'Tôi không chỉ nhớ ngày đầu của mình với VTV3 mà còn cả trước khi VTV3 ra đời nữa'.
Nhà báo Lại Văn Sâm.
Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Thời báo VTV với nhà báo Lại Văn Sâm diễn ra vài ngày trước khi kênh VTV3 kỷ niệm sinh nhật lần thứ 29 của mình. Lúc đó, nguyên Trưởng Ban Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế (tiền thân của Ban Văn hóa – Giải trí hiện nay) quay trở lại VTV để thực hiện bộ ảnh kỷ niệm với những đồng nghiệp cũ của mình nhân sinh nhật kênh VTV3 29 tuổi.
Nhà báo Lại Văn Sâm vui vẻ và hồ hởi khi gặp lại từng gương mặt đã cùng ông sát cánh trong suốt những năm tháng của ông với kênh sóng này...
Trước 10h sáng ngày 31 tháng 3 năm 1996...
Hồi đấy, tôi đang làm ở chương trình VKT của Ban Chuyên đề thì nhà báo Trần Đăng Tuấn bảo tôi có 2 lựa chọn, một là vẫn ở lại phòng VKT thì có khả năng sắp tới sẽ bổ nhiệm lên làm Phó Trưởng ban Chuyên đề và lựa chọn 2 là làm một kênh mới. Anh Tuấn nói thẳng là kênh mới thì không có chức vụ gì, chỉ làm nghề thôi. Thế là tôi nói ngay: "Vậy chắc ông biết tôi trả lời thế nào rồi".
Thế là tôi sang làm kênh mới, kênh VTV3. Lúc đấy là vào khoảng năm 1995, tôi nghĩ chuyển sang một kênh mới thì chắc chắn kênh đó là một kênh giải trí. Và để làm cái mới mình phải rời bỏ chương trình VKT. Bạn không biết chứ VKT hồi đó nổi lắm. Chương trình bắt đầu ra đời vào năm 1989 mà cho đến năm 1995, lúc đó là 6 năm rồi, và khi đó các thành viên cũ ban đầu đã đi hết rồi, còn mỗi mình tôi là người đầu tiên của VKT còn ở lại. Những người trước đó như nhà báo Trần Bình Minh, Trần Đăng Tuấn, Trần Tiến Đức... đều đã rời đi hết.
Thế là tôi đã tổ chức một đêm gọi là đêm VKT3. Tôi mời tất cả những người đã từng tham gia chương trình VKT đến. Tôi đã tổ chức một chương trình chia tay và trong đêm chia tay ấy tôi tuyên bố chúng tôi sẽ chuyển sang làm một chương trình mới. Khán giả lúc đấy đang thích VKT lắm nên hầu hết họ phản ứng, không đồng ý, thậm chí rất bức xúc và tức giận vì chúng tôi lại đóng cửa một chương trình đang hot như thế. Và tôi nói: "Cho dù chúng tôi có làm ở đâu đi nữa thì chúng tôi xin hứa với tất cả mọi người là tinh thần của VKT vẫn sẽ mãi mãi còn đấy". Và tôi đã giữ lời hứa, 30 năm tôi ở VTV3 thì tinh thần của VKT vẫn còn.
Thực tế, khi quyết định thành lập kênh mới, chúng tôi vẫn chưa có hình dung cụ thể nào về một kênh giải trí đâu. Đến khoảng giữa năm 1995 thì nhà báo Trần Đăng Tuấn gọi điện cho tôi, lúc đó tôi đang bị ốm, đang bị thoát vị đĩa đệm và đã nằm ở nhà 1 tháng rồi. Ông Tuấn hỏi tôi sắp khỏi chưa và nói thẳng: "Tôi rất cần ông phải khỏi thật nhanh. Tôi cần ông sang Pháp để mang một trò chơi ở bên đó về".
Và tôi nói thế thì tôi khỏi rồi (cười). Và tôi đi Pháp trong tình trạng vẫn đau lưng. Và chuyến đi ấy chính là đi mua chương trình Trò chơi liên tỉnh. Mình phải đi mua vì lúc đó trên VTV3 chưa có chương trình nào mình sản xuất hết. Thời điểm ấy tôi đang triển khai dự án SV96. Vì mình ra một kênh mới thì phải có một cái gì đó mới. Lúc đó tôi đi các trường Đại học, trao đổi với các trường và đưa cho họ format của SV và mời họ chơi. Cùng lúc đó là sang Pháp mua chương trình Trò chơi liên tỉnh.
Khi VTV3 ra đời chúng tôi chỉ có 2 chương trình là sản xuất thôi. Một là Trò chơi liên tỉnh - mình không sản xuất được mà Pháp sản xuất. Chuương trình này tôi là MC, biên tập và chịu trách nhiệm sản xuất luôn. Và chương trình thứ 2 chính là SV - là chương trình mà mình tự sản xuất.
Đấy chính là những ngày đầu tiên của VTV3.
Và anh có nhớ buổi phát sóng đầu tiên của kênh VTV3 đã diễn ra như thế nào không?
- Tôi nhớ trước ngày 31/3, vào tối 30/3, tôi vẫn còn ở ĐH Sư phạm Vinh để tổng duyệt chương trình SV ở Nghệ An. Lúc đó, ngoài Hà Nội gọi điện vào nói sáng mai, 10h sáng 31/3 sẽ lên sóng, và yêu cầu tôi phải ra ngay để lên sóng chương trình đầu tiên.
Đêm đấy, tôi đi tàu từ Nghệ An ra Hà Nội và khoảng 6h sáng tôi ra đến Hà Nội. Lúc đó tôi rất mệt vì cả đêm trên tàu không ngủ được nên tôi đã gọi điện cho nhà báo Nguyên Hạnh nói cô ấy phải dẫn một mình thôi vì tôi mệt quá và phải về nhà ngủ.
Tôi về nhà, nằm được khoảng 2 tiếng đồng hồ thì lại có điện thoại gọi, bảo "lên 1 tí thôi để xuất hiện trong chương trình đầu tiên dẫn". Thế là dậy, mắt nhắm mắt mở, không có sự chuẩn bị nào cả phi thẳng lên Đài. May mà nhà tôi gần Đài.
10h lên sóng thì khoảng 10h kém 15 tôi mới đến. Trao đổi nhanh với chị Nguyên Hạnh xong là chúng tôi lên sóng. Đấy là khoảnh khắc đầu tiên, chỉ dẫn mấy câu thôi, trong trạng thái như thế. Sau đó chúng tôi nổ sâm panh với nhau, ăn mừng.
Cái cảm xúc của anh về buổi lên sóng đầu tiên ấy ấn tượng như thế nào? Vì nghe anh kể ở trên là thấy đó là một buổi sáng có vẻ... rối loạn?
'Bây giờ nhìn lại mới thấy mình liều. Nhưng hồi đấy không biết là mình liều'.
Nhà báo Lại Văn Sâm.
- Lúc đấy, mình chỉ biết là hôm nay chương trình đầu tiên của kênh lên sóng và hồi đấy hầu như không có gì để phát hết, chủ yếu là đi khai thác. Khi tôi làm VKT thì đi khai thác trên đài Hoa Sen. Nhưng kênh mới thì phải khai thác các nơi. Lúc đó, chúng tôi lên sóng một kênh mà mình chưa có định hình rõ ràng, chưa có nhiều nguyên liệu, chưa có gì để phát sóng. Bình thường, mình phát sóng mình phải biết có gì để phát, còn đây là mình hoàn toàn bị động và thực sự là ăn đong từng ngày, từng ngày.
Chúng tôi lấy cả tư liệu của các đồng nghiệp để làm sao có chất liệu lên sóng.
Hồi đấy, chúng tôi chỉ chuẩn bị tương đối bài bản là về kỹ thuật thôi. Còn về nội dung thì chúng tôi cứ ăn đong từng ngày, từng tuần. Về sau nó cứ dần đầy lên chứ thời điểm đầu thì vất vả lắm.
Cái gì cũng có 2 mặt, trong cái khó khăn có thể khiến mình sáng tạo hơn, áp lực thúc đẩy mình hơn. Anh có nghĩ đó là trường hợp của VTV3 thời điểm ấy không?
- Đúng. Bây giờ nhìn lại mới thấy mình liều. Nhưng hồi đấy không biết là mình liều. Chỉ háo hức là có cái mới, ra cái mới, cón cái mới ấy là gì, ra cái gì thì lại chạy. (cười)
Ngày đấy kênh VTV3 chỉ có độ 10 người thôi và mọi người chia nội dung ra để làm. Mỗi người một mảng và việc của ai người ấy chạy. Lúc ấy hoàn toàn là con người của công việc. Tôi nhớ lúc đó không có đêm nào mà tôi về nhà trước 2 giờ sáng. Làm xong là anh em lại ngồi nói chuyện, rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho những cái sau.
Hồi đấy không ai nghĩ mình làm cái này để làm gì đâu, hay làm để có tiền đâu.
Vậy vào thời điểm kênh VTV3 bùng nổ, thành công và sự chú ý mà kênh sóng đạt được có nằm trong hình dung của anh và mọi người không?
- Không. Thật sự lúc mới đầu làm không ai nghĩ nó bùng lên như thế, được đón nhận như thế.
Tôi nhớ sau này có nhiều đồng nghiệp những nơi khác họ đến họ hỏi thì tôi chỉ thấy là mình đã rút ra được một điều, khi đã nói ra một cái gì đó mới thì nó phải có cái mới. Cái mới làm nên kênh VTV3 chính là 2 chương trình Trò chơi liên tỉnh và SV96. Hai cái đấy nó mới mà truyền hình hồi ấy không có, chưa và không có kênh truyền hình nào lúc ấy có cả. Vì thế, nó được đón nhận ngay lập tức.
Sau này thì phát triển lên, mình đi mua bản quyền của các chương trình của nước ngoài. Thì những cái ấy lúc ấy nó mới với người Việt Nam.
'Lúc đó phương tiện không như bây giờ, như bây giờ thì chúng tôi chết ngay'.
Nhà báo Lại Văn Sâm.
Nếu nó mà như bây giờ thì chúng tôi chết, vì không còn gì là mới nữa. Lúc đó chỉ có truyền hình thôi và người ta chỉ có xem truyền hình thôi, không có Youtube... các thứ. Cho nên tôi mới nói với các bạn trẻ rằng ngày xưa chúng tôi làm nó khó khăn về mặt vật chất, thiếu thốn các thứ nhưng lại có lợi thế rất lớn đó là lúc đó truyền hình là nhất, là số 1. Nhiều khi người ta không muốn xem người ta vẫn phải xem vì chẳng có lựa chọn nào khác cả.
Bây giờ ra một kênh mới khó hơn thời của chúng tôi. Vì bây giờ có gì mới nữa đâu? Bây giờ người ta ít xem truyền hình, thậm chí hầu như không xem truyền hình.
Nên tính thời điểm cũng rất quan trọng, phải không anh?
- Đúng vậy! Nhiều người hay hỏi tôi về bí quyết của thành công, tôi nói với họ thế này, ai đó nói may mắn chiếm đến 70 - 80% nhưng tôi cho là yếu tố may mắn nó chiếm tới hơn 90% trong mọi sự thành công.
Ví dụ như với cá nhân tôi, tôi không biết gì về truyền hình, tôi không học về truyền hình và tôi chỉ bắt chước người ta mà làm thế thôi. Là bởi vì tôi may mắn, may mắn là bởi tôi đã làm truyền hình vào cái thời ấy. Như các bạn bây giờ, khi làm một chương trình, các bạn tính làm trong 10', 15', 30' đã là nhiều rồi. Mà hồi đó, tôi nhớ, anh Trần Đăng Tuấn nói với tôi: "Anh làm cho tôi một chương trình 3 tiếng đi!". Vì lúc đó chúng tôi không có gì để phát cả. Tôi bảo làm sao mà làm được 3 tiếng nhưng tôi cũng đã cố gắng kéo dài. Một chương trình SV hồi đó là 110', gần 2 tiếng đồng hồ. Gần 2 tiếng đồng hồ trên sóng mà khán giả vẫn đón nhận.
Bây giờ các bạn làm truyền hình áp lực nhiều - thời lượng, kỹ xảo... Chứ hồi đó chúng tôi cứ có cái gì lên sóng là đưa lên thôi. (cười)
Nên tôi mới nói tôi may, may nhiều hơn là khôn.
Anh nói một chút về cuộc sống của anh những năm qua đi, sau khi nghỉ hưu và rời xa truyền hình?
- Tôi mê bóng đá nên bây giờ mới có thời gian để xem bóng đá, xem phim... trên các nền tảng. Chứ ngày xưa là dành cho truyền hình, vì nó cũng là nghĩa vụ của mình.
Quan điểm của tôi rất rõ ràng - "đời cua cua máy, đời cáy cáy đào". Bây giờ công việc là của các bạn và các bạn quyết định tất cả những gì các bạn làm. Tất nhiên mình vẫn theo dõi báo chí nhưng không theo dõi được từng chương trình của các bạn. Nhưng mình biết các bạn đang phát triển theo cách mà mình mong muốn.
Với anh, con số 29 năm tuổi của VTV3, với một người đã gắn bó với kênh này sâu sắc như anh, thì nó nói lên điều gì?
- Sang năm sẽ là 30 năm. Mà các cụ mình vẫn nói "tam thập nhi lập" ấy. 30 tuổi là người ta chín chắn, trưởng thành và tôi tin VTV3 đúng như thế thật. Bây giờ VTV3 đã là một kênh chững chạc, khẳng định được vị thế của mình và đó là điều không phải bàn cãi nữa. Tất nhiên, sức ảnh hưởng của VTV3 không còn như ngày xưa vì bây giờ có nhiều nền tảng khác để khán giả xem. Nhưng mà, nói gì thì nói, VTV3 vẫn là một kênh truyền hình chững chạc đúng như kỳ vọng của những người đã xây dựng nó từ ban đầu.
Tôi nghĩ VTV3 xứng đáng là một kênh truyền hình quốc gia đáng tin cậy, đáng chờ đợi.
VTV3 có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của anh?
- Tôi tiếp xúc với truyền hình vào năm 1988 nhưng chính thức làm truyền hình, có biên chế là năm 1989 và với VTV3, tôi gắn bó với nó từ những ngày đầu tiên cho đến khi nghỉ hưu. VTV nói chung và VTV3 nói riêng nó đã làm nên tôi - một con người như mọi người thấy - và thay đổi hoàn toàn số phận và cuộc đời tôi. Trước đó, không bao giờ tôi nghĩ mình trở thành một người dẫn chương trình và làm tất cả những việc tôi làm trong nhiều thập kỷ qua với truyền hình. Mình làm gì có quyền mơ điều đó, thế mà cuối cùng mình lại làm nó
Nhưng, dù có khiêm tốn đến mấy, tôi cũng phải nói là tôi đã cố gắng rất nhiều, đã nỗ lực rất nhiều - từ những ngày đầu tiên không biết gì về truyền hình, mình cứ mò mẫm, mò mẫm - từ một biên tập viên chuyên dịch các bản tin thể thao, rồi bình luận bóng đá... Tất cả mọi thứ mình đều phải cố gắng rất nhiều.
'Số phận đã quyết định mọi thứ, số phận đã đưa tôi đến với truyền hình. Và tôi thật lòng cảm ơn. Không có truyền hình thì sẽ không có tôi của ngày hôm nay. Tôi đã nắm bắt được cơ hội mà số phận mang đến cho mình và cố gắng không phí hoài cơ hội ấy - để trở thành một người, có thể nói, là thành đạt'.
Nhà báo Lại Văn Sâm.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!