Trong bóng chuyền hiện đại, nơi mỗi pha bóng có thể đạt vận tốc lên tới hơn 100 km/h, đôi bàn tay không đơn thuần là công cụ tiếp bóng, mà là tuyến đầu chịu mọi va chạm và áp lực từ cường độ thi đấu khắc nghiệt. Chính vì vậy, giới vận động viên chuyên nghiệp ngày càng chú trọng đến việc bảo vệ ngón tay – bộ phận nhỏ nhưng đóng vai trò sống còn trong từng tình huống xử lý bóng.
Một trong những hình ảnh thường thấy ở các giải đấu cấp cao là những dải băng trắng hoặc màu sắc quấn quanh các đốt tay của vận động viên. Từ những siêu sao như Sheilla De Castro, Misty May-Treanor đến Kerri Walsh Jennings. Hành động tưởng chừng nhỏ bé này lại mang đến nhiều lợi ích thiết thực cả về hiệu năng thi đấu lẫn sức khỏe lâu dài.
Tăng sức mạnh và độ ổn định cho khớp ngón tay
Các ngón tay là điểm tiếp xúc chính với bóng trong hầu hết các kỹ thuật của bóng chuyền – từ chuyền một, chuyền hai đến đập bóng và chắn bóng. Việc dán băng quanh các khớp ngón tay giúp cố định gân và dây chằng, từ đó tăng độ ổn định và khả năng truyền lực trong từng pha bóng. Cầu thủ có thể đánh bóng với lực mạnh hơn mà vẫn giữ được sự kiểm soát chính xác.
Bảo vệ và ngăn ngừa chấn thương
Một set bóng chuyền có thể diễn ra hàng chục pha đập bóng và chắn lưới với tốc độ cao. Việc va chạm liên tục với bóng có thể dẫn đến bong gân, rách da hoặc tổn thương mô mềm. Các chuyên gia chắn bóng thường dán băng ở hai bên ngón tay – đặc biệt là ngón trỏ và ngón giữa – để giảm thiểu chấn thương trong những pha chạm bóng cận lưới.
Một trong những chấn thương phổ biến nhất là “ngón tay bị kẹt” (jammed fingers), xảy ra khi khớp ngón tay bị bẻ cong đột ngột trong tình huống chắn bóng hoặc phòng thủ. Dán băng có tác dụng hạn chế biên độ gập và cố định khớp, từ đó giảm đáng kể nguy cơ chấn thương.
Ngón tay là bộ phận tiếp xúc với bóng nhiều nhất, và cũng là vị trí dễ xảy ra chấn thương nhất.
Hỗ trợ kỹ thuật, giảm đau và bảo vệ da
Với các kỹ thuật phòng thủ như “dig” – đỡ bóng khi đối thủ đập sát mặt sân – lực bóng tác động trực tiếp lên các đốt ngón tay có thể rất mạnh. Dán băng giúp củng cố khớp, giảm đau và hạn chế tổn thương trong quá trình thi đấu.
Bên cạnh đó, trong điều kiện thi đấu lạnh hoặc lịch thi đấu dày đặc, da đầu ngón tay dễ bị khô và nứt nẻ do cọ xát liên tục với bóng. Lớp băng dán đóng vai trò như một màng bảo vệ, giữ độ ẩm và giảm ma sát để ngăn chặn tình trạng da bị tổn thương.
Hỗ trợ kỹ thuật giao bóng topspin và bảo vệ móng tay
Kỹ thuật giao bóng topspin đòi hỏi ma sát mạnh giữa đầu ngón tay và bóng nhằm tạo độ xoáy. Một số vận động viên tận dụng băng dán để tăng độ nhám ở đầu ngón, hỗ trợ tốt hơn cho việc kiểm soát hướng xoáy và độ rơi của bóng.
Đồng thời, lớp băng này cũng giúp bảo vệ móng tay – bộ phận dễ bị tổn thương trong các pha tiếp xúc bóng ở đầu ngón. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng một móng tay gãy có thể khiến cả trận đấu trở thành ác mộng. Băng dính có thể được sử dụng để che chắn móng tay – đặc biệt là khi bị yếu, nứt hoặc dễ tổn thương.
Các miếng băng dán là trợ thủ đắc lực cho những pha giao bóng topspin uy lực.
Kỹ thuật “buddy taping” – dán đôi ngón tay
Một kỹ thuật dán băng phổ biến trong bóng chuyền là buddy taping, tức dán song song hai ngón tay – thường là ngón trỏ với ngón giữa, hoặc ngón giữa với ngón áp út – để tăng độ ổn định và giảm nguy cơ bị gập sai khớp. Dây băng không được siết quá chặt để tránh cản trở tuần hoàn, và quá trình dán thường được các cầu thủ hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo đúng kỹ thuật.
"Hãy bảo vệ ngón tay bằng cách thông minh nhất"
Như huyền thoại bóng chuyền Jiri Popelka từng chia sẻ trên chuyên trang VolleyCountry: "Ngón tay là bộ phận bị ‘lạm dụng’ nhiều nhất trong bóng chuyền – chúng ta cần nó để đỡ, để chuyền, để chắn. Vì thế, hãy bảo vệ chúng bằng cách thông minh nhất".
Trong môi trường thi đấu đỉnh cao, nơi từng điểm số có thể quyết định cục diện trận đấu, việc chăm sóc và bảo vệ đôi tay – đặc biệt là các ngón tay – không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc với bất kỳ vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp nào. Và một dải băng nhỏ trên ngón tay, đôi khi lại chính là yếu tố làm nên sự khác biệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!