Tôi đã ngồi trong khán phòng hôm ấy, trong thời gian diễn ra Hội nghị Nhà báo Thế giới 2025, lắng nghe ông Lee Kang Deok, Thị trưởng thành phố Pohang (Hàn Quốc), nói về hành trình 10 năm của một thành phố công nghiệp nặng đang chuyển mình trở thành đô thị sinh thái tiên phong.
Bài thuyết trình không có những khẩu hiệu lớn, không cố "truyền cảm hứng" theo cách hào nhoáng. Nhưng chính bởi sự mạch lạc, chân thành và dứt khoát trong từng lựa chọn mà tôi nhận ra: đây không chỉ là một bản quy hoạch – mà là câu chuyện của một người lãnh đạo biết sống vì thành phố mà ông đang dẫn dắt.
Nhà báo Nhật Hoa cùng Thị trưởng Pohang Lee Kang-deok, Chủ tịch hiệp hội báo chí Hàn Quốc Park Jong-hyun và đồng nghiệp
Pohang – Thành phố thép và áp lực phải thay đổi
Pohang từng là trung tâm công nghiệp thép hàng đầu Hàn Quốc, gắn liền với sự phát triển thần tốc của POSCO. Nhưng song hành với tự hào đó là những hệ lụy môi trường khó tránh khỏi: ô nhiễm không khí, nhiệt độ đô thị gia tăng, đất chật, người đông và thiếu không gian sống chất lượng.
Trong bối cảnh ngành thép gặp khó khăn – nhất là khi Mỹ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu – ông Lee thể hiện sự lo ngại rõ ràng về tương lai kinh tế của thành phố. Nhưng thay vì co mình trong nỗi lo, ông chọn cách chủ động thay đổi cấu trúc phát triển, với tầm nhìn hướng tới một đô thị xanh, gọn và bền vững hơn.
GreenWay Vision 2030 – Ba chiến lược xanh cho một đô thị mới
1. Mạng lưới kết nối xanh – Green Connector Network:
Xây dựng các tuyến đường mòn, dải cây xanh và không gian mở để người dân tiếp cận thiên nhiên trong vòng 5 phút đi bộ. Pohang hướng tới mô hình "thành phố 15 phút" – nơi mọi nhu cầu sống đều nằm trong tầm tay.
2. Thành phố gọn nhẹ – sống gần nhau hơn, sống chất lượng hơn:
Cải tạo các khu trung tâm cũ thành không gian sống năng động, gắn kết cộng đồng. Mô hình campus town, văn phòng chia sẻ, ký túc xá và các không gian sáng tạo được phát triển để giữ chân giới trẻ và người lao động trí thức.
3. Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu:
Rừng đô thị và không gian xanh ở Pohang không chỉ để làm đẹp mà còn có chức năng hấp thụ CO₂, giảm nhiệt, tích nước mưa, chống ngập và đóng vai trò vùng đệm sinh thái.
Những kết quả biết nói
Sau 10 năm, Pohang đã:
- Trồng hơn 21,5 triệu cây xanh
- Tăng thêm hơn 767.000m² diện tích xanh – tương đương 107 sân bóng đá
- Xây dựng 5 khu rừng đô thị mới
- Thu hút hơn 190 công trình dịch vụ cộng đồng và thương mại quanh các tuyến GreenWay
- Doanh thu khu vực này đạt 4,34 nghìn tỷ KRW/năm, gấp 10 lần vốn đầu tư ban đầu
GreenLoop – vòng kết nối cho tương lai
Hiện nay, thành phố tiếp tục hướng tới giai đoạn hai với dự án GreenLoop – một vòng sinh thái khép kín kết nối giữa thiên nhiên, dân cư và các trung tâm văn hóa – xã hội. Pohang dự kiến mở rộng thêm hơn 4 triệu m² diện tích xanh và xây dựng công viên One Million Pyeong làm biểu tượng sinh thái mới.
Từ một thành phố đến một thông điệp toàn cầu
Dự án GreenWay đã được trình bày tại COP29 (Azerbaijan, 2024) và sẽ là trọng tâm tại Diễn đàn Tăng trưởng Xanh Thế giới 2025 tổ chức ngay tại Pohang. Thành phố cũng đang xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc tế POEX, sẵn sàng trở thành một trong những điểm gặp gỡ toàn cầu về đô thị bền vững.
Sự đổi thay bắt đầu từ một người dám sống vì thành phố
Tôi tin, trong một thế giới thay đổi từng ngày, những nhà lãnh đạo biết đi chậm lại để trồng một cái cây – cho người khác được ngồi dưới bóng mát – chính là những người thật sự làm nên tương lai.
Muốn tạo ra một thành phố đáng sống,
trước tiên phải có những con người dám sống vì thành phố ấy.
Và một thành phố hoàn toàn có thể đổi thay.
Nếu người đứng đầu đủ tin – và đủ bền gan để đi đến cùng.
Seoul, 31/3/2025
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!