Cô gái 1m2 nỗ lực dạy nghề tranh giấy xoắn cho những người cùng cảnh ngộ
Nhân vật đầu tiên của "Việc tử tế" tháng 3 là đóa hoa vừa rực rỡ, vừa khiêm nhường: Hồ Thị Láng.
Sinh ra là một cô bé khỏe mạnh, đáng yêu, nhưng tới năm 12 tuổi, căn bệnh teo cơ bất ngờ ập tới. Kể từ đó, "cô bé hạt tiêu" Hồ Thị Láng chỉ cao vỏn vẹn có 1m20. Nhưng cuộc đời trớ trêu vẫn không ngừng đem tới những bão giông cho số phận của bông hoa bé nhỏ. Bố của Láng mắc bệnh tim. Một mình mẹ Láng phải đi bán ve chai để trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Trong suốt những năm tháng đi học, Láng cũng thật khó để hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Thậm chí, cô bé hạt tiêu còn là nạn nhân của bạo lực học đường.
Dẫu vậy, bão giông không ngăn được ý chí. Dù thân hình bé nhỏ, nhưng với nỗ lực và quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc, Láng tìm đến Hà Nội học nghề thủ công: Làm tranh giấy xoắn, với mong muốn lo được cho bản thân và đồng thời hỗ trợ gia đình. Láng chia sẻ, ban đầu em lựa chọn học nghề tranh giấy xoắn vì đây là công việc phù hợp với khả năng và thể trạng của em. Thế nhưng, tình yêu với nghề như một hạt mầm bé nhỏ, khi được Láng nuôi nấng đủ lâu, đã trở thành đam mê của em từ lúc nào. Với sự đồng hành và hỗ trợ của chị Hoàng Kim Nhẫn - một người bạn quen Láng qua mạng, cô gái bé nhỏ đã vượt qua quãng thời gian khó khăn nơi đất khách cho đến khi có một tay nghề thành thục.
Nhưng điều đặc biệt nhất của Hồ Thị Láng, là em không chỉ giữ đam mê ấy cho riêng mình. Thay vào đó, cô gái hạt tiêu lại đem gieo tình yêu nghề tới với rất nhiều những người có cùng cảnh ngộ. Lớp học của cô giáo Láng với tên gọi "Sương Ban Mai" chính là nơi Láng dạy nghề làm tranh giấy xoắn cho những học viên là người khuyết tật.
Và cũng từ lớp học ấy, rất nhiều người có những khiếm khuyết trong cuộc sống đã có cho mình một cái nghề để tự nuôi sống bản thân, cũng như tìm thấy niềm vui giữa cuộc đời.
Chị Lê Thị Mai và hành trình gần 10 năm làm cô giáo của lớp học dành cho các bệnh nhi ung thư
Chị Mai vẫn nhớ như in lần đầu tiên bước chân vào Khoa Ung bướu, bệnh viện Nhi đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh những đứa trẻ đầu trọc lốc, tay còn dính đầy băng gạc; và tiếng khóc ré của bọn trẻ sau mỗi đợt truyền thuốc vọng lại ở cuối dãy sao mà ám ảnh. Đó là khoảnh khắc hạt mầm yêu thương và lòng trắc ẩn gieo vào trong lòng chị. Kể từ đó, chị Mai liên tục hỗ trợ, quyên góp ủng hộ các bệnh nhi.
Thế nhưng một ngày, chị Mai nhận ra, tình yêu ấy cần lớn hơn và thiết thực hơn nữa. Năm 2017, chị xin phép Ban lãnh đạo bệnh viện Ung Bướu Nhi đồng 2, Tp. Hồ Chí Minh, thành lập lớp "Lớp học vui vẻ" thuộc CLB "Nét chữ xinh".
"Lớp học vui vẻ" dạy các bệnh nhi học một số môn văn hoá, ngoài ra còn hỗ trợ giáo dục kỹ năng, được vui chơi tự do, học đàn, học hát.
Chị Mai thành lập lớp học này, vì chị hiểu, các con ngoài những đau đớn về thể xác, thì còn thiếu thốn rất nhiều về tinh thần. Những đứa trẻ đã sống cả một tuổi thơ trong bệnh viện, chẳng được học tập và vui chơi như bạn bè cùng trang lứa. Lớp học mở ra không chỉ giúp các con có thêm kiến thức, mà quan trọng hơn cả, là mỗi khi đến lớp các con sẽ tìm thấy niềm vui, quên đi bệnh tật.
Đến nay, lớp học đã duy trì được gần 10 năm, với sự giúp sức của rất nhiều tình nguyện viên, chung tay tổ chức học tập, vui chơi cho các bé.
Và nỗ lực cuối cùng cũng đem tới trái ngọt. Rất nhiều bé từng là học sinh của "Lớp học vui vẻ" đã hoàn thành phác đồ điều trị, rời khỏi bệnh viện và có một cuộc sống mới, một tương lai đầy hứa hẹn. Em Trần Cao Thuý Hà chính là một "trái ngọt" như thế. Sau hơn 2 năm kể từ ngày Thuý Hà rời lớp học của cô Mai, đến nay hai cô trò mới có dịp hội ngộ trên sân khấu của Việc Tử Tế. Thuý Hà nay đã lớn, thay đổi rất nhiều, nhưng em chưa bao giờ quên đi những ký ức từ lớp học vui vẻ mà cô Mai cùng các tình nguyện viên đem đến.
Bà Đào Thị Thanh An - cô giáo của những "học sinh U80"
Học làm giấy xoắn để có một cái nghề. Học những niềm vui, kỹ năng để tiếp thêm hy vọng cho các bệnh nhi. Những lớp học của hai nhân vật đầu tiên của VTT tháng 3 cho chúng ta thấy, việc học luôn mang đến một giá trị nhất định. Tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Tại xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau có 1 lớp học đã diễn ra 10 năm nay. Tại lớp học đó thì cô giáo còn ít tuổi hơn học sinh, bởi học sinh đều là những cụ ông, cụ bà đã ngoài 60, 70 tuổi. Họ không biết chữ, người vì chiến tranh không được đi học, người vì nghèo quá mà không thể tới trường.
Và cô giáo của lớp học đặc biệt đó là bà Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.
Ý tưởng thành lập lớp học xoá mù chữ cho người cao tuổi của cô giáo An bắt đầu khi cô tiếp cận hồ sơ vay vốn của các bà con xã Nguyễn Việt Khái. Cuối mỗi tập hồ sơ, thay vì là chữ ký, rất nhiều bà con, đặc biệt là chị em phụ nữ, các bà, các bác lớn tuổi lại lăn tay vì không biết chữ.
Cô An chia sẻ, cô thấy thương bà con vô cùng. Với cô, một trong những điều thiệt thòi nhất trong cuộc đời là không biết chữ. Và thế là, cô Thanh An đã dùng hết tình yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại để bù đắp điều thiệt thòi đó cho người dân quê hương mình.
Lớp học xoá mù chữ của cô An khởi đầu với chỉ 3 thành viên do ban đầu rất nhiều bà con còn tự ti và mặc cảm. Thế nhưng cô An vẫn bền bỉ tới lớp. Và sau hơn 8 năm, đến nay, lớp học của cô An đã dạy thành công con chữ cho gần 100 "học trò U70, U80".
Không chỉ dạy học, cô Thanh An còn là mẹ đỡ đầu của 36 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nguyễn Việt Khái. Cô An cho biết, do địa phương là xã ven biển, nhiều dân di cư, đời sống gặp nhiều khó khăn, nên số gia đình cần hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn so với những địa phương khác. Cô vẫn nhớ rất rõ 3 bé đầu tiên được mình nhận nuôi vào năm 2021. Các con là ba chị em ruột có bố mẹ đi làm xa. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bố các bé không may mắc bệnh và qua đời tại Bình Dương. Một mình mẹ các bé trở về nuôi các con nhỏ, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Biết được hoàn cảnh các con, cô Mai đã ngay lập tức hỗ trợ và xin nhận làm mẹ đỡ đầu. Tới nay, số con của mẹ An đã lên đến 36 bé - đều là những hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Nhưng hành trình tử tế của cô An hoàn toàn không hề đơn độc, mà trái lại, cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính gia đình nhỏ, từ cơ quan, chính quyền địa phương. Khi biết tin cô An được mời ra Hà Nội ghi hình chương trình Việc tử tế tháng 3, gia đình, người thân, đồng nghiệp của cô An đã thành lập nhanh một "đoàn hộ tống" cùng cô tới thăm Thủ đô.
Ba nhân vật là đại diện của rất nhiều những đóa hoa tử tế đang nở rộ. Nhân ngày đặc biệt của phái đẹp, cùng Việc Tử Tế, với sự đồng hành của THACO - Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải gửi lời tri ân tới một nửa thế giới.
Đón xem chương trình Việc tử tế tháng 3: Hoa trong nắng, phát sóng lúc 20h10 ngày 8/3/2025 trên VTV1 và ứng dụng VTVgo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!