bangdatally.xyz - Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn sẽ bức tranh đan xen giữa quá khứ hào hùng và hiện tại, đem đến những hành trình xúc động về khát vọng thống nhất non sông.

Chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn là hành trình trở về với quá khứ hào hùng, nơi những chiến công rực rỡ và khát vọng hòa bình hòa quyện trong từng giai điệu và hình ảnh. Chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhằm lan tỏa ý nghĩa lớn lao của Đại thắng Mùa Xuân 1975, khơi dậy niềm tin, lý tưởng cách mạng, tiếp thêm nội lực cho hành trình hội nhập, hiện đại hóa hôm nay.

BA ĐIỂM CẦU GHI DẤU ẤN LỊCH SỬ

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn sẽ được thực hiện tại 3 điểm cầu, gồm: Công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (Quảng Trị) và công viên Bờ sông Sài Gòn, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Nói về sự lựa chọn này, nhà báo Bùi Thu Thủy - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Văn hóa – Giải trí, Đài THVN chia sẻ các nhóm sản xuất đã triển khai xây dựng kịch bản chương trình cầu truyền hình đồng thời khảo sát các địa điểm phù hợp, ý nghĩa làm các điểm cầu của chương trình.

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn: Bản giao hưởng cảm xúc quá khứ, hiện tại và tương lai - Ảnh 3.
Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn: Bản giao hưởng cảm xúc quá khứ, hiện tại và tương lai - Ảnh 4.

Hà Nội trong quá khứ mang trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn hai mươi năm, Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam, với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt", hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đến thắng lợi cuối cùng. Hà Nội cũng đã trải qua ngày đêm khói lửa (từ ngày 18/12 – 29/12/1972), trải qua cuộc ném bom rải thảm với khối lượng bom đạn khổng lồ tương đương sức công phá của 2 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) tháng 8/1945. Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã tạo bước ngoặt và đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Đảm nhận vai trò dẫn chương trình tại điểm cầu này là BTV Tuấn Dương và Hồng Nhung.

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn: Bản giao hưởng cảm xúc quá khứ, hiện tại và tương lai - Ảnh 5.

Sau 50 năm, giờ đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển ngoạn mục, vươn lên mang dáng dấp của một “siêu đô thị” hiện đại, trung tâm tài chính năng động bậc nhất Đông Nam Á. Từ một đô thị hậu chiến, thành phố Hồ Chí Minh trở thành đại đô thị hiện đại, dẫn đầu cả nước với những công trình biểu tượng, khu đô thị kiểu mẫu và hệ thống hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đảm nhận vai trò dẫn chương trình ở điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh là BTV Hoài Anh và BTV Đức Bảo.

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn: Bản giao hưởng cảm xúc quá khứ, hiện tại và tương lai - Ảnh 6.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị có vị trí hết sức đặc biệt. Quảng Trị là mảnh đất địa đầu, nơi ngăn chia hai miền Nam - Bắc, chia cắt đất nước ta từ sau Hiệp định Genève. Nhưng cũng từ chính nơi ấy, ý chí thống nhất dâng cao, bao nhiêu lớp chiến sĩ đã đi hết 20 năm để bước qua được cây cầu 200m, để non sông liền một dải. Đảm nhận vị trí dẫn tại điểm cầu Quảng Trị là hai BTV Trần Long và Phí Linh.

“Ba điểm cầu Hà Nội, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành những nhân chứng sống động, kết nối quá khứ và hiện tại trong một không gian nghệ thuật hoành tráng. 50 năm thống nhất đất nước là dấu mốc rất quan trọng với từng người dân Việt Nam, trong đó có cả các bạn trẻ. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua đây, các bạn trẻ có thể thấy sự đóng góp và hy sinh to lớn của lớp cha anh đi trước cũng như thấy giá trị của việc chúng ta sống trong một thời đại hòa bình, đất nước phát triển là điều rất tuyệt vời, đồng thời cũng mong muốn các bạn nhìn thấy giá trị từ những bài học lịch sử để có thể tiếp tục nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống hiện tại”, nhà báo Bùi Thu Thủy - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Văn hóa – Giải trí, Đài THVN chia sẻ.

KỂ BẰNG NHỮNG GÓC NHÌN MỚI VÀ TRÁI TIM THẬT

Chương trình Vang mãi khúc khải hoàn sẽ khơi gợi niềm xúc động và lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, những con người đã ngã xuống để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Sự mất mát ấy là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào khi nhìn lại những thành quả mà máu, mồ hôi và nước mắt đã đánh đổi. Không khí chương trình vang vọng tinh thần anh hùng ca, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, thôi thúc mỗi người tiếp nối truyền thống cha ông, chung tay dựng xây một Việt Nam ngày càng hùng cường.

Vang mãi khúc khải hoàn sẽ bức tranh đan xen giữa quá khứ hào hùng và hiện tại, đem đến những hành trình xúc động về khát vọng thống nhất non sông. Chương trình có 3 phần nội dung chính, mở đầu với thông điệp về Khát vọng hòa bình. Đó là những thước phim tư liệu quý giá tái hiện bối cảnh lịch sử đau thương nhưng kiên cường, khi cả dân tộc buộc phải cầm súng để bảo vệ độc lập. Các tiết mục nghệ thuật đậm chất sử thi, từ những làn điệu dân ca đến hòa tấu đương đại, khắc họa sâu sắc ý chí bất khuất của dân tộc.

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn: Bản giao hưởng cảm xúc quá khứ, hiện tại và tương lai - Ảnh 10.

Ở chương 2 - Ý chí độc lập, thống nhất, chương trình mang đến cho khán giả một phóng sự đặc biệt về Tết Mậu Thân 1968, trận chiến Thành cổ Quảng Trị và Hiệp định Paris 1973 – những dấu mốc lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh. Những màn trình diễn nghệ thuật kết hợp công nghệ 3D mapping, tái hiện sống động khoảnh khắc quân ta tiến vào Hội trường Thống nhất, đưa người xem trở lại thời khắc lịch sử trọng đại.

Trong chương 3 - Tự hào ta đi lên, ơi Việt Nam, đó là những thông điệp từ bài học lịch sử được kết nối với thành tựu đất nước hôm nay, khẳng định tầm vóc của sự kiện Giải phóng miền Nam (30/4) trong hành trình phát triển đất nước. Tại đây, khán giả sẽ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật hiện đại, từ hợp xướng hoành tráng đến màn pháo hoa rực rỡ, sẽ thắp lên niềm tự hào và khát vọng vươn tới tương lai.

Nhà báo Thanh Loan - Ban Văn hóa - Giải trí, Đài THVN chia sẻ: “Chúng tôi chọn cách tiếp cận chương trình như một bản giao hưởng cảm xúc – nơi mỗi chiến thắng, mỗi hy sinh là một thanh âm riêng biệt, hòa vào khúc ca lớn lao của dân tộc - Khúc khải hoàn. Khúc ca ấy không khép lại ở quá khứ mà vẫn tiếp tục ngân vang trong hiện tại và cả tương lai”.

“Thay vì kể lại lịch sử như những mốc thời gian khô cứng, chúng tôi đi tìm cảm xúc thật, qua những câu chuyện đời, những nhân vật sống, những cuộc hội ngộ chưa từng có – để khán giả có thể cảm thay vì chỉ biết” - nhà báo Thanh Loan cho biết - “Tính lịch sử là nền móng không thể xê dịch của chương trình này. Trong suốt quá trình viết kịch bản, chúng tôi luôn làm việc sát sao với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia; Thăm và tìm hiểu câu chuyện tại các bảo tàng; Tìm hiểu các câu chuyện qua lời kể của nhân chứng; Các cố vấn lịch sử từ Bộ Quốc phòng cùng các nhà báo, biên tập viên kỳ cựu chuyên về mảng chính luận – lịch sử. Không một chi tiết nào trong chương trình được hư cấu. Chúng tôi tra cứu từng thời điểm, từng chiến dịch, từng nhân vật để đảm bảo mỗi câu nói, mỗi hình ảnh đều là sự thật. Nhưng trong sự thật ấy, chúng tôi tìm cách kể bằng ngôn ngữ của nghệ thuật và cảm xúc”.

'Đề tài về 30/4 đã được khai thác nhiều lần, nhưng chưa bao giờ là cũ nếu chúng ta kể bằng những góc nhìn mới và trái tim thật. Chúng tôi tìm đến những câu chuyện vừa mang tính lịch sử vừa chứa đựng cảm xúc gửi tới người xem, đồng thời kết hợp ngôn ngữ âm nhạc hiện đại với chất liệu truyền thống, kết nối thế hệ đi trước và người trẻ hôm nay, để tạo ra một không gian nghệ thuật đa tầng, vừa trang nghiêm vừa gần gũi', nhà báo Thanh Loan cho biết.

Với cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn, khán giả sẽ thấy ở đó có sự đối thoại giữa quá khứ và hiện tại. Ở đó, người chiến sĩ của năm 1975 không chỉ là nhân chứng, mà còn là “người đối thoại” với thế hệ hôm nay – qua âm nhạc, qua thư từ, qua các cuộc hội ngộ. Đặc biệt là chi tiết kết nối giữa cựu binh Mỹ và gia đình liệt sĩ Việt Nam, đó không chỉ là sự khép lại một cuộc chiến mà là mở ra một cánh cửa của tình người, sự đồng cảm và tương lai chung.

Nhà báo Thanh Loan cho biết chị và ekip đã lựa chọn những câu chuyện mang tính đại diện nhưng vẫn giàu cảm xúc cá nhân để đưa vào cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn. Như câu chuyện của Trung đội Mai Quốc Ca – biểu tượng của tinh thần bất khuất trong trận chiến tại Quảng Trị năm 1972; hay câu chuyện thư của chiến sĩ Bình Giã – lời vĩnh biệt chan chứa lý tưởng và tình người, và đặc biệt là câu chuyện của liệt sĩ Kha Văn Việt, người dân tộc Thái hy sinh ở Quảng Trị cùng cựu binh Mỹ Adolph Novello – một nhân vật có thật, góp phần xóa nhòa hận thù và truyền tải một thông điệp về hòa giải. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, sinh viên, thiếu nhi... trong chương trình cũng là “nhân vật”, đại diện cho thế hệ hôm nay đang tiếp nối khúc ca khải hoàn bằng chính hành động và lý tưởng sống của họ.

“Chương trình muốn truyền tải thông điệp về giá trị thiêng liêng của hòa bình và độc lập - thành quả mà bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để giành lại. Chúng ta, những người đi sau, không chỉ có trách nhiệm giữ gìn mà còn phải tự hào về những gì cha ông đã làm được. Bằng sự đoàn kết, ý chí và trí tuệ, mỗi người cần chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, vững bước vào kỷ nguyên mới. Hãy cùng nhau đưa Việt Nam vươn xa, khẳng định vị thế trên trường quốc tế, làm rạng rỡ quê hương mình”, nhà báo Thanh Loan - Ban Văn hóa - Giải trí, Đài THVN chia sẻ.

ÂM NHẠC - LỜI KỂ DẪN ĐẦY XÚC CẢM

Âm nhạc và các màn trình diễn nghệ thuật trong Vang mãi khúc khải hoàn được dẫn dắt bởi Đạo diễn âm nhạc Huy Tuấn và các Tổng biên đạo múa Trần Ly Ly, Hồng Diễm, Phan Lương. Ekip cho biết các màn trình diễn được đầu tư công phu cũng là một cách kể chuyện tạo nên không gian nghệ thuật vừa truyền cảm, vừa hiện đại. “Âm nhạc không đơn thuần minh họa mà trở thành lời kể dẫn dắt đầy cảm xúc; múa không chỉ là hình thể mà lột tả không khí, tinh thần của từng giai đoạn của lịch sử”, nhà báo Thanh Loan nói.

Nhiều điểm nhấn về nghệ thuật sẽ có trong cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn. MV Con đường ta chọn mở màn chương trình với sự góp mặt của 50 gương mặt tiêu biểu, nghệ sĩ, trí thức, người trẻ truyền cảm hứng như một tuyên ngôn tự hào và khơi nguồn cảm xúc mạnh mẽ.

Tiết mục Quê hương Việt Nam là điểm nhấn đặc biệt với sự tham gia của các đại sứ và phu quân/phu nhân – một lời khẳng định về sự hội nhập và hình ảnh Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Không chỉ vậy, lần đầu tiên ca khúc Imagine của nhóm nhạc The Beatles vang lên trong một chương trình chính luận – nghệ thuật tại Việt Nam. Một bản nhạc bất hủ về hòa bình thế giới, được thể hiện bởi trẻ em, nghệ sĩ quốc tế và dàn nhạc hai miền, mang đến một thông điệp nhân văn vượt thời gian và biên giới.

Nói về âm nhạc của chương trình, nhạc sĩ Huy Tuấn cho hay chương trình Vang mãi khúc khải hoàn được anh và ekip của mình đặt nhiều tâm huyết. “Những gì trẻ trung, gần gũi và thời đại nhất sẽ được đưa vào vào trong các tiết mục mang tính truyền thống trong chương trình” - nhạc sĩ Huy Tuấn khẳng định.

“Có những bài hát đã vang lên trong suốt 50, 60 năm qua, ai cũng thuộc lòng những phiên bản có từ thời kỳ kháng chiến. Do đó, việc thay đổi làm sao vừa đủ để khiến khán giả trẻ cảm nhận được sự gần gũi và tính thời đại nhưng những người thuộc thế hệ trước - những người đã thuộc lòng những ca khúc cách mạng trong tâm thức của mình - vẫn cảm thấy chứa đựng ở đó những tinh thần hào hùng của năm tháng ấy chính là thử thách mà ekip đặt ra cho tôi. Đó sẽ là những màn trình diễn vừa có nét hào hùng của truyền thống nhưng vẫn có tính thời đại”, nhạc sĩ cho biết.

Chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn sẽ có sự tham gia của những nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ. Đó là những gương mặt gạo cội đã quen thuộc với khán giả qua những tác phẩm âm nhạc cách mạng như NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Hồng Liên,  NSND Tạ Minh Tâm, NSUT Phạm Thế Vĩ, Tùng Dương… Họ sẽ trình diễn những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, được nhiều thế hệ khán giả yêu thích nhưng khoác lên mình những nhịp điệu mới. Điều đặc biệt là các nghệ sĩ gạo cội này sẽ phối hợp trình diễn cùng với những gương mặt trẻ như Kiều Anh, Hà Lê, Hoàng Dũng…, trong đó có cả những nghệ sĩ trẻ lần đầu thể hiện ca khúc cách mạng.

Những câu chuyện chứa đựng thông điệp ý nghĩa, những màn trình diễn nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng, cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn hứa hẹn sẽ mang đến nhiều xúc cảm cho khán giả truyền hình khắp cả nước.

Cầu truyền hình kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Vang mãi khúc khải hoàn sẽ được THTT vào 20h10 ngày 27/4 trên kênh VTV1 và các nền tảng số của Đài THVN.

Thanh Huyền

26/4/2025

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước