Hai nhóm nữ sinh viên có quan điểm đối lập về việc luận tội Tổng thống Yoon - chạm trán trực diện trong khuôn viên một trường đại học ở Seoul, ngày 26/2/2025. (Ảnh: Yonhap)
Hàng trăm sinh viên đã tụ tập tại Đại học Nữ sinh Ewha ở thủ đô Seoul vào tuần trước để lên án việc Quốc hội luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, gọi đó là quyết định "vô hiệu".
Cuộc chạm trán nhanh chóng leo thang thành bạo lực khi hàng chục YouTuber và nhà hoạt động ủng hộ Tổng thống Yoon xông vào khuôn viên nhà trường để hợp sức, đụng độ với một nhóm sinh viên phản đối ông Yoon. Hai nhóm đối lập liên tục buông những lời lăng mạ để bảo vệ quan điểm của mình. Sự việc chỉ chấm dứt khi cảnh sát được huy động đến hiện trường.
Việc Quốc hội Hàn Quốc luận tội Tổng thống Yoon vì nỗ lực bất thành nhằm áp đặt thiết quân luật vào ngày 3/12/2024, đã tạo ra một "vực thẳm" chia rẽ dư luận trong nước, đồng thời biến các khuôn viên trường đại học vốn yên bình, trở thành sân khấu cho những cuộc cãi vã chính trị, khi những người kêu gọi lật đổ ông Yoon đối mặt trực diện với những người ủng hộ ông.
Một nhóm sinh viên tuần hành để ủng hộ Tổng thống Yoon, tại Đại học Chonnam ở Gwangju, ngày 27/2/2025. (Ảnh: Yonhap)
Giơ cao các tấm biển biểu tình có khẩu hiệu như "Tự do ngôn luận" và "Dừng ăn cắp", mặc áo khoác có biểu tượng và tên trường, những người biểu tình hô vang "Luận tội là vô hiệu", vẫy cờ Hàn Quốc và Mỹ trong cuộc biểu tình tại Đại học Nữ sinh Ewha hôm 26/2.
Kim Ji-hye, một sinh viên tốt nghiệp trường Ewha chuyên ngành lịch sử, lên án việc luận tội, cho rằng toàn bộ quá trình từ khi Tổng thống Yoon bị bắt cho đến khi điều tra là "bất hợp pháp", gọi đó là hành vi "gian lận".
Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Yoon giống như nữ sinh Kim ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các trường đại học trên toàn quốc, như: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Yonsei và Đại học Quốc gia Pusan…, nơi đã chứng kiến các cuộc phản đối tương tự vào tháng trước.
Các cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối Tổng thống Yoon liên tục diễn ra trên khắp Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)
Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Ewha, chuyên ngành khoa học chính trị (yêu cầu được giấu tên), cho biết cô đã quay lại trường lần đầu tiên sau 10 năm khi nghe tin các thế lực cực hữu đang dàn dựng tại trường cũ của mình.
"Thật sốc khi thấy những người này đến trường, tranh luận về quyền tự do ngôn luận và ủng hộ các lực lượng biểu tình", cô nói.
Các chuyên gia chỉ ra tính bất hợp pháp tiềm ẩn của những người cố tình xâm nhập vào khuôn viên trường đại học để thực hiện mục đích tuyên truyền chính trị.
Khoảng 110.000 người biểu tình cũng đã tập trung ở thủ đô Seoul hôm 1/3 để phản đối việc luận tội ông Yoon Suk-yeol, trong khi hơn 13.000 người ủng hộ phế truất cũng tuần hành gần đó.
Vào ngày 8/2, bất chấp giá rét cực độ, các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng chục ngàn người cũng đã diễn ra trên khắp toàn quốc, giữa một bên kêu gọi Tổng thống bị luận tội Yoon Suk-yeol từ chức ngay lập tức và nhóm còn lại phản đối việc phế truất ông.
Ông Yoon vào ngày 3/12/2024 bất ngờ đình chỉ chính quyền dân sự, triển khai quân đội đến quốc hội và ban bố thiết quân luật, song sắc lệnh chỉ kéo dài 6 giờ trước khi bị quốc hội bác bỏ.
Tổng thống Yoon sau đó bị quốc hội luận tội và trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc bị bắt với cáo buộc nổi loạn. Nếu bị Tòa án Hiến pháp phế truất, ông Yoon sẽ đối mặt các phiên tòa hình sự, với mức án có thể lên tới chung thân hoặc tử hình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!