Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù chiến thắng nhưng Việt Nam vẫn phải gánh chịu những mất mát, tàn phá nặng nề và đối diện với nhiều hệ lụy dai dẳng về con người, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, qua thời gian, người Việt đã chứng minh cho thế giới thấy một sức mạnh kỳ diệu: không chỉ đứng dậy từ đống tro tàn, mà còn rộng lòng tha thứ, chấp nhận và chủ động đưa ra những cánh tay hòa giải. Trong bối cảnh đó, một đoàn làm phim Mỹ – với tinh thần trách nhiệm, mong muốn lắng nghe và tìm kiếm sự giải đáp – đã tiếp cận đề tài chiến tranh Việt Nam từ một góc nhìn đầy tính nhân văn: sự hàn gắn.
Bộ phim tài liệu Mỹ Di sản hòa bình do hai nhà làm phim người Mỹ là Robert (Bob) Judson và Dan Aguar thực hiện, là một bước ngoặt mới mẻ và đầy xúc động trong cách người Mỹ nhìn lại quá khứ. Phim tài liệu VTV Đặc biệt - Hàn gắn do Ban Văn hoá – Giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, là hành trình song song, ghi lại toàn bộ quá trình Bob và Dan thực hiện bộ phim tại Việt Nam. Nhưng hơn cả một hậu trường, đây là một lát cắt chân thực và lay động về sự chuyển biến tâm thức, về những cuộc đối thoại không lời giữa lịch sử và hiện tại, giữa người Mỹ và người Việt, giữa chiến tranh và hòa bình.
Quá trình ông Bob Judson và Dan Aguar họp tiền kì sản xuất phim với Ban Văn hoá - Giải trí
Quá trình ông Bob Judson và Dan Aguar họp tiền kì sản xuất phim với Ban Văn hoá - Giải trí
Hậu trường ông Bob Judson và Dan Aguar trong quá trình phỏng vấn nhân vật
Bob Judson, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam vào năm 1968, chia sẻ rằng ông luôn mong muốn quay trở lại mảnh đất đã từng là chiến trường, để hiểu, để đối diện và để hòa giải. Từ một người lính giận dữ, ông trở thành giảng viên ngành báo chí và chọn kể lại câu chuyện của mình qua điện ảnh. Trước đây, Bob đã có chuỗi phim tài liệu về đề tài chiến tranh tại Việt Nam, một trong số đó là Trở lại Việt Nam ra đời như một lời thì thầm của ký ức, đánh động sự đồng cảm của những thế hệ trẻ, trong đó có đạo diễn Dan Aguar. Dan Aguar sinh năm 1958 – một người trưởng thành trong thời kỳ cao trào của phong trào phản chiến ở Mỹ, nhưng chưa từng hiểu sâu về Việt Nam cho đến khi đặt chân tới mảnh đất này. Hai nhà làm phim, hai thế hệ, hai góc nhìn, nhưng cùng chung một hành trình khám phá, tìm kiếm câu trả lời về Việt Nam.
Thông qua cựu binh Mỹ Chuck Searcy – một người bạn của Bob và Dan trong tổ chức "Cựu chiến binh Mỹ phản đối chiến tranh tại Việt Nam", đồng thời là nhà đồng sáng lập dự án RENEW tại Quảng Trị, đoàn làm phim đã phỏng vấn Chuck và bắt đầu hành trình tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam sau chiến tranh. Trong quá trình nghiên cứu, họ thực hiện một trích đoạn Di sản hoà bình ngắn như một phép thử nhằm khảo sát phản hồi từ khán giả. Chính phản ứng tích cực và đầy cảm xúc từ người xem đã khơi dậy trong họ một mối quan tâm lớn hơn: sự im lặng kéo dài, thậm chí là sự lãng quên của nhiều người về Việt Nam và mong muốn thay đổi điều đó.
Tới Việt Nam, điểm đầu tiên đoàn làm phim đến thăm là DAVA – Trung tâm bảo trợ trẻ em nhiễm chất độc da cam tại Đà Nẵng. Tại đây, họ gặp Matthew Keenan – cựu binh Mỹ mắc ung thư do phơi nhiễm dioxin, người đã chọn gắn bó với Việt Nam như quê hương thứ hai. Hình ảnh ông ngồi trò chuyện và đồng hành với các em nhỏ khuyết tật như một người cha tinh thần, cùng với người bạn thân Nguyễn Ngọc Phương - giáo viên tại DAVA/nạn nhân chất độc da cam là minh chứng sống động cho sức mạnh của sự cố gắng hàn gắn và lòng nhân ái.
Ông Matthew Keenan - cựu binh Mỹ đồng hành cùng các em nạn nhân chất độc da cam trong hoạt động thường ngày tại DAVA
Ở Quảng Trị, đoàn phim tiếp tục hành trình cùng Dự án RENEW, tổ chức hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền phòng chống và rà phá bom mìn, và hỗ trợ nạn nhân chiến tranh. Bob và Dan đã gặp gỡ những nạn nhân hậu chiến tranh như anh Hồ Văn Lai - tuyên truyền viên phòng chống bom mìn; hay ông Đỗ Thiên Đăng, người vượt qua mặc cảm để vươn lên sống tích cực. Chính từ những cuộc gặp gỡ này, đoàn làm phim nhận ra một điều sâu sắc: người Việt Nam chính là những anh hùng đích thực trong câu chuyện hậu chiến – những người không than khóc, không oán trách, mà chọn sống, cống hiến và truyền đi thông điệp tích cực.
Dù chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam. Chất độc da cam vẫn đang từng ngày gây ra những nỗi đau âm ỉ cho nhiều thế hệ, và số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh có thể sẽ phải mất hàng chục năm, thậm chí đến cả thế kỷ mới có thể được rà phá hoàn toàn. 50 năm không chỉ là một dấu mốc lịch sử, mà còn là lời nhắc nhớ về hành trình chưa dứt của những nỗ lực hàn gắn, phục hồi và chữa lành. Phim tài liệu không chỉ khắc họa thực trạng, mà còn là tiếng nói đồng hành cùng những con người thầm lặng đang góp phần làm dịu đi vết thương chiến tranh.
Anh Hồ Văn Lai - nạn nhân bom mìn trong buổi tuyên truyền phòng chống bom mìn tại RENEW
Bộ phim tài liệu VTV Đặc biệt - Hàn gắn là lần đầu tiên khán giả truyền hình Việt Nam có cơ hội tiếp cận hậu trường sản xuất một bộ phim tài liệu của người Mỹ về Việt Nam, từ đó hiểu hơn về những đổi thay trong tư duy, cảm xúc và hành động của các nhà làm phim Mỹ. Bằng cách tập trung khắc họa những cuộc gặp gỡ chân thực, xúc động giữa đạo diễn và nhân vật, giữa quá khứ và hiện tại, Hàn gắn trở thành một biểu tượng nhân văn mạnh mẽ. Không nhằm kết tội quá khứ hay tô vẽ hiện tại, bộ phim đặt ra những câu hỏi đầy trăn trở: Liệu những nỗ lực hôm nay có thể xoa dịu vết thương của ngày hôm qua? Người trẻ Việt Nam và Mỹ sẽ nhìn về di sản chiến tranh này như thế nào trong tương lai? Không có những hình ảnh rùng rợn, bộ phim chọn sự đối thoại, sự thấu hiểu và sự tha thứ làm chủ đạo.
VTV Đặc biệt - Hàn gắn do Ban Văn hoá - Giải trí và trường đại học Georgia, Hoa Kỳ phối hợp thực hiện, hướng tới chuỗi kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đón xem bộ phim phát sóng vào 20h10 ngày 4/5 trên VTV1!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!