Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay

Chu Quang Minh-Thứ ba, ngày 08/04/2025 14:07 GMT+7

bangdatally.xyz - Nếu ánh sáng là màu vẽ của người quay phim, thì Steadicam chính là đôi chân ma thuật, giúp họ khiêu vũ cùng máy quay trên "sàn diễn" của sự sáng tạo.

Mỗi bước di chuyển, mỗi cú xoay người đều hòa quyện vào nhau, tạo nên những cảnh quay mượt mà, bay bổng, đầy mê hoặc. Trong thế giới điện ảnh Việt Nam, cái tên Lê Thanh Tùng đang dần trở nên quen thuộc với vai trò này. Anh là một trong số ít những Steadicam Operator được đào tạo bài bản tại hãng Steadicam/TIFFEN ở Mỹ và đang góp phần nâng cao chất lượng hình ảnh cho các dự án phim trong nước.

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 1.

Lê Thanh Tùng chuẩn bị cho cảnh quay phim bằng máy quay nhựa 16mm (ảnh nhân vật cung cấp)

Hành trình đến với Steadicam - Vượt khó để theo đuổi đam mê

Lê Thanh Tùng tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau đó, anh chuyển vào TP. Hồ Chí Minh làm việc.

"Đam mê Steadicam là một trong những đam mê của tôi. Cá nhân tôi là một người có tính cách đào sâu tới tận cùng. Trước Steadicam tôi có đào sâu vào các thứ khác ví dụ như 2010 tôi đào sâu vào post production và hệ thống máy tính. Tôi tự đầu tư máy dựng đâm rất sâu để tìm hiểu. Tới 2014 tôi lại chuyển hướng sang Camera và cũng dành hết tiền kiếm được để mua máy quay." - Anh Tùng chia sẻ.

Anh hoạt động tự do và là tay máy cho các bộ phim tài liệu, thường xuyên cộng tác với các kênh đài quốc tế. Anh chia sẻ rằng môi trường làm việc quốc tế đã giúp anh trau dồi nhiều kinh nghiệm quý báu, học hỏi những cách làm phim mới và giao lưu với những đồng nghiệp tài năng trên thế giới. Tuy nhiên, anh nhận ra rằng mình muốn khám phá thêm những kỹ thuật quay phim mới, đặc biệt là Steadicam - thiết bị giúp tạo ra những cảnh quay mượt mà, chuyển động linh hoạt, mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời.

Trước khi quyết định sang Mỹ, Tùng đã dành thời gian tự mày mò, tìm hiểu thông tin về Steadicam ở Việt Nam. Tuy nhiên, những thông tin anh có được không nhiều và chưa đủ để anh có thể tự tin sử dụng thiết bị này một cách chuyên nghiệp. Chính vì vậy, năm 2017, anh quyết định đầu tư cho một khóa học Steadicam đạt tiêu chuẩn quốc tế tại hãng Steadicam/TIFFEN.

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 2.

Lê Thanh Tùng cùng các nhà quay phim đến từ khắp nơi trên thế giới tham gia khóa học Stedicam. (ảnh nhân vật cung cấp)

"Khóa học Steadicam của Tiffen tôi tham gia là khóa GOLD là khóa học cao nhất. Chúng tôi học 6 ngày liên tục, mỗi ngày học từ 9h sáng tới 9h tối và chúng tôi được thêm hai tiếng để thực hành tự do. 11 giờ đêm sẽ đóng kho thiết bị. Nghe chừng sáu ngày học thực sự là ngắn ngủi nhưng mỗi ngày chúng tôi được thực hành và chỉnh sửa liên tục từ các giáo viên siêu nghiêm khắc trong 14 tiếng liên tục. Mỗi bài tập chúng tôi sẽ chia làm các nhóm gồm bốn người, ai là người op thì một người sẽ phải làm dẫn đường (spotter) và hai người còn lại sẽ đóng vai trò diễn viên. Mỗi bài tập sẽ kéo dài trong một tiếng nên trung bình mỗi ngày chúng tôi trải qua khoảng 8 bài tập, hai tiếng học lý thuyết, hai tiếng ăn trưa và tối và hai tiếng thực hành tự do sau bữa tối. Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên vào học chúng tôi còn rất khó khăn để mặc được áo giáp vào người vì các thầy không cho phép được giúp nhau. Cho tới ngày thứ 3 chúng tôi đã tự mặc giáp nhuần nhuyễn và nhanh gọn như những op chuyên nghiệp gần như không cần phải nhìn.

Trải nghiệm thú vị nhất trong khóa học có lẽ là ngày học với Crane. Chúng tôi được học cách bước lên và bước xuống với crane cao hơn 20 mét. Cảm giác đang từ trên cao sau đó hạ xuống mặt đất và tiếp tục bám theo nhân vật thực sự thú vị. Cho tới nay sau 7 năm làm việc tôi mới có được thêm hai lần sử dụng kỹ thuật này. Đây là một kỹ thuật cần phối hợp rất ăn ý và kỹ lưỡng với nhiều người nếu không sẽ xảy ra tai nạn ngay lập tức. Yếu tố an toàn cũng rất nghiêm ngặt nếu không có thể dẫn tới tai nạn chết người." - Anh Tùng chia sẻ.

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 3.

(ảnh nhân vật cung cấp)

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 4.

(ảnh nhân vật cung cấp)

"Vét sạch túi" để đầu tư cho đam mê

Để theo đuổi giấc mơ Steadicam, anh Tùng đã không ngần ngại đầu tư một số tiền lớn để sở hữu thiết bị này. Bộ Steadicam đầu tiên của anh là đồ cũ, nhưng vẫn có giá trị lên tới gần 36.000 USD. "Tôi đã phải vét hết toàn bộ tiền mình có, và thậm chí phải thuyết trình một bản kế hoạch đầu tư và trả nợ với bố tôi để vay thêm tiền", anh Tùng cười chia sẻ. Sau 7 năm làm việc, anh đã nâng cấp một số bộ phận và phụ kiện, tốn thêm khoảng 22.000 USD. Như vậy, tổng số tiền anh Tùng đầu tư cho Steadicam lên đến gần 58.000 USD, một con số không hề nhỏ.

Sự quyết tâm và đầu tư nghiêm túc này đã giúp anh Tùng trở thành Steadicam Operator đầu tiên ở Việt Nam sở hữu cả kiến thức và thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao tiêu chuẩn nghề nghiệp trong nước.

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 5.

(ảnh nhân vật cung cấp)

Thử thách tôi luyện nên "vũ công" tài năng

Sau khi học từ Mỹ và mua thiết bị cho riêng mình vào năm 2017, sự việc này cũng được truyền miệng trong ngành rất nhiều. Ngay khi có thiết bị, đã có những producer nhắn tin và gọi cho anh Tùng để book công việc. Tuy nhiên, anh đã từ chối vì anh ý thức rất rõ là việc học mới dừng lại ở kiến thức, để thực hành được cần phải trải qua một giai đoạn tập luyện mới xây dựng được kỹ năng. Anh Tùng và trợ lý của mình đã dành hơn 7 tháng tập tại hầm xe và rooftop của chung cư nơi anh ở để nhuần nhuyễn kỹ năng đã được học. Và vào tháng 2 năm 2018, anh đã nhận dự án đầu tiên là dự án quảng cáo cho hãng công nghệ UBER. Sau đó, khi sản phẩm ra mắt thị trường đã ghi nhận và các dự án tiếp tục mời anh tham gia rất nhiều. Thời điểm năm 2018 và 2019 việc sử dụng Steadicam thực sự phổ biến.

Anh Tùng bắt đầu sự nghiệp Steadicam Operator tại Việt Nam với hành trang là kiến thức vững vàng và sự khổ luyện không ngừng nghỉ. Anh đã tham gia nhiều dự án phim, từ phim ngắn, phim tài liệu đến phim truyền hình và phim chiếu rạp. "Mỗi dự án đều mang đến cho tôi những trải nghiệm và bài học quý giá", anh Tùng cho biết. "Tôi học được cách làm việc chuyên nghiệp, cách ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống, và quan trọng nhất là cách kể chuyện bằng hình ảnh thông qua chuyển động của máy quay."

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 6.

(ảnh nhân vật cung cấp)

Vượt qua thử thách, khẳng định bản thân

Nghề Steadicam Operator đòi hỏi nhiều yếu tố: thể lực, kỹ thuật, sự tập trung cao độ và khả năng làm việc nhóm. "Mỗi cảnh quay là một thử thách khác nhau. Có khi phải di chuyển trên địa hình gồ ghề, có khi phải quay trong thời gian dài, đòi hỏi sức bền và sự kiên nhẫn", anh nói.

Tuy nhiên, chính những thử thách đó đã giúp anh trưởng thành hơn trong nghề. Anh tự hào vì đã góp phần tạo nên những thước phim ấn tượng, được khán giả yêu thích. "Tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, học hỏi những kỹ thuật mới để có thể đóng góp nhiều hơn cho nền điện ảnh Việt Nam", anh Tùng chia sẻ.

Steadicam sau 7 năm đã trở thành một thiết bị tiêu chuẩn và được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Cho tới hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 6 Steadicam operator chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng và thiết bị đủ tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra vẫn tiếp nối có những bạn trẻ đang mong muốn được trở thành Steadicam op chuyên nghiệp. Thị trường phim chiếu rạp đã và đang sử dụng Steadicam tự tin và nhiều hơn so với trước đây. Anh Tùng vừa kết thúc một dự án điện ảnh với đạo diễn Victor Vũ với số ngày sử dụng Steadicam lên tới 18 ngày. Và chính đạo diễn cũng nhận định là công cụ này đã giúp rất nhiều cho việc kể chuyện của đạo diễn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã bắt kịp thế giới khi đã có Trinity – một sản phẩm lai giữa Steadicam truyền thống và gimbal. Rõ ràng công việc này đang tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ.

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 7.

(ảnh nhân vật cung cấp)

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 8.

(ảnh nhân vật cung cấp)

Ứng dụng của Steadicam trong thực tế sản xuất phim

Steadicam là một thiết bị hỗ trợ đắc lực cho các nhà làm phim, giúp tạo ra những thước phim ấn tượng và truyền tải cảm xúc đến người xem một cách hiệu quả. Dưới đây là một số ứng dụng phổ biến của Steadicam trong thực tế sản xuất phim:

Tạo ra những cảnh quay mượt mà, linh hoạt: Steadicam cho phép người quay di chuyển một cách trơn tru, mềm mại trong nhiều không gian khác nhau, tạo ra những cú máy dài, theo sát diễn viên hoặc đối tượng một cách tự nhiên. Điều này giúp người xem cảm nhận được không gian và cảm xúc của cảnh quay một cách chân thực nhất. Ứng dụng trong nhiều địa hình: Steadicam có thể di chuyển linh hoạt trên nhiều địa hình khác nhau, từ đường phố đông đúc, cầu thang hẹp, bãi biển rộng lớn đến những vùng núi non hiểm trở. Điều này giúp các nhà làm phim có thể quay được những cảnh quay độc đáo và ấn tượng mà không bị giới hạn bởi địa hình. Tiết kiệm thời gian và công sức: So với các thiết bị quay phim truyền thống như dolly hay crane, Steadicam có thể được thiết lập và vận hành nhanh chóng hơn, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho đoàn làm phim. Thay thế dolly trong những địa hình phức tạp: Steadicam có thể di chuyển qua những địa hình khó khăn, gồ ghề mà dolly không thể tiếp cận được, giúp các nhà làm phim có thể thực hiện những ý tưởng quay phim sáng tạo mà không bị giới hạn bởi thiết bị.

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 9.

Lê Thanh Tùng hướng dẫn các bạn quay phim thực hành Steadicam. (ảnh nhân vật cung cấp)

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 10.

Lớp workshop về Stedicam với sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. (ảnh nhân vật cung cấp)

Chia sẻ kiến thức và đam mê với những quay phim đam mê Steadicam

Không chỉ dừng lại ở việc tham gia các dự án phim, anh Tùng còn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho những người yêu thích Steadicam. Anh đã mở các lớp workshop về Steadicam, mời cả những chuyên gia nước ngoài về Việt Nam để giảng dạy. "Tôi muốn xây dựng một cộng đồng Steadicam Operator chuyên nghiệp tại Việt Nam", anh Tùng nói. "Tôi tin rằng với niềm đam mê và sự nỗ lực, các bạn trẻ hoàn toàn có thể chinh phục nghề Steadicam và vươn tầm quốc tế."

Steadicam operator - Người khiêu vũ cùng máy quay - Ảnh 11.

(ảnh nhân vật cung cấp)

Ước mơ đưa Steadicam Việt Nam vươn ra thế giới

"Vươn tới quốc tế là mục tiêu lớn nhất tôi đặt ra hiện tại. Công dân toàn cầu có thể là một khái niệm đã gắn liền với tôi từ khi bắt đầu đi làm. Tôi luôn muốn được làm việc và cống hiến ở nhiều môi trường khác nhau. Tôi đã từng thành công trong thị trường phim tài liệu và hiện tại tôi mong muốn được đi khắp các nước để có thể tham gia vào nhiều dự án ở tiêu chuẩn quốc tế. Tôi đã và đang xây dựng network của mình tại Bankok, Jakarta và Singapore.

Phát triển Steadicam ở Vietnam có thể được coi rằng thành công nhất định. Thị trường quảng cáo cũng như phim chiếu rạp đã rất quen thuộc với công việc này. Bởi vậy Steadicam có tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa hay không đều nằm ở sự mạnh dạn của giám đốc sản xuất và đạo diễn. Còn cá nhân tôi cảm thấy tôi không thể làm gì hơn nữa."

Bằng việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và theo đuổi những thử thách mới, Lê Thanh Tùng không chỉ góp phần ươm mầm cho những tài năng trẻ của điện ảnh Việt Nam mà còn mang Steadicam Việt Nam vươn ra thế giới. Anh là minh chứng cho tinh thần cầu thị, dám nghĩ dám làm, là nguồn cảm hứng cho những ai đam mê nghệ thuật thứ bảy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước