Nghề làm bún Vân Cù không chỉ là một phương thức mưu sinh, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Mỗi sợi bún không chỉ là kết tinh của gạo, nước và bàn tay khéo léo của người thợ, mà còn là sự tự hào, trân trọng của các thế hệ với nghề truyền thống cha ông...
Nguyên liệu chính để làm bún chủ yếu là gạo ngoài ra còn một tỷ lệ nhỏ bột lọc và muối sống. Nguyên liệu chuẩn bị rất khắt khe, chọn gạo phải là gạo Khang Dân, hạt to trắng và đều thì mới làm ra được một mẻ bún thành công. Gạo được ngâm kỹ để loại bỏ hết tạp chất, sau đó tiếp tục rửa lại bằng nước lạnh nhằm đảm bảo gạo thật sự sạch. Tiếp theo, chuyển sang công đoạn xay gạo, nhồi bột, nặn khuôn và nấu sợi bún.
Các công đoạn làm bún Vân Cù
Từ quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến khi ra thành phẩm, một mẻ bún phải mất khoảng từ 3-4 ngày. Theo ông Nguyễn Văn Tích, thị xã Hương Trà TP Huế, tất cả các công đoạn chế biến đều quan trọng nhưng cái quyết định chất lượng sợi bún là nguyên liệu đầu vào. Từ khi có máy móc vận hành theo dây chuyền khép kín, chất lượng sản phẩm được nâng cao, được người tiêu dùng chấp nhận. Bún Vân Cù nổi tiếng vì có mùi hương của gạo mới xay, sợi bún trắng ngà không quá bở và không quá dai.
Những món ăn từ bún Vân Cù
Ở Huế có rất nhiều món ăn ngon từ bún như; Bún chả, bún chay, bún mắm nêm… và đặc biệt là bún bò một món ăn rất nổi tiếng. Thực khách rất thích ăn bún Vân Cù vì thơm mùi gạo, sản xuất và tiêu thụ trong ngày nên luôn tươi ngon. Hành trình từ những hạt gạo đến những món ngon xứ Huế không chỉ là văn hóa ẩm thực mà còn là câu chuyện của sự tiếp nối truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!