Múa được trình diễn trong tất cả các dịp lễ hội của đồng bào Khmer như Tết Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, lễ cúng trăng Ok om bok, lễ Dâng y… Chỉ có tiếng kèn, nhịp trống và nhạc ngũ âm nổi lên là sẽ có nhiều người cùng nhau múa. Những điệu múa không chỉ giúp cho mọi người cảm thấy phấn khởi, đoàn kết mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống.
Theo chương trình Miền Tây hôm nay, cứ vào 18h tối thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, lớp học lại nổi nhạc. Ai cũng tranh thủ đến tập đúng giờ, dù nhà gần hay nhà xa. Bởi khi đã tham gia thì mỗi thành viên đều cháy bỏng niềm đam mê với nghệ thuật múa Khmer và mong muốn mọi người biết nhiều hơn đến nét đẹp văn hóa này.
Lớp học múa Khmer buổi tối dành cho nhiều lứa tuổi.
Để nuôi dưỡng niềm đam mê với nghệ thuật múa truyền thống, cô giáo Thạch Thị Vân Na đã giành nhiều tâm huyết cho lớp học. Nhờ kinh nghiệm hơn 50 năm theo nghề, cô Vân Na đã dung hòa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại để mang lại sự mới mẻ, thu hút người múa lẫn người xem. Tâm huyết của cô giáo là muốn dạy học cho mọi lứa tuổi, từ 9 – 60 tuổi. Người lớn thì nhằm nhớ lại tuổi thanh xuân của mình. Còn các em nhỏ thì tiếp nối sự phát triển ngành nghệ thuật múa Khmer lâu dài hơn. Có người theo học đã vài năm, có người mới vài tuần nhưng ai cũng chăm chỉ theo lớp không bỏ sót buổi nào.
Một lớp học đặc biệt dù không bảng đen phấn trắng nhưng thông qua những cử chỉ, nhịp điệu đã góp phần lưu truyền và lan tỏa vẻ đẹp trong nghệ thuật múa truyền thống của đồng bào Khmer.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!