Thể thao điện tử (esports) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỷ USD. Cùng với sự bùng nổ về số lượng người xem và giải đấu, các đội tuyển esports hàng đầu như Team Liquid, FaZe Clan hay OG cũng đang thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau.
Nhưng làm thế nào để một đội tuyển esports tồn tại, vận hành và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này? Nguồn thu của họ đến từ đâu?
Tiền thưởng từ các giải đấu
Giống như các môn thể thao truyền thống, thành công trong thi đấu là một trong những nguồn thu quan trọng nhất. Những đội tuyển hàng đầu có thể kiếm hàng triệu USD chỉ sau một giải đấu lớn. Điển hình là Team Liquid, đội tuyển đã giành hơn 1,1 triệu USD tại The International 2024 – giải đấu Dota 2 danh giá nhất hành tinh.
Theo Statista, tổng số tiền thưởng mà Team Liquid từng giành được vượt mốc 54 triệu USD, đưa họ trở thành đội tuyển esports có thu nhập cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, không phải đội nào cũng có thể dựa vào nguồn thu này. Các đội ở hạng trung hoặc mới thành lập có thể chỉ thu về vài chục nghìn USD mỗi năm từ các giải đấu – con số không đủ để duy trì hoạt động dài hạn.
The International của Dota2 là một trong những giải đấu có quy mô và giá trị lớn nhất ngành Esports.
Tài trợ và hợp tác thương hiệu
Hợp tác với các thương hiệu lớn như Red Bull, Monster Energy, Logitech hay Alienware mang lại nguồn thu ổn định và lâu dài cho các tổ chức esports. Các vận động viên sẽ quảng bá sản phẩm thông qua áo thi đấu, mạng xã hội hoặc các sự kiện truyền thông.
Theo Esports Insider, hợp đồng tài trợ có thể chiếm đến 50–60% tổng doanh thu của một đội tuyển chuyên nghiệp, giúp họ trả lương cho tuyển thủ, thuê HLV và xây dựng cơ sở hạ tầng như gaming house hoặc phòng tập huấn riêng.
Doanh thu từ người hâm mộ và merchandise
Áo thi đấu, bàn phím, chuột, ghế gaming hay cả sách và mô hình – mọi vật phẩm mang thương hiệu đội tuyển đều có thể được bán trực tuyến. Các đội như FaZe Clan hay 100 Thieves thậm chí phát triển cả dòng thời trang riêng, vượt khỏi phạm vi thể thao điện tử.
Một xu hướng khác là bán gói đăng ký người hâm mộ (fan subscriptions), cho phép người dùng tiếp cận nội dung độc quyền, trò chuyện cùng tuyển thủ hoặc nhận quà tặng đặc biệt.
Nội dung số: YouTube, Twitch và TikTok
Những tuyển thủ có lượng fan đông đảo thường livestream trên Twitch hoặc đăng video lên YouTube để tăng thu nhập. Ngoài quảng cáo, họ còn có thể nhận tiền donate từ người xem hoặc hợp tác nội dung với nhà phát hành game.
Nhiều đội tuyển còn thành lập cả bộ phận streamer riêng để xây dựng hình ảnh, giúp tuyển thủ trở thành người có tầm ảnh hưởng (influencer), từ đó thu hút thêm tài trợ.
Ngoài việc thi đấu, các đội esports còn tổ chức nhiều hoạt động khác để thu hút người hâm mộ.
Vật phẩm trong trò chơi (in-game cosmetics)
Một số trò chơi như Rainbow Six Siege hay CS:GO phát hành vật phẩm ảo (skin, biểu tượng, đồng phục…) gắn liền với hình ảnh đội tuyển. Doanh thu từ việc bán vật phẩm này được chia lại cho tổ chức esports, tạo thêm một dòng thu ổn định và ít rủi ro.
Dù vẫn chưa đạt được mức doanh thu ổn định như các giải thể thao truyền thống, esports đang từng bước khẳng định vị thế. Sự tham gia của các thương hiệu lớn, cùng sự đầu tư bài bản từ tổ chức đến cầu thủ, cho thấy tiềm năng phát triển dài hạn của ngành.
Theo Newzoo, doanh thu toàn ngành esports toàn cầu được dự báo sẽ vượt mốc 1,6 tỷ USD trong năm 2025, với khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường tăng trưởng nhanh nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!