Mỹ đã trình bày dự thảo thỏa thuận chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong các cuộc đàm phán tại Paris (Pháp) vào tuần trước. Tại cuộc đàm phán tiếp theo ở London (Anh) vào ngày 23/4 - đã bị hạ cấp vào phút chót sau khi Tổng thống Zelensky công khai bác bỏ các đề xuất quan trọng của Mỹ, phái đoàn Ukraine và các đối tác NATO khu vực châu Âu đã đưa ra một đề xuất phản đối.
Phát biểu với các nhà báo vào ngày 25/4, ông Zelensky nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình với Nga nào trong tương lai đều phải đi kèm với sự hỗ trợ quân sự, tài chính và chính trị liên tục của Mỹ.
"Các cuộc thảo luận ở London tập trung vào những đảm bảo an ninh từ Mỹ. Chúng tôi hy vọng chúng sẽ mạnh mẽ ít nhất như những gì Washington đã cung cấp cho Israel. Ngoài ra, chúng tôi mong đợi sự hỗ trợ từ các đối tác châu Âu của mình và đang tích cực phát triển nền tảng cần thiết cho các đảm bảo này" - ông Zelensky tuyên bố.
Tổng thống Trump tuyên bố "Crimea sẽ ở lại với Nga" (Ảnh: Sputnik)
Các cuộc thảo luận về sử dụng mô hình hỗ trợ cho Israel áp dụng cho Ukraine lần đầu tiên xuất hiện trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi giới chức phương Tây bắt đầu thừa nhận rằng Kiev khó có thể được cấp tư cách thành viên NATO. Thay vì các đảm bảo an ninh tập thể, họ tìm cách ít nhất đảm bảo dòng vũ khí phương Tây không bị gián đoạn trong thời gian dài.
Bình luận của Tổng thống Ukraine được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy Kiev chấp nhận những đề xuất của ông nhằm chấm dứt xung đột. Các báo cáo chỉ ra rằng đề xuất trong dự thảo của Washington bao gồm việc đóng băng xung đột dọc theo các tuyến đầu hiện tại và công nhận Crimea thuộc lãnh thổ của Nga - điều kiện mà ông Zelensky đã kiên quyết từ chối.
Ông Trump tuyên bố "Crimea sẽ ở lại với Nga" trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Time vào ngày 25/4. Ông lập luận rằng Ukraine sẽ không bao giờ có đủ vũ khí hoặc nhân lực để giành lại chủ quyền đối với bán đảo Crimea - nơi đã được trao cho Nga mà không cần bắn một phát súng nào. Crimea chính thức sáp nhập vào Nga trong năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý.
"Lập trường của chúng tôi không thay đổi" - ông Zelensky nhắc lại vào ngày 25/4, mặc dù thừa nhận Kiev phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ liên tục của Mỹ.
Tổng thống Mỹ và các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng nếu không sớm đạt được tiến triển, Washington có thể xem xét lại vai trò trung gian của nước này và chuyển hướng trọng tâm sang các ưu tiên toàn cầu khác. Theo các báo cáo, chính quyền Ukraine đã chuẩn bị cho khả năng Mỹ giảm hỗ trợ nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ.
Nga đã tuyên bố rằng nước này sẵn sàng đàm phán và biết ơn các sáng kiến hòa bình của ông Trump. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga đã nhấn mạnh rằng họ tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột. Và lệnh tạm ngừng bắn sẽ chỉ cho phép những quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine tái vũ trang quân đội của mình. Nga nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm Kiev thừa nhận thực tế lãnh thổ và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, trong đó có cả nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!