Vòng đàm phán Mỹ - Iran mở ra cánh cửa đối thoại sau 6 năm bế tắc

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 15/04/2025 08:59 GMT+7

bangdatally.xyz - Vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Iran đã diễn ra tại Oman vào cuối tuần qua. Cả hai bên đều đánh giá vòng đàm phán này diễn ra một cách tích cực và mang tính xây dựng.

Đàm phán giữa Mỹ và Iran mang tính tích cực và xây dựng

Đây là cuộc trao đổi đầu tiên ở cấp cao giữa Mỹ và Iran kể từ năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trong suốt quá trình đàm phán Mỹ - Iran gián tiếp, phái đoàn của hai nước - dẫn đầu bởi đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araghchi được bố trí ngồi ở hai căn phòng riêng biệt và trao đổi các thông điệp thông qua Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Oman.

Ông Abbas Araghchi - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran - nói: "Ngoại trưởng Oman đã di chuyển qua lại giữa các phái đoàn Iran và Mỹ khoảng 4 lượt, và quan điểm của cả hai bên đã được truyền đạt tới nhau. Vòng đàm phán kéo dài khoảng 2,5 tiếng đồng hồ. Và theo ý kiến của tôi, cuộc gặp đầu tiên này là một cuộc họp hiệu quả, diễn ra trong bầu không khí bình tĩnh và tích cực. Cả hai bên đều thể hiện cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán này cho đến khi đạt được một thỏa thuận như mong muốn cho cả hai, được thực hiện trên cơ sở bình đẳng".

Vòng đàm phán gián tiếp đầu tiên này chỉ tập trung thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran và việc nới lỏng trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran vẫn căng thẳng. Hôm 11/4, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào ngành dầu mỏ và hạt nhân của Tehran. Trước đó, Tổng thống Trump nhắc lại cảnh báo rằng Mỹ hoàn toàn có thể thực hiện hành động quân sự nếu đàm phán thất bại.

Vòng đàm phán Mỹ - Iran mở ra cánh cửa đối thoại sau 6 năm bế tắc - Ảnh 1.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian lắng nghe người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran giới thiệu tại cuộc triển lãm về thành tựu hạt nhân của Iran, tại Tehran, ngày 9/4 Ảnh: AP)

Đáp lại, Iran tuyên bố có thể trục xuất đội ngũ thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Tehran cũng phát đi thông điệp tới các nước láng giềng đang có căn cứ quân sự của Mỹ về nguy cơ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu dính líu tới bất cứ cuộc tấn công quân sự nào của Washington nhằm vào Iran.

Ông Mehrdad Khonsari - cựu nhân viên ngoại giao Iran - cho biết: "Điều mà người Mỹ muốn trước hết và trên hết là có thể loại bỏ mọi mối đe dọa có thể phát sinh từ chương trình hạt nhân của Iran. Mối đe dọa đó có thể được giảm bớt bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi đó, điều người Iran muốn đương nhiên là các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ, áp lực kinh tế được giảm bớt".

Tiến triển tích cực trong các vòng đàm phán sẽ góp phần đưa lập trường của Washington và Tehran đến gần nhau hơn, tạo không khí thuận lợi cho việc khôi phục lòng tin và tăng cường các nỗ lực thiết lập hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Rào cản trong đàm phán Mỹ - Iran

Cuộc gặp này cho thấy cả Washington và Tehran đều đang điều chỉnh chiến lược - không còn đặt đối đầu làm trung tâm mà bắt đầu cân nhắc con đường thương lượng như một giải pháp khả thi để kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran thừa nhận mục tiêu đó sẽ không dễ dàng và đòi hỏi thiện chí của cả hai bên.

Nhiều nhà phân tích chính trị Trung Đông nhấn mạnh rào cản lớn nhất trên bàn đàm phán không phải là kỹ thuật hạt nhân mà là niềm tin chính trị. Khôi phục lòng tin là điều rất khó và không thể chỉ "ngày một ngày hai".

Mặc dù có tiến triển, sự nghi ngờ vẫn tồn tại, đặc biệt từ phía Iran, do Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trước đó dưới thời chính quyền ông Trump cách đây 7 năm.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cho biết ông Trump đang yêu cầu Iran phá bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của mình, không chỉ chấp nhận các hạn chế về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân như đã làm vào năm 2015.

Theo phân tích của các chuyên gia, rõ ràng việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn sẽ khó có thể được Iran chấp nhận. 

Với những khác biệt như trên, sẽ còn quá sớm để có thể nhận định Mỹ và Iran sẽ có thể nhượng bộ nhau đến đâu trong các cuộc đàm phán.

Vòng đàm phán Mỹ - Iran mở ra cánh cửa đối thoại sau 6 năm bế tắc - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Iran Araghchi (trái) và người đồng cấp Oman Albusaidi trước cuộc đàm phán với Mỹ tại Muscat, Oman, ngày 12/4 (Ảnh: AP)

Tác động của thỏa thuận Mỹ - Iran đối với khu vực

Trên thực tế, tác động sẽ là sâu sắc và toàn diện. Một thỏa thuận đạt được có thể giảm thiểu nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp, đặc biệt tại các điểm nóng như eo biển Hormuz - tuyến đường huyết mạch cho xuất khẩu dầu toàn cầu.

Nếu quan hệ Iran - Mỹ ổn định hơn, những cuộc xung đột gián tiếp qua các lực lượng ở Yemen, Syria hay Iraq có thể giảm quy mô.

Còn về mặt kinh tế, các nhà phân tích Vùng Vịnh cho rằng nếu thỏa thuận được ký kết, Iran có thể tăng xuất khẩu dầu ra thị trường. Điều này sẽ khiến giá dầu toàn cầu có thể giảm.

Mặt khác, các nước Vùng Vịnh như UAE và Qatar - vốn đã có mối quan hệ thương mại linh hoạt với cả Mỹ và Iran - có thể tận dụng cơ hội để mở rộng hợp tác đầu tư và thương mại với Tehran, trong bối cảnh Iran được gỡ bỏ trừng phạt.

Một số bài báo cho rằng nếu Iran phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau thỏa thuận, tầm ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế của họ trong khu vực sẽ tăng lên, đặt ra bài toán chiến lược cho các quốc gia Vùng Vịnh về cách cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Iran.

Vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Iran tại Oman đã đạt được với những tín hiệu tích cực, mở ra cánh cửa đối thoại sau 6 năm bế tắc.

Thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề niềm tin, khi Mỹ đòi hỏi Iran phi hạt nhân hóa hoàn toàn, còn Tehran chỉ sẵn sàng nhượng bộ nếu được dỡ bỏ cấm vận toàn diện.

Nếu đạt được thỏa thuận, khu vực Trung Đông có thể hưởng lợi từ giảm xung đột và ổn định kinh tế. Tuy nhiên, để tiến đến điều đó, cả Washington và Tehran đều phải chứng minh thiện chí bằng hành động cụ thể.

Dự kiến vòng đàm phán gián tiếp tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 19/4 tại thủ đô Rome của Italy.

Iran thông báo về lập trường đàm phán hạt nhân Iran thông báo về lập trường đàm phán hạt nhân Mỹ thông báo kế hoạch đàm phán với Iran Mỹ thông báo kế hoạch đàm phán với Iran Iran loại trừ khả năng đàm phán hạt nhân trực tiếp với Mỹ Iran loại trừ khả năng đàm phán hạt nhân trực tiếp với Mỹ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước