Trận động đất kinh hoàng tại Myanmar đã để lại những con số khiến cả thế giới bàng hoàng. Trong thời khắc khó khăn nhất, tình người và sự sẻ chia trở nên thiêng liêng, quý giá hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là điều mà những cán bộ chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam gửi tới nước bạn Myanmar. Trở về sau chuyến cứu hộ, các chiến sĩ đã kể lại hành trình 9 ngày thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Ngày 30/3/2025, 106 cán bộ chiến sĩ của lực lượng cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng và Bộ Công An lên đường tham gia cứu trợ và khắc phục hậu quả của trận động đất gây thiệt hại nặng nề tại Myanmar. Trong 9 ngày thực hiện công tác cứu hộ, đoàn Việt Nam đã cứu và tìm kiếm được nhiều nạn nhân nhất, có nhiều hoạt động hỗ trợ nhất tại Myanma, với 21 thi thể được phát hiện, giải cứu thành công một nạn nhân đang mắc kẹt, ủng hộ hàng chục tấn trang bị, máy nổ, lương thực thực phẩm thuốc y tế và trang bị vật dụng khác. Những chiến sĩ thầm lặng không chỉ mang theo chuyên môn trang thiết bị mà còn mang theo cả trái tim của một dân tộc luôn sẵn sàng chia sẻ, sát cánh cùng bạn bè quốc tế trong những thời khắc khó khăn nhất.
Chia sẻ về chuyến cứu hộ đặc biệt này, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an kể lại: “Khi nhận nhiệm vụ lên đường sang Myanma, 26 cán bộ chiến sĩ và hai chó nghiệp vụ ở trong tâm trạng rất hăng hái, bởi vì cũng đã có kinh nghiệm một phần nào đó khi thực hiện hoạt động cứu nạn hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, với phương châm là giúp bạn giúp mình, quyết tâm đến cuối cùng và đồng thời cần phải quán triệt nguyên tắc đảm bảo an toàn cán bộ chiến sĩ. Với cái tinh thần đó, chúng tôi lên đường thực hiện nhiệm vụ trong trạng thái rất thoải mái, rất sẵn sàng và quyết tâm cao”.
“Trong ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã đưa được một nạn nhân đầu tiên ra khỏi khu vực sụp đổ. Đó là nạn nhân đầu tiên của đoàn Việt Nam nói chung và đoàn Bộ Công an Việt Nam đưa ra. Khi đưa ra được nạn nhân đầu tiên cũng là sự vỡ òa của gia đình, cho dù là đau khổ nhưng họ giải tỏa được tâm lý, không thất vọng nữa. Lực lượng Bộ Công an Việt Nam đã giúp họ đưa được con ra khỏi khu vực sập, giúp được cho người dân và xây dựng hình ảnh công an nhân dân Việt Nam không lùi bước, sẵn sàng thực hiện cho dù nguy hiểm và đã tạo niềm tin không chỉ cho người dân mà ngay cả lực lượng cứu nạn cứu hộ có mặt tại đó”, đồng chí Nguyễn Minh Khương cho biết.
Bỏ qua những yếu tố khó khăn trong sinh hoạt, các thành viên đoàn cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khăn trong khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Những tòa nhà bị sụp đổ ở tầng 1, các tầng trên đè xuống dưới, có tòa nhà bị nghiêng, khoảng cách khe hở chỉ từ 30 - 50cm. Các chiến sĩ buộc phải vào trong hiện trường, đánh giá
tình hình thực tế, đưa ra phương án cứu hộ. “Mức độ nguy hiểm rất cao, nếu có nguy cơ sập thì chúng tôi phải bằng mọi cách gia cố, hạn chế nguy cơ sập. Hoặc nếu có rung chấn xảy ra thì thời gian để sập hiện trường cũng đủ giúp chúng tôi ra ngoài”, đồng chí Nguyễn Minh Khương hồi tưởng.
Đồng chí Nguyễn Minh Khương không thể quên hiện trường đưa hai mẹ con ra ngoài. Nạn nhân thứ nhất là người con, phải mất 6 tiếng để đưa được ra ngoài. Nạn nhân thứ hai mất gần 2 ngày mới có thể đưa ra ngoài được. “Khi đào tới vị trí cứu hộ, xà nhà đè vào chiếc giường, bài toán là phải giải quyết cấu kiện đó như thế nào để không có nguy sập đổ tiếp gây nguy hiểm cho cán bộ chiến sĩ và quan trọng hơn là thi thể người bị nạn còn nguyên vẹn. Không dưới 6 lần thống nhất phương án và cuối cùng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ” - đồng chí Nguyễn Minh Khương kể tiếp - “Lần này, sự cảm phục của các đồng chí cứu hộ cứu nạn của Myanmar với chúng tôi là tuyệt đối”.
Trong 9 ngày thực thi nhiệm vụ, cũng có những trường hợp cứu hộ khiến đồng chí Nguyễn Minh Khương cảm thấy tiếc nuối. Anh đã nghẹn ngào khi nói về điều đó: “Khi đưa được cháu bé ra ngoài, đồng đội của tôi nói là cơ thể của cháu bé vẫn mềm, chưa quá cứng, cháu mới mất đây thôi. Nếu như lực lượng đến trước đó cố gắng quyết tâm thì có lẽ cháu đã được cứu, hoặc chúng tôi có điều kiện thuận lợi để tới sớm thì có lẽ cũng đã cứu được”.
“Với nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn quốc tế lần này, các chiến sĩ Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh khi có nhiều đơn vị đến không làm được nhưng chúng ta đã làm được” - đồng chí Nguyễn Minh Khương nói tiếp - “Lực lượng vũ trang của Myanmar và các lực lượng quốc tế rất khâm phục Việt Nam. Họ để cho Việt Nam điều hành phương án ở hiện trường cuối cùng. Cũng như Thủ tướng Chính phủ nhận định, đây là hiện trường giúp chúng ta nâng cao trình độ, kỹ năng của chiến sĩ. Không có diễn tập nào bằng diễn tập tại ngay hiện trường thực tế, kỹ thuật và phương án nâng cao, sự phối kết hợp về chiến thuật, kỹ thuật nâng cao, sự đoàn kết trong nội bộ, đưa ra phương án và chỉ huy được nâng cao… Nhiệm vụ cũng thể hiện bản lĩnh và tinh thần con người Việt Nam kiên cường, bất khuất”.
Một lực lượng khác cũng đóng vai trò quan trọng trong chuyến cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar, đó chính là các chú chó cứu hộ. Myanmar là một đất nước có thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ban ngày khoảng 40 độ. Trong hiện trường ngổn ngang, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, các chú chó cứu hộ có hiện tượng mệt mỏi sau vài ngày thực hiện nhiệm vụ. Nguyên nhân một phần do thời tiết, một phần khác là do mùi của tử khí bốc lên quá nồng nặc.
“Với khả năng của chó nghiệp vụ và công tác huấn luyện thường xuyên hàng ngày của chúng tôi, dù ở mọi điều kiện khí hậu của thời tiết thì đều có thể hoàn thành nhiệm vụ”, Thượng tá Hoàng Đức Thân - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!