Một mô hình trí tuệ nhân tạo mới đang tiếp cận các tín hiệu âm thanh từ cá heo, từ tiếng kêu, tiếng huýt gió cho tới loạt âm thanh dạng xung, mang đến cho giới khoa học cơ hội chưa từng có để giải mã cách loài động vật này thực sự "nói chuyện" với nhau.
Hệ thống AI này có tên gọi DolphinGemma, là một mô hình ngôn ngữ lớn thân thiện với cá heo do Google phát triển, kết hợp cùng các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Georgia (Georgia Tech) và tổ chức Wild Dolphin Project (WDP).
Cá heo từ lâu đã được biết đến là loài thông minh, sử dụng nhiều âm thanh có tần số cao để thu hút bạn tình, tìm kiếm bạn đồng hành, phối hợp theo nhóm và duy trì sự gắn kết xã hội. Qua nhiều năm thu thập dữ liệu từ cá heo đốm Đại Tây Dương, nhóm WDP đã ghi nhận các kiểu tín hiệu quen thuộc như tiếng huýt gió "chữ ký" giữa mẹ và con non, tiếng "squawk" khi xảy ra xung đột, hay chuỗi tiếng click dồn dập khi tán tỉnh hoặc xua đuổi cá mập.
Với sự hỗ trợ của AI, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra những quy luật ẩn sau các chuỗi âm thanh đó, từ đó tiến gần hơn đến việc hiểu rõ cá heo đang "nói" gì. Mô hình hiện đang tập trung vào loài cá heo đốm Đại Tây Dương, nhưng nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ mở rộng ra các loài cá heo khác như cá heo mũi chai hay cá heo spinner.
Sử dụng công nghệ âm thanh tiên tiến, DolphinGemma có thể chuyển đổi các tín hiệu âm thanh thành định dạng mà AI có thể phân tích, từ đó phát hiện ra các mẫu lặp lại hoặc mối liên hệ ngữ cảnh. Dù là một mô hình ngôn ngữ lớn, hệ thống vẫn đủ gọn nhẹ để chạy trực tiếp trên điện thoại của các nhà nghiên cứu khi làm việc ngoài thực địa.
Tương tự như cách ChatGPT xử lý văn bản ngôn ngữ con người, DolphinGemma được huấn luyện để nhận diện các mẫu âm thanh lặp đi lặp lại, cách kết hợp âm, và cả các tín hiệu ngữ cảnh. Điều này cho phép giới khoa học không chỉ dừng lại ở việc ghi âm và phân loại âm thanh, mà có thể tiến xa hơn để hiểu chức năng thực sự của những âm thanh đó – liệu chúng có cấu trúc, quy tắc và ý nghĩa như một "ngôn ngữ" hay không.
Một trong những mục tiêu chính của dự án là hiểu cách cá heo giao tiếp và tương tác với nhau trong môi trường sống tự nhiên dưới nước, nơi mà hành vi và âm thanh có thể được ghi nhận đồng thời – điều không thể thực hiện được từ mặt nước.
Về lâu dài, nhóm nghiên cứu còn đặt tham vọng phát triển khả năng tương tác hai chiều giữa con người và cá heo, nghĩa là không chỉ hiểu mà còn có thể "nói" tiếng cá heo.
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức trước mắt. Cá heo ở các khu vực khác nhau có thể sở hữu "giọng địa phương" riêng, thậm chí là các "ngôn ngữ" khác nhau hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là cá heo từ vùng biển này có thể không hiểu cá heo từ vùng biển khác, chưa nói đến con người.
Tuy nhiên, với các công cụ như DolphinGemma, giới khoa học đang tiến từng bước đến việc giải mã bí ẩn trong giao tiếp của cá heo, mở ra tương lai nơi con người và động vật có thể thực sự trò chuyện được với nhau. Và hy vọng rằng, một ngày nào đó, cá heo sẽ "nói" lời cảm ơn vì tất cả những con cá mà chúng đã được nhận.
Anh Việt
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!