Đây được coi là sự thay đổi ngoại giao đáng kể duy nhất đến từ Tổng thống Ukraine Zelensky. Nguyên nhân dẫn đến lời đề nghị này là cuộc tấn công của Nga vào ngày 13/4. Theo đó, 35 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương khi Nga bắn hai tên lửa đạn đạo vào thành phố Sumy của Ukraine.
Tình báo quân sự Ukraine thông báo rằng Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-M/KN-23. Đại sứ Mỹ tại Ukraine - bà Bridget Brink - thừa nhận rằng lực lượng Nga đã sử dụng đầu đạn chùm.
Đáp lại, Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận máy bay không người lái của nước này đã tấn công một lữ đoàn Nga ở khu vực Kursk - đơn vị bị cáo buộc đã phóng tên lửa đạn đạo tấn công thành phố Sumy.
Hai ngày sau vụ tấn công ở Sumy, Tổng thống Zelensky nói với Tổng Thư ký NATO Mark Rutte rằng Ukraine đã sẵn sàng mua hệ thống tên lửa Patriot.
"Chúng tôi không chỉ yêu cầu Patriot, chúng tôi đã sẵn sàng mua chúng" - ông Zelensky nói với Tổng Thư ký Rutte trong chuyến thăm thành phố Odesa.
Tuần trước, người phát ngôn của lực lượng Không quân Ukraine Yuri Ignat nhận định tổng cộng 137 vụ bắn hạ tên lửa đạn đạo trong cuộc chiến đã chứng minh rằng tên lửa đạn đạo hiện nay chỉ có thể bị hệ thống Patriot đánh chặn.
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte (Ảnh: Getty)
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không đưa phản ứng nào về việc liệu họ có bán hệ thống tên lửa Patriot cho Kiev hay không.
Đức đã hứa cung cấp 4 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn IRIS-T, 120 hệ thống phòng không vác vai và 30 tên lửa đánh chặn cho các hệ thống Patriot, cùng nhiều vũ khí khác. Đan Mạch cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine một tỷ Euro (1,1 tỷ USD) viện trợ quân sự từ nay đến năm 2027 - bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không, pháo binh và đạn dược.
Anh và Na Uy đã công bố gói 600 triệu USD để sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện chiến đấu, radar, mìn chống tăng và hàng trăm nghìn máy bay không người lái. Na Uy cam kết thêm 938 triệu USD để trang bị cho một lữ đoàn mới của Ukraine.
Tổng Thư ký NATO thông tin các thành viên NATO đã cam kết viện trợ 20 tỷ Euro (23 tỷ USD) cho Ukraine trong quý I/2025.
Đại diện cấp cao Ngoại giao và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Kallas cho biết các thành viên EU - nhiều nước trong số này cũng là thành viên NATO - đã cam kết viện trợ 23 tỷ Euro (26 tỷ USD) cho đến nay trong năm nay, so với 20 tỷ Euro (23 tỷ USD) vào năm 2024.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình MI Ukraine trong chuyến đi bất ngờ tới Kiev vào ngày 15/4, ông Rutte cho biết Ukraine chưa bao giờ được hứa hẹn về tư cách thành viên NATO như một phần của bất kỳ giải pháp tiềm năng nào cho cuộc xung đột với Nga. Theo ông Rutte, mặc dù những quốc gia phương Tây ủng hộ Kiev tuyên bố Ukraine một ngày nào đó sẽ trở thành thành viên của NATO, nhưng không nước nào hứa với Ukraine rằng tư cách thành viên NATO sẽ là một phần của thỏa thuận hòa bình.
Nga từ lâu đã viện dẫn tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do để Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022. Sự trung lập của Ukraine vẫn là yêu cầu chính của Điện Kremlin để đạt được thỏa thuận hòa bình, cùng với việc quốc gia Balkan này phi quân sự hóa, phi phát xít hóa và công nhận thực tế lãnh thổ trên thực địa. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky đã nhấn mạnh rằng tư cách thành viên hoặc sự bảo đảm an ninh giống như các quốc gia thành viên NATO phải được đưa vào bất kỳ thỏa thuận nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!