Trong những ngày cuối đời của anh trai, chú Thụy đã hỏi anh mình rằng ông có muốn thay đổi lại bản di chúc hay không? Chính chú Thụy cũng cảm thấy sốc với sự thẳng tay của anh trai dành cho người cháu trai của mình. Trên thực tế, cả hai anh em chú Thụy đều hiểu Nguyên sẽ sốc như thế nào khi nghe bản di chúc - cậu sẽ chẳng nhận được 1 xu nào ngoài cái thư viện cộng đồng không được sử dụng bất cứ hoạt động kinh doanh hay mua bán nào.
Và Nguyên đã rất sốc, sốc đến đờ đẫn người. Nguyên cũng ngay lập tức thay đổi thái độ với chú Thụy - người được bố cậu cho thừa hưởng tới 20% khối tài sản của ông. Ngoài khối tài sản, chú Thụy được sở hữu ngôi nhà gia đình Nguyên đang ở và quản lý tất cả những thứ Nguyên tưởng thuộc về mình.
Một trong những động thái đầu tiên khi bản di chúc đi vào hoạt động là chú Thụy khóa thẻ ngân hàng của Nguyên và tiếp đó, yêu cầu Nguyên trả chiếc xe ô tô bố cậu tặng cậu. Chú Thụy thẳng thừng nói muốn đi xe thì phải xin phép.
Các cuộc đối thoại giữa Nguyên và chú Thụy ngày càng trở nên khó chịu. Chú Thụy thậm chi nhắc nhở Nguyên cả thái độ, quy tắc ứng xử...
Chú Thụy dường như không ngại đối đầu với Nguyên, nắn Nguyên từng thứ một. Khi Nguyên tức tối về nhà, đập chiếc chìa khóa ô tô xuống mặt bàn trước mặt chú Thụy với sự hằn học rồi quay lưng bỏ đi, chú Thụy nắn ngay: "Mượn đồ người khác, khi trả phải biết nói lời cảm ơn chứ".
Trước đó, vào buổi sáng, chú Thụy còn nhắc nhở Nguyên việc trước khi ăn phải biết mở miệng mời người lớn trong nhà.
'Mất tiền ăn học ngần ấy năm, không biết hành xử như thế nào cho phải phép à?'.
Chú Thụy nhắc nhở Nguyên.
Sẵn sự phản kháng trong người, Nguyên đáp trả rằng mình biết tất cả những nguyên tắc ấy "nhưng không muốn làm".
"Sao phải hành xử phải phép với người mà mình không tôn trọng"? - Nguyên đáp lại một cách bất kính, tỏ rõ thái độ không hài lòng của mình đối với chú Thụy. Trên thực tế, sự thau đổi thái độ này của Nguyên mới chính thức bắt đầu sau khi bản di chúc được công bố.
Nhưng chú Thụy không bất ngờ về tất cả những diễn biến tâm lý ấy của Nguyên. Chú và anh trai mình đã lường trước hết nên anh trai chú đã nói chú không được mềm lòng với Nguyên, phải nghiêm khắc với Nguyên, nếu mềm lòng là hỏng chuyện.
Mà với một đứa trẻ quen được chiều chuộng như Nguyên, chuyện không được hưởng xu nào từ khối tài sản kếch xù của bố thì sốc là chuyện đương nhiên.
'Người có lòng tự trọng là không dùng, không tiêu tiền của người khác'.
Chú Thụy tiếp tục dạy dỗ Nguyên.
Chú Thụy sau đó còn nhấn mạnh thêm vào vết thương mới mẻ của Nguyên khi khéo léo nhắc Nguyên về lòng tự trọng bằng câu hỏi cậu có lòng tự trọng không và khẳng định mình là người đang nắm quyền với câu nói "cháu đang ở nhà chú, đi xe của chú, tiêu tiền của chú đấy". Câu nhắc nhở của chú Thụy thêm một lần nữa kích động Nguyên.
Tuy nhiên, chú Thụy cũng thừa hiểu với một đứa trẻ như Nguyên thì cũng không nên già néo mà đứt dây. Nên sau khi nhắc nhở Nguyên, chú yêu cầu một cuộc nói chuyện giữa cả hai.
"Là chú của cháu, chú rất thương cháu" - chú Thụy mở đầu cuộc nói chuyện nghiêm túc với Nguyên - "Cháu mất mẹ sớm giờ lại mất bố, nhưng là em trai của bố cháu, chú trách cháu".
"Cháu đã làm anh trai chú chết mà chẳng được yên lòng".
Nguyên nghe chú nói thì lập tức căn vặn rằng bản di chúc được bố cậu lâp cách đây 2 tháng, hẳn là chú Thụy cũng là người biết về việc lập bản di chúc ấy. Đáp lại câu trả lời, chú Thụy nói khi bố Nguyên phát hiện ra bệnh thì việc đầu tiên bố Nguyên làm là gọi điện cho cậu.
"Gọi rất nhiều lần mà không được".
Theo chú Thụy, sau khi gọi cho Nguyên mãi không được, bố cậu mới liên hệ với chú và chú đã phải tức tốc bay ra Hà Nội.
Khi nghe chú Thụy nói, Nguyên mới bối rối nói rằng "hôm đấy cháu đi săn cực quang, cháu bị mất sóng mấy ngày". Câu trả lời đầy tính bao biện của Nguyên thì chú Thụy cũng đã nghe rồi. Rồi Nguyên nói thêm rằng vì nghĩ bố lại gọi trách mắng, yêu cầu mình về Việt Nam nên cậu cũng không gọi lại.
"Nhưng chú đã gửi kết quả khám bệnh của bố cháu cho cháu trước cả tuần rồi cơ mà" - chú Thụy không buông tha, không để Nguyên lươn lẹo lý do với mình. Nhưng Nguyên vẫn tiếp tục bao biện cho sự thiếu quan tâm của mình với bố khi nói lý do bị mất hộ chiếu, "mất 5 ngày mới giải quyết xong".
"Cháu không nghĩ bố cháu lại đi nhanh như vậy" - Nguyên nghẹn ngào.
"Lần cuối cùng chứng kiến bố con cháu nói chuyện với nhau. Lúc đó bố cháu bật loa ngoài...".
Kế đó, chú Thụy kể lại việc ông đã vô tình nghe được cuộc điện thoại giữa Nguyên với bố. Trong cuộc nói chuyện đó, bố Nguyên than phiền Nguyên bê trễ học hành dẫn đến việc bao nhiêu năm không lấy nổi cái bằng. Trong cuộc nói chuyện đó, bố Nguyên tuyên bố: "Bố kiếm tiền không phải để cho con ném qua cửa sổ hết lần này đến lần khác bằng cái trò khởi nghiệp vớ vẩn ấy được. Con về ngay đi!".
Đáp lại, Nguyên nói với bố mình: "Con không về. Con lớn rồi. Bố đừng sắp đặt cuộc đời con mãi nữa".
"Lớn rồi thì con đã tự tay kiếm được tiền để tiêu chưa? Hay là vẫn phải ngửa tay để xin tiền bố?" - bố Nguyên hỏi - "Thử hỏi nếu bố không chu cấp thì con sống bằng cái gì?".
"Sống bằng gì kệ con, bố đừng quan tâm!" - Nguyên lạnh lùng đáp trả đúng kiểu một đứa trẻ bất cần, được nuông chiều.
Nghe Nguyên nói thế, bố Nguyên không muốn tiếp tục cuộc xung đột quen thuộc của hai bố con - những xung đột không bao giờ kết thúc. Nên ông dịu giọng nói không muốn tranh luận nữa, chỉ muốn nói với Nguyên rằng tình hình sức khỏe của ông không tốt và muốn Nguyên về Việt Nam sớm. Nhưng Nguyên từ chối với lý do vừa mở nhà hàng và lại tiếp tục cái câu nói bố đang kiểm soát mình và đến khi nào ông mới dừng lại thói quen ấy?
'Đến khi nào con hiểu thế nào là trách nhiệm, là trưởng thành thì bố sẽ dừng lại'.
Bố Nguyên trả lời câu hỏi của Nguyên.
"Nếu bố vẫn muốn kiểm soát và áp đặt con thì bố hãy coi như không có con đi. Thế cho nó nhanh" - Nguyên nói, vẫn giọng bất chấp.
Câu nói của Nguyên như giọt nước làm tràn ly và vượt quá sự chịu đựng của bố cậu. Ông tuyên bố: "Được. Vậy từ nay con đừng hòng nhận được bất cứ đồng nào từ bố!".
Và cũng từ cuộc điện thoại đó, bố Nguyên không còn gọi cho cậu nữa. Cũng từ cuộc điện thoại đó, ông cho gọi luật sư đến làm bản di chúc. Nhưng Nguyên vẫn không hề biết điều, không hề hối lỗi khi nghe chú Thụy kêt chuyện đó, vẫn đầy trách móc và nghĩ bản thân mình là cao nhất. Nguyên dỗi vì bố đã trao hết tài sản cho xã hội, cho chú mình, cho nhân tình của bố...
"Còn thằng con trai duy nhất chẳng được 1 đồng nào cả".
Những chặng đường bụi bặm - Tập 2: Trong khi bố ốm, con trai mải đi săn cực quang
Nguyên sau đó còn nói thêm rằng sau khi bản di chúc được công bố, với việc không nhận được 1 xu, điều quan trọng cậu nhận ra là hóa ra tình cảm của bố dành cho mình không hề tồn tại. Câu nói của Nguyên khiến chú Thụy choáng. Hóa ra với Nguyên, không để lại tài sản là đồng nghĩ với không yêu thương.
"Tiền bạc không phải là tình yêu nhưng cũng là biểu hiện của tình yêu mà" - Nguyên tuyên bố.
Tập 3 phim "Những chặng đường bụi bặm" sẽ được phát sóng vào ngày 27/2 trên kênh VTV3. Các bạn chú ý theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!