Trong tâm trí nhiều người, thể thao điện tử (Esports) là môn thể thao thiên về trí tuệ, ít hình ảnh mồ hôi, va chạm hay đau đớn thể chất như các môn thể thao truyền thống. Thế nhưng, phía sau ánh hào quang của những pha xử lý kỹ năng đỉnh cao, những giờ thi đấu căng thẳng và những bàn phím gõ liên tục là hàng loạt nguy cơ chấn thương mà ít ai ngờ tới – cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các vận động viên Esports thường luyện tập và thi đấu với cường độ cao, trung bình từ 8 đến 12 giờ mỗi ngày, liên tục trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng mà ít có kỳ nghỉ dài. Những chuyển động lặp đi lặp lại và tư thế ngồi cố định trong thời gian dài khiến họ dễ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có những loại chấn thương tưởng chừng chỉ tồn tại ở các vận động viên thể thao truyền thống.
Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome)
Đây là "kẻ thù truyền thống" của bất kỳ game thủ chuyên nghiệp nào. Việc sử dụng chuột và bàn phím tốc độ cao trong thời gian dài gây áp lực lên dây thần kinh giữa cổ tay, dẫn đến đau nhức, tê tay, và mất cảm giác ở các ngón tay. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật hoặc nghỉ thi đấu dài hạn – như trường hợp của tuyển thủ Hai "HaiDuong" Lam trong bộ môn LOL.
Chấn thương cổ tay là một trong những chấn thương phổ biến nhất trong giới Esports.
Viêm gân (Tendinitis)
Thao tác tay liên tục khiến các nhóm cơ và gân bị quá tải, đặc biệt là ở cổ tay, khuỷu tay và vai. Tình trạng này khiến nhiều tuyển thủ phải chơi trong tình trạng đau nhức, thậm chí phải dùng thuốc giảm đau hoặc nghỉ thi đấu. Ngay cả ngôi sao hàng đầu như Faker (LoL) cũng từng bị viêm gân cổ tay phải nghỉ thi đấu tạm thời vào năm 2016.
Kiệt sức và rối loạn tâm lý (Burnout)
Áp lực phải duy trì đỉnh cao phong độ, cùng với lịch trình thi đấu dày đặc và sự kỳ vọng từ người hâm mộ, có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần. Nhiều tuyển thủ trẻ phải sớm từ giã sự nghiệp vì hội chứng "burnout" – trong đó nổi bật là Uzi, cựu sao RNG, người giải nghệ lần đầu vào năm 2020 vì lý do sức khỏe tâm thần.
Căng mỏi mắt kỹ thuật số (Digital Eye Strain)
Việc liên tục nhìn vào màn hình không nghỉ trong nhiều giờ khiến mắt bị khô, đau rát, mờ và mất khả năng điều tiết. Đây là hiện tượng rất phổ biến với game thủ chuyên nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phản xạ và tập trung.
Đau lưng, vai gáy do tư thế ngồi sai
Ngồi sai tư thế hoặc không sử dụng ghế công thái học có thể dẫn đến đau lưng mãn tính, thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đốt sống cổ. Đây là loại chấn thương tích lũy âm thầm nhưng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp thi đấu lâu dài của một tuyển thủ. Trong quá khứ, không ít tuyển thủ đình đám của các bộ môn Esport đã từng phải rời xa thi đấu đỉnh cao để... điều trị chấn thương.
Vì các giải đấu diễn ra liên tục và quanh năm, các VĐV Esports hiếm khi có những kỳ nghỉ dài để phục hồi sức khỏe.
Tổn thương thính giác
Việc sử dụng tai nghe ở âm lượng lớn liên tục có thể dẫn đến suy giảm thính lực, ù tai hoặc mất khả năng nghe ở một số tần số – đặc biệt trong những bộ môn esports yêu cầu phải nghe bước chân hoặc tín hiệu âm thanh nhỏ.
Với sự phát triển bùng nổ của Esports, tần suất chấn thương đáng tiếc cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trong vài năm trở lại đây, các tổ chức Esports hàng đầu như T1, G2 Esports, Team Liquid… đã bắt đầu đầu tư nghiêm túc cho các bộ phận y tế, vật lý trị liệu và tâm lý học thể thao. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực như Đông Nam Á hoặc các giải bán chuyên, vấn đề này vẫn bị xem nhẹ, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!