Làng lụa Tân Châu tỉnh An Giang từng nức tiếng một thời với loại vải mang tên lụa lãnh Mỹ A. Màu đen tuyền, óng ả, mượt mà của loại vải này đã làm say đắm bao người. Tuy nhiên theo thời gian, loại vải mang tên lãnh Mỹ A đã trở nên khan hiếm trên thị trường. Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ sự cạnh tranh của những loại vải khác mà nguyên liệu để làm ra loại vải này ngày càng khan hiếm, kỹ thuật dệt lại kỳ công, tỉ mỉ.
Trái mặc nưa và tơ tằm thượng hạng là 2 nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên loại vải đặc biệt mang tên lãnh Mỹ A - nữ hoàng của các loại tơ tằm. Theo người dân địa phương, lãnh Mỹ A đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX tại vùng đất Tân Châu, tỉnh An Giang. Để có được vóc lụa đẹp, người thợ phải trải qua rất nhiều khâu như chọn tơ, quay tơ, suốt, trải cửi, kế cửi và dệt theo phương pháp satin 8. Khâu nào cũng đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ. Mỗi một thước lụa được dệt từ 12.500 sợi tơ tằm vì nhuộm bằng trái mặc nưa có nhiều nhựa. Khi nhuộm, nhựa của trái mặc nưa sẽ bám vào các sợi tơ tằm tạo nên phần thịt vải chắc chắn. Còn các loại vải satin nhuộm màu thông thường không có nhựa của trái mặc nưa nên phải dệt nhiều hơn, bằng 14.800 sợi để lấy chính sợi làm thịt vải chắc, bền.
Trái mặc nưa và tơ tằm là nguyên liệu chính tạo nên lãnh Mỹ A
Khâu quan trọng nhất và đòi hỏi người thợ phải lành nghề là nhuộm. Không giống với các loại vải thông thường, lãnh Mỹ A được nhuộm từ nguyên liệu tự nhiên là trái mặc nưa xay nhuyễn pha với nước tạo thành hỗn hợp. Những người thợ sẽ nhúng vải vào nước, vắt khô và đem phơi. Nghe thì đơn giản nhưng chỉ những người thợ mới hiểu hết sự vất vả, kỳ công. Mỗi ngày thợ sẽ nhuộm và phơi vải 3 lần. Trong hơn 1 tháng mới được thành phẩm như ý. Tổng cộng một tấm lụa được nhuộm và phơi khoảng 100 lần.
Lãnh Mỹ A có màu đen tuyền, óng ả, càng mặc càng bền. Chính vì thế trước đây loại lụa này được bán với giá khá cao, thậm chí được xuất khẩu sang một số nước như Campuchia, Lào... Ngày nay trái mặc nưa khan hiếm khiến chi phí sản xuất cao nên lãnh Mỹ A chỉ còn được sản xuất với số lượng rất ít. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người vẫn nặng lòng với lụa lãnh. Bởi thế mà trong dân gian mới có câu: "Núi nào cao bằng núi ông Két/ Lụa nào đẹp bằng lụa Tân Châu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!