VTV 'ĐẶC BIỆT' CUỘC ĐỌ SỨC CỦA Ý CHÍ
21 NGÀY VỚI 50 NHÂN VẬT...
"Cuộc đọ sức của ý chí" sẽ lên sóng tập đầu tiên vào ngày mai (25/4), lúc 20h10 trên kênh VTV1. Bộ phim gồm 2 tập, được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chia sẻ với Thời báo VTV trước ngày phim lên sóng, người dẫn chương trình - biên tập viên Lina Phạm, thành viên trong ê-kíp, cho biết quá trình thực hiện bộ phim này vô cùng đáng nhớ với cô cũng như các thành viên khác trong đoàn phim.
"Thời gian chúng tôi làm phim ở Mỹ, bây giờ nghĩ lại, nó thực sự là một cuộc đua, một cuộc chạy - vừa chen vừa xếp gạch. Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh hai anh em - biên tập và quay phim - 2 cái vali kéo cành cạch trên đường trong suốt 3 tuần..." - Lina Phạm nói - "Nhưng rất may là sức khỏe của các nhân vật đảm bảo và sức khỏe của các thành viên trong ê-kíp cũng tốt nên dù lịch trình sít sao chúng tôi cũng không bị vỡ kế hoạch. Đó thực sự là một may mắn".
Và cuộc nói chuyện với người dẫn Lina Phạm sẽ cho chúng ta thấy phần nào quá trình hình thành của "Cuộc đọ sức của ý chí" trước khi bộ phim đến với khán giả.
Bắt đầu từ 1 cuốn sách...
'Nhân vật chính của 'Cuộc đọ sức của ý chí' là ông Craig McNamara - con trai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Đây là một nhân vật đặc biệt vì ông ấy có một người bố đặc biệt. Để có một nhân vật như Craig thì thực sự cũng là một may mắn'.
Lina Phạm.
Nói về khởi nguồn cuộc gặp gỡ với nhân vật chính của phim - ông Craig McNamara - người dẫn chương trình Lina Phạm cho biết: "Cách đây 2 năm, tôi có tình cờ đọc cuốn sách Because our fathers lied (Vì cha chúng tôi dối trá). Cơ duyên biết về cuốn sách là do trước đó tôi đã làm phim tài liệu với các cựu binh và một nhân vật của tôi lúc đó đã giới thiệu cho tôi cuốn sách này. Và khi đọc, tôi đã tìm được trong cuốn sách đó một câu chuyện rất riêng tư mà chưa bao giờ được công chúng biết tới".
"Nói chính xác hơn thì thời điểm tôi đọc Because our fathers lied cũng là lúc ông Craig vừa cho ra mắt cuốn sách tại Mỹ. Nên câu chuyện này có lẽ ít người Việt Nam biết bởi vì bản thân cuốn sách cũng rất mới ở Mỹ và chưa được ra mắt ở Việt Nam. Và tôi biết rằng cái yếu tố mới ở trong câu chuyện này là có".
"Có thể nói, yếu tố và tính cá nhân của câu chuyện khiến tôi chú ý" - Lina nói tiếp - "Đây là câu chuyện của một người con viết về một người bố, về trải nghiệm khi là con của con trai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara thì như thế nào. Ở phương Đông, hiếm có người con nào lại viết về bố với sự không đồng tình và nếu có không đồng tình thì cũng để trong lòng và câu chuyện được giải quyết ở đằng sau cánh cửa nhà. Nhưng ở văn hoá phương Tây thì khác biệt hơn, họ đã dám kể ra câu chuyện của mình, dám bộc lộ, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình".
"Khi đọc xong cuốn sách, tôi thấy một điều rất rõ ràng: ông Craig vẫn chưa tìm được câu trả lời từ người bố của mình với những thắc mắc của ông về chiến tranh Việt Nam vẫn chưa được giải đáp. Ông Craig là người phản đối chiến tranh Việt Nam trong khi bố của ông lại là 'kiến trúc sư trưởng', là người ký quyết định đưa quân Mỹ trực tiếp vào Việt Nam".
'Tôi thấy hiển hiện trong cuốn sách đó là một câu hỏi chưa được giải đáp của ông Craig. Và ngay lập tức trong đầu tôi đã nghĩ rằng - nếu mình có thể kể được câu chuyện này và cái mảnh ghép còn thiếu đó có thể giúp ông Craig trả lời câu hỏi đã được ông nêu ra nhưng chưa tìm được câu trả lời trong cuốn sách của ông. Và câu trả lời cho câu hỏi đó của ông ấy một phần nằm ở Việt Nam'.
Lina Phạm.
Người dẫn chương trình Lina cho biết với suy nghĩ này, cô đã tìm cách để tiếp cận với Craig McNamara.
Hành trình tiếp cận ấy của bạn đã diễn ra như thế nào?
- Tôi phải hỏi nhiều người mới tìm ra được email của ông, sau đó viết thư trình bày về ý định cũng như mong muốn của mình. Ông ấy cũng mất một khoảng thời gian đắn đo suy nghĩ mới trả lời lại. Và tôi đã có cuộc gọi nói chuyện đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái.
Thực tế thì trong cuộc gọi đó, ông Craig vẫn có rất nhiều nghi ngại. Ông ấy đang nói chuyện với 1 người phóng viên đến từ Việt Nam nên trong lòng ông có rất nhiều câu hỏi và sự e ngại. Nhưng tôi đã trình bày sự quan tâm và mục đích của mình một cách chân thành với nhân vật của mình.
Bạn đã thuyết phục ông ấy như thế nào?
- Tôi nói bản thân câu chuyện của ông ấy trong cuốn sách là một câu chuyện hay và tôi rất thích với tư cách là một độc giả. Và ở góc độ một người Việt Nam, tôi thấy câu chuyện của ông vẫn chưa được giải quyết và chúng tôi, với sự đóng góp của mình, hy vọng đưa cho ông mảnh ghép còn thiếu, giúp ông trả lời câu hỏi ông đã nêu ra trong cuốn sách. Và khi mình nói như thế thì Craig rất quan tâm vì đó là điều ông đang tìm kiếm. Ông đã không tìm được câu trả lời từ người bố của mình vì bố của ông đã mất và khi còn sống cũng né tránh trả lời câu hỏi đó với ông. Robert không bao giờ nói về câu chuyện của mình ở Việt Nam trong gia đình mình.
Tôi cũng nói thêm mục đích của mình là hàn gắn, không đào thêm quá khứ, không đổ lỗi hay trách móc và cả hai bên cùng đạt đến một sự thấu hiểu. Bởi vì hoà giải và hàn gắn chỉ có thể có được trên nền tảng của sự thấu hiểu. Và khi nói đến điều này thì ông có vẻ rất là xuôi.
Cả ê-kíp nghiên cứu các tài liệu phục vụ cho phim. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhà báo Lê Hoàng Linh (thành viên ê-kíp) nói hành trình thuyết phục nhân vật của nhóm khá vất vả?
- Anh Linh nói đúng. Ông Craig đã xuôi xuôi khi nghe tôi trình bày mong muốn của mình nhưng khi bàn sâu hơn và cả ê-kíp bắt đầu tham gia vào - lên lịch trình, thực hiện hoá ý tưởng... - thì đó cũng là lúc vấp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là thời gian. Ông Craig là một người nông dân và ông có một nông trại lớn trồng cây óc chó tại Mỹ và đúng khoảng thời gian chúng tôi đề cập mong muốn ông sang Việt Nam thì đó là thời gian ông bận rộn thu hoạch. Đó là thời gian vô cùng bận rộn nên ông rất trăn trở về việc này.
Điều thứ 2 ông Craig băn khoăn là nếu ông sang Việt Nam - đi sang một nước đã phải hứng chịu chiến tranh mà chính người cha của mình đã góp phần vào cuộc chiến đó - ông không biết điều gì chờ đón mình ở phía trước. Nên ông ấy rất sợ. Ông ấy cũng chưa bao giờ đối diện trực tiếp - đến những địa điểm và gặp những con người bị tác động trực tiếp bởi cuộc chiến tranh trong quá khứ. Ông ấy nói năm 2017 từng sang Việt Nam nhưng chuyến đi đó cũng chỉ là một chuyến du lịch và ông ấy là du khách đi xem cảnh đẹp thôi. Nhưng khi chạm vào câu chuyện này thì khác, nó ở một tầng sâu hơn rất nhiều. Nên Craig có những e ngại nhất định. Khi đối mặt với những nạn nhân thì ông biết nói như thế nào với họ hay cảm xúc ra sao, liệu nó có quá sức chịu đựng với một con người có tâm hồn nhạy cảm ở tuổi 75 như ông hay không?
Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục Craig, lên một kế hoạch cụ thể cũng như nói với ông ấy những nhân vật mà chúng tôi sẽ gặp là ai... Việc thuyết phục Craig quay ở Mỹ đã là một khó khăn rồi và việc quay ở Việt Nam còn khó khăn hơn bội phần.
Với lịch trình làm việc vô cùng sít sao nên chúng tôi lên kế hoạch khi đến Mỹ sẽ phải tách nhóm ra làm đôi ra để nhân đôi hiệu quả công việc. Nhóm của anh Lê Hoàng Linh quay ở bờ Tây, còn nhóm của tôi quay ở bờ Đông.
Lina Phạm cho biết, sau khi đã "chốt" tất cả kế hoạch và cả ê-kip chuẩn bị bay sang Mỹ để ghi hình nhân vật thì có "một cú quay xe" vào phút chót.
Khi chúng tôi chuẩn bị sang Mỹ, ông Craig đã có "cú quay xe" vào phút chót. Lúc đó chúng tôi đã mua vé máy bay để đến Mỹ rồi" - người dẫn chương trình Lina Phạm nhớ lại - "Có lẽ ông thấy khối lượng công việc phải làm trước mắt quá khổng lồ và bản thân ông không cam kết được về mặt thời gian cũng như là sức khoẻ".
Phản ứng lúc đó của ê-kíp như thế nào?
- Chúng tôi đã lặng người đi khi ông Craig thông báo điều đó. Chúng tôi nói đã mua hết vé máy bay rồi thì ông nói sẽ trả tiền cho 4 chiếc vé đã mua ấy. Lúc đó thật sự không biết nói thế nào và chúng tôi chỉ nói với ông 2 điều. Thứ nhất là chúng tôi nghĩ mọi vấn đề đều có thể được giải quyết và cả hai bên hãy cùng bình tĩnh để ngồi lại. Chúng tôi thấy được nhu cầu tìm câu trả lời của ông Craig rất lớn và đấy cũng là lý do ông viết ra cuốn tự truyện này. Và nếu như không phải là bây giờ thì sẽ là bao giờ?
Vì câu chuyện này rơi quá đúng vào thời điểm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh cũng như ở thời điểm phía Mỹ và Việt Nam cũng đã đạt được những sự thấu hiểu nhất định. Quan hệ hai nước đã nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Ông cũng ở tuổi 75 rồi, nếu không phải bây giờ thì là bao giờ, khi mà sức khoẻ của ông còn cho phép?
Khi chúng tôi nói chúng tôi vô cùng tin tưởng vào câu chuyện mà chúng tôi sẽ làm - cố gắng nỗ lực 200% để có thể đưa được đâu chuyện của ông đến với Việt Nam. Bởi vì chúng tôi nghĩ tác động của câu chuyện nó sẽ không chỉ dừng lại ở nước Mỹ mà sẽ mang đến một góc nhìn rất mới và nhân văn. Và sau khi nghe tất cả những lý do đó thì ông đã chấp nhận.
Ê-kíp "Cuộc đọ sức của ý chí" tại nông trại nhà ông Craig. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Những cuộc chạy đua trong quá trình ghi hình tại Mỹ...
Lina Phạm cho biết danh sách các nhân vật ê-kíp tiếp cận, phỏng vấn "khoảng 50 nhân vật". Trong khi đó, tổng số thời gian ở Mỹ của cả ê-kíp chỉ có 3 tuần lễ.
"Như vậy, với 21 ngày mà 50 nhân vật thì không có cách nào làm được nếu không tách ê-kíp ra làm 2" - Lina Phạm nói - "Chúng tôi chia ra làm 2 mũi để tác nghiệp vì nhân vật của chúng tôi ở trải dài cả bờ Đông lẫn bờ Tây, thậm chí có những người ở Hawaii".
"Và đôi khi vì điều kiện, chúng tôi không thể bay đến tất cả những nơi mà các nhân vật chúng tôi sống nên chúng tôi phải thuyết phục nhân vật bay đến nơi của chúng tôi" - Lina nói thêm.
'Một đoàn làm phim Việt Nam tác nghiệp trên đất Mỹ, phải thuyết phục những người Mỹ tin vào mình rồi bỏ tiền vé máy bay bay đến nơi mà chúng tôi tác nghiệp... Chúng tôi không có nhiều thời gian, chỉ nói với nhân vật của mình là chúng tôi sẽ ở địa điểm đó vào ngày hôm ấy và họ phải có mặt đúng lúc ấy'.
Lina Phạm.
"Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không biết tại sao chúng tôi có thể ráp được lịch với nhân vật, chỉ biết là ngày nào sẽ cập nhật lịch trình của ngày đấy. Anh Linh ở bờ Tây, còn tôi ở bờ Đông" - Lina Phạm nói thêm.
Nghe bạn nói về 50 nhân vật, điều này rất gây tò mò và háo hức với khán giả sắp được xem bộ phim!
- Tôi đã gặp nhiều học giả, nhiều nhà sử học ở Boston, những nhà báo rất nổi tiếng như Frederik Logaval - giáo sư đại học Harvard, người đã giành giải Pulitzer; Giáo sư Chris Appy - giáo sư đại học Amherst Massachussets. Đây là 2 nhân vật có tiếng nói hàng đầu nước Mỹ, trong giới nghiên cứu về lịch sử về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Hai ông cũng cho chúng tôi góc nhìn vô cùng hay về Robert McNamara và về quãng thời gian từ năm 65 đến năm 75.
Chúng tôi cũng phỏng vấn được bà Francis Fitzgerald, tác giả cuốn sách nhận giải Pulitzer tên là Fire in the lake.
Thật sự, phỏng vấn được 2 học giả có 2 cuốn sách được giải Pulitzer về cuộc chiến ở Việt Nam và chưa bao giờ lên sóng của Đài THVN thì đây cũng là một yếu tố đặc biệt cho chương trình. Điều này, về cá nhân, cũng là một việc vô cùng đặc biệt đối với một nhà báo trẻ đến từ Việt Nam như tôi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phỏng vấn được 2 đạo diễn và nhà biên kịch đã được giải Oscar. Người thứ nhất là ông Errol Morris, đạo diễn được giải Oscar phim Sương mù chiến tranh... Ông đã được giải Oscar cho Phim tài liệu xuất sắc. Bộ phim này là cuộc phỏng vấn nhiều hơn 24h của ông với ông Robert McNamara.
Nhà biên kịch được giải Oscar thứ 2 là ông Ron Kovic, biên kịch, tác giả bộ phim Sinh ngày 4/7. Bản thân ông cũng là một nhà phản chiến và ông đã viết ra cuốn tự truyện Sinh ngày 4/7. Về sau đã được chuyển thể thành phim và giành rất nhiều giải thưởng có tiếng vang. Được phỏng vấn Ron cũng là một trải nghiệm khó quên, vì sức khỏe của ông cũng rất yếu, ông bị liệt nửa thân dưới do một viên đạn xuyên vào tủy sống khi ông tham chiến trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chúng tôi đã nhận được chia sẻ của một người có trải nghiệm trực tiếp trong cuộc chiến - với tư cách là một cựu binh và một nhà phản chiến. Đó là một góc nhìn trực diện, hơn thế còn là một nhà văn, nhà biên kịch và cuộc nói chuyện sẽ cho chúng ta rất nhiều sức nặng.
Và một loạt những cuộc nói chuyện khác là những người tham gia, giúp câu chuyện phơi bày sự thật của Hồ sơ Lầu Năm Góc (The Pentagon Papers) hơn 7000 trang. Chúng tôi cũng đã thuyết phục được một nhân vật là người trong ê-kíp đã đi photocopy 7000 trang đấy để đưa lên New York Times và từ đó, sự thật đã được phơi bày với thế giới. Cha đẻ của The Pentagon Papers thì không còn nữa nhưng chúng tôi đã phỏng vấn được nhân vật đã trực tiếp tham gia trong ê-kíp của ông. Và đây cũng là nhân vật đã được chúng tôi thuyết phục để bay từ Hawaii để sang gặp chúng tôi bên bờ Tây.
Các cuộc ghi hình với các nhân vật của ê-kíp tại Mỹ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
'Điều may mắn cho chúng tôi là các nhân vật cũng rất hợp tác'.
Lina Phạm.
Lina Phạm và ông Craig. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Được tiếp xúc với 1 nhân vật như Craig có ý nghĩa như thế nào với riêng bạn?
- Đây là một nhân vật đặc biệt, rất có chính kiến và quan điểm riêng. Mặc dù là con của một người nổi tiếng nhưng ông đã chọn cho mình con đường đối nghịch hẳn với bố. Không những quan điểm và tư tưởng về cuộc chiến khác cũng như sự lựa chọn cuộc đời khác mà những hành động của ông cũng vô cùng khác. Về quan điểm tư tưởng, Craig là người phản chiến trong khi bố ông là tác giả của cuộc chiến. Và tư tưởng phản chiến của ông xuất phát từ khi ông còn là một cậu thiếu niên 15 tuổi. Ông đã có hành động như mở cửa cho những người biểu tình vào tận nhà của mình để đối chất với bố của mình.
Sau khi phản đối bố, hỏi bố không được thì ông quyết định phải tự bứt mình ra khỏi môi trường đó bằng cách không tận dụng lợi thế là con trai của một người như Robert để đi vào con đường chính trường, trở thành tinh hoa hay hàn lâm mà ông quyết định trở thành một người nông dân. Bởi vì ông muốn rời xa Wasington DC, rời xa thế giới của bố mình.
Craig đi học về nông nghiệp và có tình yêu rất lớn với đất đai. Và đến bây giờ, ông đã có 5 thập kỷ gắn bó với đất đai, cây trồng. Ông hiện vẫn làm nông, trồng cây óc chó, cây hạnh nhân và hoa quả ở California. Đấy theo tôi là sự dũng cảm, dám bứt mình ra khỏi môi trường thuận lợi, dám tách mình ra khỏi luồng chảy đã được định hình bởi bố của mình...
Ông Craig cũng là một người có trách nhiệm. Mặc dù cuộc chiến đó do bố ông gây ra nhưng là con của bố, ông nghĩ mình cũng phải có trách nhiệm phần nào trong việc sửa chữa sai lầm mà bố mình đã gây ra. Và đó là động lực để ông ra mắt cuốn sách cũng như tham gia vào ê-kíp của chúng tôi. Ông là con người không chỉ nhận thức mà còn hành động, dũng cảm và khảng khái. Tôi nghĩ rằng với những tính cách và phẩm chất ấy đã tác động rất lớn với chúng tôi.
'Những trải nghiệm, thời gian làm việc cùng cho tôi bài học lớn là hãy cứ cố đi, cố đi 1 chút nữa xem nào. Tôi cũng học được về sự dũng cảm và dám tin vào điều mình nghĩ là có ý nghĩa...'.
Lina Phạm.
Khi làm việc ông rất chuyên nghiệp, lúc nào cũng giữ cho mình một năng lượng tràn trề, khiến chúng tôi rất ngưỡng mộ. Ông luôn đến trước giờ. Khi ê-kíp quá mệt vì lịch trình di chuyển thì ông luôn động viên chúng tôi mặc dù ông mệt hơn chúng tôi rất nhiều - ông phải tương tác với mọi thứ ở hiện trường và cảm xúc của ông cũng rất bề bộn. Nhưng ông luôn động viên ngược lại chúng tôi.
Tôi rất mong khán giả khi tiếp nhận câu chuyện thì cũng sẽ có suy nghĩ của riêng mình và sẽ được truyền cảm hứng bởi các nhân vật trong bộ phim này.
Cảm ơn Lina Phạm về cuộc trò chuyện!
____
Người thực hiện: Tiêu Trang Ngọc Bảo
24/4/2025
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!