Nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18/1/1950 - 18/1/2025), tháng 1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm quan trọng, tuyên bố khởi động "Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc", tạo động lực mới cho giao lưu nhân dân, văn hóa, thể thao và du lịch giữa hai nước vốn đã diễn ra rất sôi động với nhiều hình thức đa dạng. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác thiết thực.
Hợp tác, giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch được đánh giá là một trong những trụ cột trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 08/01/2025, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có buổi tiếp, làm việc Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hà Vĩ. Trao đổi về định hướng hợp tác thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch trong Năm Giao lưu nhân văn Việt -Trung 2025.
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời kỳ vọng, các hoạt động hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam – Trung Quốc sẽ đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội của hai quốc gia. (Ảnh: BVHTTDL)
Đối với lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hai bên cần tăng cường triển khai các văn kiện hợp tác đã ký kết, đồng thời đề nghị Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam huấn luyện các môn nước này có thế mạnh như thể dục dụng cụ, điền kinh, bắn cung… giúp Việt Nam cải thiện thành tích ở các đấu trường quốc tế.
Về lĩnh vực thể thao, Đại sứ Hà Vĩ nhận định, đây là nội dung hợp tác quan trọng. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác huấn luyện, nâng cao trình độ cho các huấn luyện, vận động viên. Cùng với đó, Đại sứ Trung Quốc hy vọng, Việt Nam sẽ cử các cán bộ sang học tập kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao quy mô. Phía Trung Quốc tin tưởng, các hoạt động khi được triển khai sẽ đóng góp quan trọng vào tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Thế hệ vận động viên đầu tiên của đấu kiếm Việt Nam được tập huấn bài bản ở Trung Quốc. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn)
Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hinh Cửu Cường cho biết: Hiện nay, Trung Quốc đang dần chuyển từ nước "lớn" về thể thao sang nước "mạnh" về thể thao. Với lợi thế có nhiều môn thể thao và đông VĐV hơn, Trung Quốc sẽ hỗ trợ hết sức trong khả năng cho phép để phát triển tốt nhất sự nghiệp TDTT của cả hai nước. Tham tán Hinh Cửu Cường đã chia sẻ một cách làm thể thao mới hiện đang được triển khai ở Trung Quốc đó là: BAO CẤP THỂ THAO KIỂU MỚI. Tức là trên cơ sở phát huy thế mạnh của nhà nước cũng đồng thời phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong phát triển TDTT. Ông Hinh Cửu Cường đã đưa ra một dẫn chứng cụ thể ở môn Tennis. Tại Olympic Paris 2024, VĐV môn Tennis của Trung Quốc đã thi đấu thành công. Kết quả đó có được là từ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành nhà nước cộng với sự vào cuộc của các tổ chức xã hội.
Nhiều VDV Việt Nam thi đấu ở các môn là thế mạnh của cả hai nước được tạo điều kiện sang tập huấn nâng cao tại Trung Quốc như Wushu, Thể dục dụng cụ, Điền kinh, Cử tạ, bóng đá nữ v.v...
Ngoài hợp tác về thể thao thành tích cao, ông Hinh Cửu Cường cũng đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực TDTT quần chúng. Ông cho biết: ở tỉnh Vân Nam luôn duy trì Đại hội TDTT dân tộc thiểu số và đã có đoàn VĐV của tỉnh Hà Giang của Việt Nam tham gia. Đây là một hoạt động góp phần bảo tồn môn thể thao dân tộc, đặc biệt là môn Cờ tướng – một nét tương đồng giữa hai quốc gia.
Về công tác phòng chống Doping và Y học Thể thao, theo khẳng định của Tham tán Hinh Cửu Cường, Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Thời gian qua, CHINADA đã giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng lại hệ thống Trung tâm phòng, chống Doping quốc gia; giúp phân nhóm môn có nguy cơ cao về Doping; hướng dẫn Việt Nam xây dựng các Ban quản lý kết quả, truy vết sinh học – những việc Việt Nam chưa có kinh nghiệm.
Lễ kí hợp tác phòng chống doping giữa thể thao Việt Nam và thể thao Trung Quốc đã tổ chức sáng 24-9-2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc) bên lề ASIAD 19. (Ảnh: BVHTTDL)
Mới đây, bên lề Đại hội AFC diễn ra tại Malaysia, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc Song Kai đã có cuộc trao đổi và thống nhất sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác (MoU) nhằm thúc đẩy sự phát triển giữa hai nền bóng đá. Điều này tiếp tục khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai liên đoàn, đồng thời thể hiện quyết tâm đồng hành, hướng tới các mục tiêu nâng cao chất lượng bóng đá tại mỗi quốc gia. Trong năm 2024, LĐBĐ Trung Quốc đã mời các đội tuyển Việt Nam (nữ quốc gia, futsal nữ quốc gia, U21 quốc gia, U19 nam và U16 nam quốc gia) tham dự các giải giao hữu quốc tế với những khách mời chất lượng. Chuẩn bị cho vòng loại U17 châu Á 2027, LĐBĐ Trung Quốc cũng đã gửi lời mời chính thức tới U16 Việt Nam tham dự giải đấu giao hữu trước thềm sự kiện.
Đội tuyển U22 Việt Nam là khách mời thường xuyên của giải U22 quốc tế được tổ chức hàng năm tại Trung Quốc. (Ảnh: VFF)
Cuối năm 2024, Cục TDTT Việt Nam vui mừng được đón Thứ trưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trung Quốc tới thăm. Cùng thời điểm đó, Việt Nam cũng đã cử một đoàn cán bộ sang Trung Quốc khảo sát địa điểm tập huấn cho một số VĐV thành tích cao tại 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam nhằm chuẩn bị cho ASIAD 2026. Trong chuyến khảo sát trên, các cán bộ của Cục TDTT đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ phía bạn. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên, lãnh đạo Cục TDTT Việt Nam mong muốn tiếp tục nâng tầm mối quan hệ hữu nghị hợp tác trong lĩnh vực TDTT giữa hai nước lên tầm cao mới.
Đoàn Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc do đồng chí Trương Gia Thắng dẫn đầu thăm và làm việc tại Bộ VHTTDL vào sáng 19/12/2024. (Ảnh: BVHTTDL)
Trong năm 2025, phía Cục TDTT Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ về các mặt từ Trung Quốc như: tập huấn VĐV tại Trung Quốc; cử chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam đào tạo VĐV... Về phía Cục TDTT Việt Nam sẽ tiếp tục cử đoàn cán bộ sang công tác và làm việc với Tổng cục TDTT Trung Quốc. Bên cạnh các hoạt động trên, trong thời gian tới, Việt Nam muốn tăng cường giao lưu thể thao, văn hóa ở khu vực biên giới hai nước.
Năm 2025, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc, Việt Nam mong muốn sẽ cử đoàn đại biểu tham dự, rút kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc ở Việt Nam sẽ được tổ chức vào năm 2026.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!