Internet quan tâm đến quyền lợi và lợi ích của nam giới trái ngược với quyền lợi và lợi ích của phụ nữ, thường liên quan đến sự phản đối chủ nghĩa nữ quyền hoặc không thích phụ nữ) trực tuyến.
Đạo diễn Thorne cho biết, trước khi bắt tay làm phim, anh đã mua một chiếc điện thoại dùng một lần để lập các tài khoản mạng xã hội mới, sau đó dành 6 tháng "lặn vào những hố đen tối" của nội dung độc thân trực tuyến. “Cuộc thám hiểm” đó khiến anh nhận ra sự nghiệt ngã của thế giới quan về người độc thân, với niềm tin rằng 80% phụ nữ chỉ bị thu hút bởi 20% đàn ông, vì vậy các chàng trai phải thao túng các cô gái nếu họ muốn tìm bạn tình.
Cảnh trong phim Adolescence
Phim là lời cảnh tỉnh dành cho tất cả các phụ huynh. Và có lẽ, điều ám ảnh khán giả nhất chính là sự đau khổ, sự vật lộn của những người làm cha mẹ trong bộ phim. Nó phản ánh bức tranh hiện thực đến đau lòng của chúng ta - những người lớn trong xã hội hiện tại. Dù yêu con đến đâu, dù nỗ lực để cho con cuộc sống đầy đủ vật chất như chúng cần thì vẫn quá khó để chúng ta thực sự hiểu thế giới của trẻ ngày nay và kết nối được với chúng, để rồi… đến một ngày, như cha mẹ của Jamie, nhận ra con đã gây ra một tội ác tày trời mà họ không thể lý giải nổi. Bố mẹ Jamie, cũng giống như nhiều phụ huynh khác trong đời thực, không đủ kết nối sâu với con trong các giai đoạn chuyển biến của lứa tuổi nên không nhận ra sự thay đổi nội tâm của con mình. Làm cha mẹ vốn quá khó! Làm cha mẹ trong thế giới hiện tại càng khó hơn. Không có lối tắt nào cho việc nuôi dạy một đứa trẻ trở thành người tử tế và thành công mà không cần nỗ lực của cha mẹ.
Hồi chuông cảnh tỉnh các nhà lập pháp
Bộ phim ăn khách của Netflix đã gây ra nhiều cuộc tranh luận về việc trẻ em sử dụng điện thoại thông minh và đã dẫn đến những lời kêu gọi cấm mạng xã hội. Ở Anh, chương trình này không chỉ là chủ đề bàn tán ở nơi làm việc. Nó đã khơi lại cuộc thảo luận về việc liệu chính phủ có nên hạn chế trẻ em sử dụng điện thoại thông minh để ngăn chúng truy cập vào nội dung có hại hay không. Tại quốc hội Anh, các nhà lập pháp cũng đã sử dụng bộ phim này để đưa ra các quan điểm chính trị. Tuần trước, Thủ tướng Keir Starmer đã nói với Hạ viện rằng, ông đã xem Adolescence và theo ông cần phải có hành động để giải quyết "hậu quả chết người" của việc nam thanh thiếu niên xem nội dung có hại trên Internet.
Cảnh trong phim Adolescence
Adolescence xuất hiện vào thời điểm toàn cầu ngày càng lo ngại về tác động của điện thoại thông minh đối với sức khỏe và sự phát triển xã hội của trẻ em. Năm ngoái, Australia đã cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội (mặc dù luật này bao gồm nhiều trường hợp miễn trừ). Vào tháng 2 vừa qua, chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ sớm cấm điện thoại thông minh trong trường học, một động thái mà Pháp đã thực hiện ở các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Tuy nhiên, đạo diễn Jack Thorne chia sẻ, bộ phim của ông không đổ lỗi hoàn toàn cho công nghệ. Trong Adolescence, trường học của cậu bé bị thiếu kinh phí, giáo viên quá căng thẳng và làm việc quá sức để ngăn chặn nạn bắt nạt. Cảnh sát không biết cách thanh thiếu niên nói chuyện với nhau trên mạng xã hội và bạn bè, gia đình của cậu bé không hề biết cậu bé có khả năng làm gì. Có một câu nói cũ rằng “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, nhưng Thorne cho rằng, "Cũng cần cả một ngôi làng để hủy hoại một đứa trẻ". Và các nhà làm phim Adolescence muốn thuyết phục “ngôi làng” đó hãy quan tâm giúp đỡ những đứa trẻ vị thành niên để chúng không lầm đường, lạc lối hay bị chi phối bởi những quan điểm lệch lạc, méo mó trên Internet.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!