Lịch trình dày đặc khiến tuyển thủ kiệt sức
Dota 2 chuyên nghiệp đang đứng trước một vấn đề nghiêm trọng: burnout (kiệt sức). Trong vài tháng gần đây, hàng loạt tuyển thủ hàng đầu đã phải tạm nghỉ hoặc rời đội tuyển vì không thể theo kịp lịch trình thi đấu quá khắc nghiệt.
Melchior “Seleri” Hillenkamp của Gaimin Gladiators đã tuyên bố nghỉ thi đấu một tháng vào tháng 2 để “hồi phục thể lực và tinh thần”. Chỉ một tháng sau, anh quyết định rời đội hoàn toàn. Ngay sau đó, Anton “dyrachyo” Shkredov của Tundra cũng tuyên bố tạm nghỉ vô thời hạn dù vẫn đang có phong độ tốt.
Không chỉ họ, nhiều tuyển thủ hàng đầu khác như Yatoro, Mira (Team Spirit) hay Skiter (Team Falcons) đều đã tạm dừng thi đấu trong thời gian qua. Điều này cho thấy một vấn đề hệ thống đang tồn tại trong Dota 2.
Tại sao burnout đang ngày càng phổ biến?
Trong vòng ba tháng qua, đã có ít nhất 5 giải đấu Tier 1 và vô số vòng loại liên tục diễn ra. Các giải đấu chồng chéo, không có thời gian nghỉ ngơi, khiến các tuyển thủ phải di chuyển liên tục giữa các quốc gia, thi đấu không ngừng nghỉ.
(Các trận đấu của Dota 2 thường kéo dài khoảng hơn 1 tiếng, thời gian nghỉ giữa các trận rất ngắn khiến nhiều tuyển thủ chuyên nghiệp ngao ngán. Ảnh: Valve)
Hơn nữa, sau khi hệ thống vòng loại khu vực (DPC) bị khai tử, thay vì giảm số lượng giải đấu, các nhà tổ chức đã tăng cường thêm nhiều sự kiện để giành quyền kiểm soát thị trường. ESL, PGL, BLAST, BetBoom – tất cả đều đang chạy đua tổ chức giải, buộc các đội phải tham gia liên tục để không mất cơ hội thi đấu ở những sự kiện lớn như Riyadh Masters hay TI.
Hậu quả là gì? Tuyển thủ kiệt sức, không còn thời gian hồi phục, mất động lực thi đấu và phải tạm nghỉ hoặc giải nghệ sớm.
Giải pháp nào để cứu vãn tình hình?
Thực tế, không có giải pháp nhanh chóng để khắc phục vấn đề này. Các nhà tổ chức sẽ không dừng lại khi vẫn còn lợi nhuận. Tuy nhiên, một số hướng đi có thể giúp cải thiện tình trạng burnout:
Giãn cách thời gian giữa các giải đấu lớn, cho phép tuyển thủ có thời gian nghỉ ngơi thực sự.
Không ép buộc các đội phải tham gia tất cả các giải đấu – điều đã từng xảy ra khi vòng loại khu vực còn tồn tại.
Tăng cường phúc lợi cho tuyển thủ, bao gồm chế độ nghỉ ngơi, khách sạn tiện nghi và thời gian di chuyển hợp lý hơn.
Esports Dota 2 từ lâu đã là một sân chơi do tuyển thủ quyết định. Nếu họ đồng loạt phản đối, các nhà tổ chức sẽ buộc phải thay đổi. Câu hỏi đặt ra là: liệu điều đó có xảy ra trước khi quá muộn?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!