Phá Hàng Hải – nơi con người gần với thiên nhiên
Phá Hàng Hải nằm ở cuối nguồn sông Kiến Giang nơi tiếp giáp 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Phá có diện tích 12km2, chiều dài 12km. Vùng đầm phá Hàng Hải với nguồn nước lợ là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản và chim trời. Đến nơi này và xuôi thuyền theo đầm phá du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên bao la, thơ mộng.
Là vùng đầm phá rộng mênh mông nên Hàng Hải có rất nhiều loài cá sinh trưởng, ngư dân địa phương cũng thường đến đây để đánh bắt cá.
Đến phá Hàng Hải ngoài việc tận hưởng khung cảnh nên thơ, thanh bình bạn đừng quên di thuyền thăm các tổ chim và cảm nhận sự gần gũi của thiên nhiên khi được chạm tay vào những chú chim non. Chỉ cần trang bị cho mình một chút hiểu biết về du lịch sinh thái, một chút đam mê khám phá là bạn có thể đến Hàng Hải để trải nghiệm và khám phá.
Bán đảo Bảo Ninh
Bán đảo Bảo Ninh thuộc TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, là quê hương của mẹ Suốt. Trước đây Bảo Ninh là một vùng quê nghèo nằm cách biệt với trung tâm thành phố bởi dòng sông Nhật Lệ nhưng từ khi có những cây cầu bắc qua sông, Bảo Ninh đã gần lại hơn với thành phố Đồng Hới.
Đây cũng chính là tọa độ giúp cho những ai muốn tìm đến để ngắm vẻ đẹp lung linh của thành phố Đồng Hới về đêm cùng cảnh quan hữu tình non nước với những chiếc tàu ngược xuôi, lấp lánh ánh đèn pha của dân làng chài. Bảo Ninh không chỉ đẹp mà còn đặc biệt bởi một bên là dòng sông một bên là biển thơ mộng. Sự kết hợp của tạo hóa đã mang đến cho bán đảo Bảo Ninh một dấu ấn đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có được.
Đến với Bảo Ninh du khách không chỉ chìm đắm trong không khí trong lành, mát lạnh của sóng gió biển khơi mà còn được khám phá những nét đẹp trong cuộc sống, trong văn hóa của những người dân chài nơi đây.
Lăng thờ Cá Ông
Làng biển Sa Động, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới nơi hiện nay đang thờ thần biển lớn nhất Việt Nam và người dân trong làng luôn tự hào là nơi may mắn được thờ ngài. Trong tâm thức của mọi người con trong làng, Cá Ông là vị thần độ mạng, là chỗ dựa tinh thần, là nơi gửi gắm niềm tin trong những ngày tháng lênh đênh trên biển hay mỗi khi gặp sóng to, gió lớn ngoài biển khơi. Chính vì lẽ đó tục thờ Cá Ông và tín ngưỡng về loài cá linh thiêng này đã gắn liền với đời sống của người dân từ bao đời nay.
Người dân vùng biển đời này nối tiếp đời khác dựa vào biển để mưu sinh bởi dường như biển đã ngấm sâu vào trong máu thịt của họ. Có đến đây tận mắt chứng kiến cuộc sống mưu sinh của người dân mới thấy hết sự gian nan, nhọc nhằn của người dân vùng biển. Dẫu biết mỗi chuyến đi biển là một hành trình gian khổ với những hiểm nguy ngoài khơi luôn dình dập, đe dọa sinh mạng của họ thế nhưng những ngư dân nơi làng chài này vẫn ngày đêm bám biển, xem biển cả là nhà và cầu mong những chuyến đi bình an.
Nghề đan vá lưới
Không ai biết nghề này có từ bao giờ nhưng chỉ biết rằng việc đánh bắt hải sản và đan vá lưới đã đi cùng nhau từ rất lâu. Người dân địa phương đã học nghề lẫn nhau và truyền lại cho con cháu của mình theo truyền thống của nghề đi biển. Để hoàn thiện một tấm lưới phải mất tầm 1 tháng với 10 - 12 người cùng làm.
Nhờ tính chịu thương chịu khó việc gì cũng sẵn sàng làm nên nghề đan vá lưới đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người dân miền biển. Nếu có dịp ghé thăm Bảo Ninh bạn sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp cùng những tiếng cười nói râm ran của các cô, các chị, các bà với đôi tay thoăn thoắt đan vá lưới cho kịp những chuyến đánh bắt ngoài khơi xa.
Mực nhảy Bảo Ninh
Để có được những con mực nhảy tươi ngon, những ngư dân phải đi biển đánh bắt từ tối hôm trước đến khoảng 3 - 4h sáng hôm sau mới trở về. Sở dĩ đặt tên như vậy vì khi vừa câu lên những con mực này vẫn còn nhảy múa tung tăng và sẽ được giữ cho sống cho đến khi vào bờ. Nhờ vào điều kiện tự nhiên và kỹ thuật giữ sống mực nên từ lâu mực nhảy ở Bảo Ninh đã làm nức lòng du khách gần xa.
Để chế biến món gỏi mực cần làm sạch mực bằng cách cắt bỏ phần đầu, rút hết phần túi mực, lấy hết phần nhờn. Mực sống còn rất sạch nên khi sơ chế mực nhảy chỉ cần rửa quy với nước sạch và nước muối loãng như vậy mới giữ được giá trị tươi ngon. Sau khi làm sạch mực sẽ được thái thành những miếng vừa ăn với độ dày đều nhau. Với các loại mực có phần thịt dày như mực nang, mực lá kích thước lớn chúng ta nên khía nhẹ vài đường trên miếng mực như vậy khi chấm bằng nước tương mực sẽ có vị đậm hơn.
Một đĩa gừng, cà rốt, rau thơm, nước, đu đủ trộn chua ngọt, nước tương và mù tạt sẽ khiến món gỏi mực trở nên cay nồng hấp dẫn hơn.
Để có chuyến du lịch trọn vẹn
Những lưu ý khi đến Bảo Ninh
Thời điểm thích hợp nhất để đến Bảo Ninh là vào mùa khô từ tháng 5 đến tháng 9 vì thời gian này trời nắng đẹp gần như không có mưa bão nên thích hợp cho các hoạt động du lịch, tắm biển. Du khách nên chọn quần áo thoáng mát, những đôi giày dép phù hợp để thuận tiện cho việc di chuyển. Một chiếc máy ảnh cũng khá cần thiết nếu bạn muốn ghi lại những hình ảnh đẹp và vui vẻ trong chuyến đi của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!